Công chúng Mỹ đã xem cuộc chiến tranh Iraq là một thất bại và bận tâm vào chuyện khác. Uy tín của Mỹ trong năm 2008 sẽ tiếp tục giảm và khả năng Mỹ tấn công Iran nay không còn nhiều. Vấn đề ở chỗ ai sẽ thay Tổng thống Bush vào tháng 11 tới, trong khi tình hình hiện tại cho thấy có thể chỉ cần một thông tin được tiết lộ cũng đủ "lật nhào" ứng cử viên dẫn đầu.
Ông Simpson dự báo rằng Thượng nghị sỹ Hillary Clinton sẽ có được vừa đủ phiếu để giành chiến thắng tại cuộc bầu cử, bộc lộ rõ tình trạng chia rẽ chưa từng có trong xã hội Mỹ. Lá phiếu của cử tri gốc Nam Mỹ tại các bang như New Mexico, Colorado và Florida có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện.
Câu hỏi đặt ra là ông Bush có đánh phủ đầu Iran để ngăn chặn nước Hồi giáo này phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Cách đây hai tháng ở Washington, người ta nghĩ ông Bush gần như chắc chắn sẽ làm điều đó. Tuy nhiên, việc cộng đồng tình báo Mỹ khẳng định Iran đã chấm dứt hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử từ năm 2003 đã "đánh đổ" giả thuyết này.
Vậy Israel có thay Mỹ tấn công Iran? Có thể, nhưng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng khó thành công và phản ứng dữ dội của người dân sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của chính Israel.
Theo ông Simpson, Thủ tướng Ehud Olmert sẽ không thử tấn công. "Đừng nghĩ về tôi như một chính trị gia như trước kia", ông ấy từng nói, "Tôi thay đổi rồi".
Thế còn bản thân Iran? Chúng ta thường quên một thực tế rằng đây là một trong vài nước ở Trung Đông có thể thực sự thay đổi chính phủ thông qua cuộc bầu cử. Nếu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phải chiến đấu qua một cuộc bầu cử vào năm 2008, thay vì 2009, ông ta có thể thất bại. Nhưng nếu Iran bị tấn công, chắc chắn Ahmadinejad sẽ thắng ngoạn mục. Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Bush giờ đây không còn muốn và cũng không đủ khả năng để làm thay đổi chế độ ở Iran.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có bước đầu khá ấn tượng. Năm 2008 sẽ chứng kiến một chính sách ngoại giao mới của Paris mà kết quả là sự hình thành một "Liên minh Địa Trung Hải".
Nước Nga, vì mục đích của riêng ông Vladimir Putin, sẽ áp dụng mô hình chính trị Tây Âu. Sau cuộc bầu cử vào tháng Ba tới, Tổng thống Dmitry Medvedev sẽ chỉ là tượng trưng, còn ông Putin, trong cương vị Thủ tướng, mới là người nắm quyền.
Tinh thần dân tộc ở vùng Balkan sẽ mạnh lên hơn bao giờ hết khi những người thiểu số Albania ở Kosovo thuộc Serbia tuyên bố độc lập. Nga sẽ phải can thiệp, Serbia thì vẫn luôn khẳng định kiên quyết chống lại sự chia cắt đất nước để bảo vệ chủ quyền của mình, còn châu Âu thì lung lay, nhưng sẽ không trở lại Sarajevo của tháng 7/1914.
Đại sứ Mỹ tại Zimbabwe đã từ dự đoán kinh tế nước này sụp đổ trước cuối năm 2007, nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình hình vẫn rất khó khăn, nhưng Tổng thống Robert Mugabe sẽ đưa ra một chương trình kinh tế mới sẽ giữ cho chính phủ của ông tồn tại. Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki tiếp tục chính sách "án binh bất động". Quyền hành của ông Mbeki sẽ giảm nhưng không có khả năng Jacob Zuma lên làm Tổng thống và cơ hội có thể thuộc về doanh nhân Cyril Ramaphosa.
Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ giành nhiều huy chương nhất tại Olympic năm nay. Sẽ có nhiều cuộc tỉ thí đến thót tim. Trên thực tế, những người chiến thắng phải là Liên minh châu Âu, nhưng bạn sẽ phải tự cộng tất cả những huy chương mà từng nước thành viên giành được.
Hoàng Tiến (gt)