Việt Nam có 6,7 triệu người khuyết tật, chỉ 15% trong số đó có việc làm tương đối ổn định. |
Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần II năm 2013 là hoạt động do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức hướng tới Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, cũng là dịp để tổ chức Đoàn, Hội và toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng trong cuộc sống, đặc biệt là việc đào tạo, tư vấn, tuyển dụng lao động, từ đó giúp họ có thêm niềm tin, và nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, 291 người khuyết tật đã được các đơn vị tư vấn tuyển sinh, việc làm; số lao động đăng ký tìm việc là 181 người, số lao động được các đơn vị tiếp nhận ngay trong ngày là 67 người trong đó có 22 lao động có trình độ, 45 lao động phổ thông; số người khuyết tật đăng ký học nghề là 142.
Hiện nay, tỷ lệ người thất nghiệp ở nước ta đang rất cao. Tìm kiếm việc làm với người bình thường đã là khó, nhưng với người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội. Người khuyết tật không có việc làm đã kéo theo gánh nặng cho gia đình và xã hội, khiến cho khoảng cách hòa nhập với cộng đồng bị thu hẹp.
Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội cho biết: “Việc làm đối với người khuyết tật hiện rất bức thiết. Sự quan tâm của Nhà nước đối với người khuyết tật trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho họ. Thành đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội này là hoạt động đặc biết có ý nghĩa, rất thiết thực cho người khuyết tật. Chúng tôi mong các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật để họ có việc làm, giúp người khuyết tật được đào tạo, tư vấn, giúp họ có thêm niềm tin, bản lĩnh và nghị lực để vượt qua trở ngại, khó khăn, vươn lên hòa đồng với xã hội”.
Cũng theo bà Diệp thì người khuyết tật hiện nay còn thiếu kỹ năng tìm kiếm việc làm, tay nghề, trình độ chuyên môn chưa cao. Đặc biệt sự mặc cảm là rào cản lớn để họ có cơ hội tiếp cận với những công việc phù hợp. Do vậy, để có nhiều cơ hội việc làm, người khuyết tật cần phải nỗ lực nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn để đáp ứng với công việc.
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần II, 17 đơn vị Hội khuyết tật các quận, huyện, Trung tâm dạy nghề đã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Buổi tọa đàm: “Cơ hội việc làm cho Người khuyết tật” diễn ra xoay quanh các nội dung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên khuyết tật, tập huấn "Thanh niên khuyết tật với nghề nghiệp, việc làm" với những nội về các chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến Người khuyết tật (Luật người khuyết tật, các chế độ của lao động khuyết tật và quyền lợi của chủ sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật), các kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật…
10 suất học bổng học nghề có tổng trị giá 25 triệu đồng đã được trao cho 10 thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Đồng thời, ban tổ chức phối hợp với Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu giữa sinh viên, người khuyết tật với 10 gương mặt nữ thanh niên khuyết tật đoạt giải cao trong liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013”.
Việt Nam có 6,7 triệu người khuyết tật, chỉ 15% trong số đó có việc làm tương đối ổn định. Hiện nay, người khuyết tật nước ta tiếp cận việc làm rất khó khăn, vì vậy ngày hội là sự chung tay sẻ chia của cộng đồng dành cho người khuyết tật, giúp họ có thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực vượt qua những trở ngại, khó khăn và vươn lên trong cuộc sống hòa nhập với cộng đồng
T.H