Đó là “bí kíp” mà anh Nguyễn Sơn Ngọc, Tổ trưởng Tổ Quan hệ Đối ngoại, Vụ ASEAN đúc kết sau bảy năm làm việc tại Ban Thư ký ASEAN (Jakarta, Indonesia), nơi mỗi đồng nghiệp của anh dù đến ngôi nhà chung ASEAN nhưng đều mang những nét văn hóa đặc trưng chính đất nước họ.
Các cán bộ Ban Thư ký ASEAN chia tay Vụ trưởng Quan hệ đối ngoại tháng 4/2012. |
Những thú vị, khác biệt trong môi trường làm việc tại Ban Thư ký ASEAN là gì, thưa anh?
Đó là một môi trường làm việc đa văn hoá, đa sắc tộc. Trong cùng một tầng, phòng làm việc của bạn có thể cạnh phòng làm việc của một đồng nghiệp người Philippines, Singapore, Thái Lan hoặc bất cứ nước thành viên nào khác. Khi xuống căng tin ở Ban Thư ký, buổi trưa bạn có thể gọi một số món ăn của vài nước ASEAN khác nhau.
Về ngôn ngữ giao tiếp, tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng của tất cả các nước ASEAN khác khi các nhóm đồng nghiệp cùng một nước ngồi nói chuyện với nhau. Ở góc này là giai điệu mượt mà của tiếng Thái, góc kia là tiếng Indonesia uyển chuyển hay âm tiết đặc trưng tiếng Tagalog của Philippines.
Đặc biệt, tại các sự kiện của ASEAN, Ban yêu cầu nhân viên mặc trang phục truyền thống. Đây là cơ hội để mỗi người chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự đa dạng văn hóa. Ngày thường, các đồng nghiệp vận quần áo công sở. Nhưng mỗi dịp được mặc trang phục truyền thống, “ngôi nhà” Ban Thư ký trở nên đa sắc màu với gam trầm của batik, sắc rực rỡ của áo choàng với quần váy truyền thống của Philippines, vẻ đẹp dịu dàng từ các trang phục truyền thống Lào, Campuchia, Thái Lan và tất nhiên ở đó có nét duyên dáng của tà áo dài Việt. Tất cả tạo nên một bức tranh màu sắc rực rỡ nhưng rất gắn kết và đồng nhất.
Để thích nghi với “nồi lẩu thập cẩm” đó có lẽ không dễ dàng?
Theo tôi, để vượt qua bỡ ngỡ ban đầu trong một môi trường đa văn hoá, mỗi thành viên trong môi trường ấy phải nhạy cảm hơn, quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của mọi người xung quanh nhiều hơn. Mục đích của việc thành lập Cộng đồng ASEAN là hướng tới một xã hội “quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”. Vì thế, tôi cho rằng không chỉ những người làm việc trong môi trường đa văn hóa ASEAN mà mỗi người dân ASEAN cần quan tâm lẫn nhau để Cộng đồng trở nên gần gũi và quen thuộc với mỗi người.
Những ngày đầu công tác tại Ban, theo thói quen, khi đi ăn trưa cùng đồng nghiệp, tôi gọi món ăn chế biến từ thịt lợn. Sau khi món ăn được dọn lên, tôi mới nhớ ra đồng nghiệp là người Hồi giáo và kiêng thịt lợn. Mặc dù mỗi người gọi một món riêng nhưng từ đó tôi cũng rút ra được bài học là mỗi khi hành động cần nghĩ đến cảm xúc của bạn đối diện.
Hiểu biết văn hóa của các nước ASEAN giúp tôi và đồng nghiệp thuận lợi hơn trong trao đổi, chia sẻ hàng ngày, góp phần vào thành công của công việc.
Anh “thu hoạch” được những gì về nền văn hóa Indonesia?
Indonesia có một nền văn hoá lâu đời và độc đáo. Nước này cũng là một ví dụ điển hình của đa dạng văn hoá với khoảng 300 dân tộc, sắc tộc và khoảng hơn 20 thứ tiếng khác nhau.
Đất nước vạn đảo này có đa số dân theo Hồi giáo và rất mộ đạo. Có lần, tôi ra ngoài ăn trưa và vào một quán cà phê. Phía trước quán có một sân rộng với rất nhiều người đang đứng. Vừa trả tiền xong và quay lại, tôi bất ngờ thấy mình đang đứng trước một biển người đang quỳ lạy! Hóa ra khi ấy đã đến giờ cầu kinh buổi trưa và hướng tôi đang đứng mua cà phê là hướng cầu kinh!
Truyền thống đa dạng văn hóa tạo cho người dân Indonesia một tinh thần cởi mở đón nhận những tôn giáo khác. Điển hình như ngay tại một khu vực trung tâm thành phố, du khách có thể bắt gặp đền thờ Hồi giáo nổi tiếng Istiqlal đối diện với nhà thờ Công giáo Jakarta, chỉ cách nhau một con đường nhỏ. Ngoài ra, du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi chùa tại Jakarta.
Một điều khác nữa tôi cũng rất ấn tượng về người dân Indonesia là sự trung thực và kiên nhẫn. Ở Jakarta có rất nhiều khu mua sắm phức hợp lớn, nơi rất nhiều hàng hoá được bày bán ở các ki-ốt, các cửa hàng sang trọng. Tuy nhiên, người trông coi rất ít và số lượng các cổng từ chống mất cắp cũng khá hạn chế. Người dân nơi đây rất tự giác. Nạn tắc đường hay ùn ứ ở đường phố Jakarta cũng nổi tiếng, phương tiện lưu thông trên đường cũng đa dạng nhưng tôi rất ít khi nghe thấy tiếng còi xe hay việc cố tình vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…
Đặc biệt, người dân Indonesia rất có ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Vải Batik, loại vải sử dụng để may quần áo dân tộc của Indonesia được sử dụng thường xuyên, trong tất cả các dịp lễ tết hay cưới hỏi ở quốc đảo này.
Theo anh, làm thế nào để mỗi công dân ASEAN có thể dễ dàng thích nghi với một xã hội đa văn hóa?
Hợp tác sâu rộng trong ASEAN tất yếu sẽ dẫn đến giao thoa văn hoá ngày càng tăng. Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác sẽ hội nhập hơn nữa với nền văn hoá của nhau. Theo tôi, đây là lẽ đương nhiên, mang tính tích cực và đưa lại sự phong phú cũng như giàu có về văn hóa của mỗi quốc gia, góp phần thúc đẩy hiểu biết và phát triển của các nước trong khu vực.
Với tôi, “bí kíp” để thích nghi và phát triển trong một môi trường đa văn hoá là sự mở lòng, suy nghĩ tích cực, giang tay đón nhận các khác biệt từ các nền văn hoá khác nhau, sẵn sàng tìm hiểu những điều mới lạ trong văn hoá của các nước khác, từ đó tìm điểm đồng văn hoá, sàng lọc và tiếp thu các điểm tinh tế.
Tôi cho rằng, việc nói được ngôn ngữ bản địa là một lợi thế. Chúng ta chỉ cần cố gắng học và sử dụng ngôn ngữ bản địa, đôi khi là ở mức căn bản đã được trân trọng và đánh giá cao.
Đặc biệt, kinh nghiệm của tôi là mỗi chúng ta cũng cần tìm hiểu, khám phá thêm văn hoá Việt Nam và cảm nhận sâu hơn về các nét đẹp văn hoá của nước mình để có thể giới thiệu với các bạn bè trong ngôi nhà chung ASEAN.