TIN LIÊN QUAN | |
Thế giới sẽ “xoay xở” ra sao khi Internet cứ mỗi giờ tăng thêm 1 triệu kết nối? | |
Các thị trưởng trên thế giới hối thúc lãnh đạo G20 cứu Trái Đất |
Vũ Khoan
Nhờ những phương tiện thông tin hiện đại, giờ đây ai cũng có thể nắm bắt rõ tình hình chính trị toàn cầu, tuy nhiên, cảm quan của mỗi người về những vấn đề này lại khác nhau. Sau đây là những cảm nghĩ về nhân tình, thế thái của tôi trong những ngày tháng ngắn ngủi vừa qua.
Thế cục xoay vần
Chỉ mới sáu tháng trôi qua, nhưng chính trường thế giới đã trải qua vô vàn biến động: từ những rối rắm trong nội bộ nước Mỹ sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, cho đến những xáo động xã hội ở nhiều nước liên quan tới những bộn bề cuộc sống như công ăn việc làm, trật tự an ninh. Các cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện ở một loạt nước châu Âu như Pháp, Anh, Hà Lan, Áo… liên tiếp diễn ra, trong khi tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye đã không còn nắm quyền và thay vào đó là ông Moon Jae-in…
Năm 2016, người ta nói nhiều về sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Nửa đầu năm 2017 cho thấy hai chiều hướng ấy vẫn đang tồn tại và ở thế giằng co.
Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trong thời gian qua là cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện Pháp, với thắng lợi vượt trội của chính trị gia trẻ tuổi Emmanuel Macron cùng Đảng Nước Pháp tiến bước, vốn chỉ mới tham dự chính trường Pháp vỏn vẹn một năm. Chiến thắng của họ cũng đánh dấu thất bại đau đớn của các đảng Cộng hòa và Xã hội, vốn đã thay nhau cầm quyền hơn mấy chục năm, cũng như số lượng cử tri đi bầu thấp kỷ lục. Những hiện tượng ấy cho thấy người dân Pháp (và có lẽ người dân ở nhiều nước khác) đã chán ngấy vai trò của giới chính trị tinh hoa và khát khao về sự đổi mới.
Trong khi đó, trái với sự lo ngại của nhiều người về sự thắng thế của chủ nghĩa dân tộc sau sự kiện Brexit và những biểu hiện bảo hộ ở Mỹ, các đảng dân tộc chủ nghĩa ở Pháp, Áo, Hà Lan đều thất bại; “Hiệu ứng Domino” đã không xảy ra. Nói như vậy không có nghĩa là mối lo về xu hướng “đóng cửa” không còn nữa, nếu xét từ góc độ các biện pháp bảo hộ mậu dịch, hạn chế đi lại, các vụ xung đột xã hội xung quanh vấn đề nhập cư…
Chỉ mảnh treo chuông
Trong khi đó, cục diện an ninh trong nửa đầu năm 2017 nổi lên hai điểm nóng: một ở vùng Đông Á, một ở vùng Trung Cận Đông. Hai khu vực trọng điểm địa - chính trị và địa - kinh tế hàng đầu của thế giới này vốn luôn tiềm ẩn bất ổn, nay đã nảy sinh nhiều diễn biến mới.
Ở Đông Bắc Á, tình hình trở nên căng thẳng khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa mới. Đáp lại, Mỹ đã triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và biểu dương sức mạnh quân sự, trong khi Trung Quốc “ra đòn” kinh tế đối với Hàn Quốc do không chấp thuận hệ thống này... Tuy nhiên, các bên liên quan đều tránh vượt qua ranh giới đỏ. Bắc Kinh và Washington đã có những cuộc thảo luận chung nhằm “hạ nhiệt” trong khu vực. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đưa ra một số gợi ý làm dịu sự căng thẳng trong quan hệ liên Triều, trong khi Triều Tiên để ngỏ khả năng đối thoại, nhưng kèm theo một số điều kiện… Có thể nói, trong một thế giới khi các bên quá phụ thuộc vào nhau, một đốm lửa nhỏ, nếu bùng phát, sẽ trở thành đám cháy lớn và lôi kéo mọi bên liên quan vào xung đột, mà kết quả là không ai tránh khỏi sự thua thiệt.
Lui xuống phía Nam, tình hình Biển Đông trên bề nổi có phần tĩnh lặng hơn so với những năm trước, song mầm mống có thể gây căng thẳng trở lại vẫn còn đó, với những yêu sách phi lý kèm theo những hoạt động củng cố chỗ đứng trên những bãi đá được tôn tạo, bồi đắp, những động thái diễn võ giương oai…
Trong khi đó, khu vực Trung Cận Đông, nơi 70 năm qua tiếng súng chưa bao giờ ngớt, đồng thời là tụ điểm của những mâu thuẫn gay gắt về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, sắc tộc giữa các nước trong và ngoài khu vực, lại càng trở nên hỗn loạn. Chỉ mới sáu tháng trôi qua, nhưng mớ bòng bong các xung đột ở khu vực càng trở nên rối rắm: quan hệ Mỹ - Nga trải qua những thử thách mới, sự chuyển dịch trong tập hợp lực lượng xung quanh cuộc chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng phát giữa một số nước Arab với Qatar. Khi giải pháp triệt để cho các vấn đề này chưa xuất hiện, phe chịu thua thiệt nhất trong các tranh chấp này vẫn là dân lành, nơm nớp lo sợ trước mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các lực lượng khủng bố khác.
Sáu tháng vừa qua cũng chứng kiến mối đe dọa an ninh phi truyền thống do chính thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 gây ra. Những vụ tấn công mạng thông qua mã độc WannaCry đã buộc mọi quốc gia, từ Đông sang Tây, phải ra tay ứng phó. Việc này cho thấy nếu như các nước không kịp thời thích ứng và tận dụng các mặt tích cực, cũng như không lường trước và ứng phó kịp thời với mặt tiêu cực của vấn đề, thì đều có thể hứng chịu hậu quả khôn lường.
Cạnh tranh và hợp tác
Những diễn biến phức tạp nói trên liên quan mật thiết với mối quan hệ quốc tế, trước hết là giữa các nước lớn đang được xếp sắp lại. Mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở thành tâm điểm trong sáu tháng qua. Các cuộc tiếp xúc giữa hai nước ở mọi cấp cho thấy cả Washington và Bắc Kinh tiếp tục nằm trong cục diện vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, vừa tìm phương sách dung hòa khác biệt. Khía cạnh mới là một bên dường như có phần co lại, ảnh hưởng quốc tế có phần thấp xuống, một bên nhảy vào lấp chỗ trống, nỗ lực phát huy vai trò.
Trong khi đó, cặp quan hệ Mỹ - Nga xem chừng chưa thể có chuyển biến tích cực, một phần do mâu thuẫn sâu sắc, phần khác do những vướng mắc trong cuộc đấu đá nội bộ. Quan hệ hai bờ Đại Tây Dương là Mỹ và Liên minh châu Âu và cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng bộc lộ nhiều biểu hiện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Có thể nói, trong sáu tháng vừa qua, thế giới dường như đang chuyển mình từ trạng thái cũ, vốn không còn phù hợp, sang trạng thái mới chưa định hình và theo lẽ thường, thời gian chuyển tiếp này luôn kèm theo những bất ổn. Trạng thái này nhiều khả năng sẽ còn đeo đuổi chúng ta, chí ít là trong nửa năm tới. Thực tế ấy đòi hỏi chúng ta cần cải thiện tư duy dự báo và tăng cường tính cơ động, linh hoạt trong hành động, làm sao có lợi nhất cho lợi ích của nước mình.
Tổng thống Trump sẵn sàng gặp đồng cấp Putin tại Thượng đỉnh G20 Ngày 27/6, hãng tin TASS dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết, không loại trừ khả năng diễn ra một ... |
Quan hệ Nga - Mỹ còn lắm chông gai Mối quan hệ Nga - Mỹ trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ... |
Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục sóng gió Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục diễn biến căng thẳng khi đảng Dân chủ Mỹ đề nghị thành lập một ủy ban độc lập ... |