📞

Thế giới thời ông Joe Biden: Kỳ vọng và hy vọng

PHAN QUÂN 20:00 | 25/12/2020
TGVN. Liệu ông Joe Biden có thể mang lại những thay đổi lớn cho thế giới như nhiều người từng kỳ vọng ở ông hay không? Câu trả lời là không hẳn. Bình luận của TG&VN
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden và cộng sự khó mang lại thay đổi lớn cho thế giới trong thời gian sớm, song có thể khởi đầu cho tiến trình thay đổi đó. (Nguồn: New York Times)

BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM

Ít nhất đó là quan điểm của Ian Bremmer, nhà chính trị học, học giả về rủi ro chính trị, nhà sáng lập công ty tư vấn Eurasia Group và hãng truyền thông số GZERO Media.

Một trong những đóng góp đáng chú ý nhất của ông Bremmer cho lĩnh vực quan hệ quốc tế là khái niệm về G-Zero, một thế giới với vai trò lãnh đạo toàn cầu bị thách thức nghiêm trọng do ảnh hưởng suy giảm của các quốc gia phương Tây, trong khi các quốc gia khác lại chưa đủ năng lực lấp đầy khoảng trống.

Theo ông Bremmer, trong một thế giới G-Zero, không một hay nhóm quốc gia nào có đủ đòn bẩy chính trị hay kinh tế để xây dựng, hay thúc đẩy các nghị trình toàn cầu.

Vậy khái niệm này liên hệ gì đến nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden?

Ảnh hưởng ngày một suy giảm của phương Tây, trong đó có Mỹ, khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu đứng trước thách thức nghiêm trọng, trong khi cường quốc mới nổi như Trung Quốc không thể lấp đầy khoảng trống đó. Điều này mang đến rủi ro lớn, khi không quốc gia hay nhóm quốc gia nào có đòn bẩy chính trị và kinh tế đủ lớn để thúc đẩy các nghị trình toàn cầu quan trọng, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống nước Mỹ là cần thiết, song liệu có đủ để tạo ra thay đổi lớn tới cục diện thế giới hiện nay?

Kỳ vọng khó đạt

Đầu tiên, đó là câu chuyện về tình hình nội trị Mỹ. Cuộc bầu cử tháng 11 cho thấy Mỹ là quốc gia chia rẽ nhất trong số các nền dân chủ phát triển. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng với quốc gia đã và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt và xây dựng trật tự thế giới. Đối đầu giữa phe tả và hữu, giới ủng hộ và chống các nguyên tắc xã hội, những người lo lắng và kẻ hoài nghi về đại dịch… khiến công chúng và chính trường Mỹ không còn hứng thú với vai trò “sen đầm” thế giới.

Những chia rẽ chính trị ấy cũng tác động sâu sắc tới góc nhìn của người dân Mỹ về tự do thương mại, khi càng có nhiều người cho rằng Mỹ cần giành lấy “miếng bánh” lớn nhất về cho mình, thay vì chia sẻ, tìm cách tạo ra chiếc bánh lớn hơn cho toàn thế giới.

Hệ quả là công chúng Mỹ không còn hứng thú với vai trò lãnh đạo toàn cầu mà Washington đã đảm nhiệm trong thế kỷ XX. Dù ông Biden có tính cách ít gây chia rẽ hơn so với người sắp mãn nhiệm, đây vẫn là thách thức về mặt cấu trúc mà không một Tổng thống Mỹ nào có thể giải quyết trong một, thậm chí hai nhiệm kỳ.

Thứ hai, theo ông Bremmer, ngay khi người dân và chính giới Mỹ muốn đưa xứ cờ hoa trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu, thế giới đã thay đổi quá nhiều từ cuối thế kỷ XX. Liên minh châu Âu (EU) vẫn bối rối trước bất đồng nội khối, mà Brexit và quá trình đàm phán thỏa thuận là ví dụ rõ nét.

Trong khi đó, Nga nhìn thấy nhiều giá trị trong việc khiến tình hình trở nên phức tạp hơn cho các cường quốc khác, thay vì bắt tay cùng những vấn đề chung ngày một cấp bách. Trung Quốc là cường quốc đang nổi lên mạnh mẽ, song không mong muốn dẫn dắt một trật tự thế giới do phương Tây xây dựng trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, Bắc Kinh không, hay chí ít là chưa ở vị thế để xây dựng một trật tự thế giới của riêng mình, nhất là khi mô hình phát triển đặc thù của Trung Quốc khó phổ biến hơn so với hình mẫu của Mỹ. Kết quả là trật tự thế giới, với ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo suy giảm của phương Tây, gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cuối cùng, đó là câu chuyện về các tổ chức quốc tế như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC)…, vốn đóng vai trò tích cực trong duy trì trật tự thế giới. Trong bốn năm cầm quyền, ông Trump từng chỉ ra điểm yếu, thiếu sót của chúng, song lại khai thác nó vì lợi ích cá nhân thay vì có giải pháp tích cực.

Đáng ngại hơn, cơ cấu và cách thức hoạt động của các tổ chức này phản ánh thực tế những năm 1950, thay vì 2020. Nhiều thách thức dài hạn, gay gắt nhất mà thế giới đang đối mặt như sự trỗi dậy của Trung Quốc, biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh mạng… chưa tồn tại khi các tổ chức này hình thành.

Thay đổi là cần thiết, song nó đòi hỏi nỗ lực của nhiều quốc gia, chứ không chỉ Mỹ. Kỳ vọng ông Joe Biden mang đến thay đổi lớn trong một sớm một chiều sẽ khó thành hiện thực.

Hy vọng còn đó

Tuy nhiên, theo ông Bremmer, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden cùng cộng sự có thể khởi đầu cho tiến trình thay đổi đó, thông qua việc lên tiếng ủng hộ và tài trợ các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết những thách thức.

Song, những tổ chức, thế chế đa phương cần tiến hành các cải cách cơ bản và toàn diện – nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là bài toán khó, không chỉ cho chính quyền Mỹ kế nhiệm, mà còn với cả một thế các nhà làm chính sách tương lai.

Sự hiện diện của ông Joe Biden trên cương vị ông chủ Nhà Trắng là cần thiết, đặc biệt khi ông dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Biden và cộng sự có thể hợp tác với các đồng minh để mang đến những thay đổi về mặt thể chế mà thế giới hiện cần hơn bao giờ hết.

Quá trình ấy sẽ đòi hỏi nỗ lực, nguồn lực, nhượng bộ, lòng chân thành, tính kiên trì và nhiều thời gian. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden cùng cộng sự cần chứng tỏ trong bốn năm tới.