Đầu năm 2021, các chỉ số ở Phố Wall đã đạt những mức cao kỷ lục mới. (Nguồn: Reuters) |
Theo bài phân tích đăng trên báo The Straits Times (Singapore), với những hỗn loạn ở Washington, thêm một lần phong tỏa ở London, làn sóng mới của dịch Covid-19 ở châu Âu và những khu vực khác, chính quyền mới ở Mỹ chuẩn bị nhậm chức và việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 không đồng đều trên toàn thế giới, chưa bao giờ trong lịch sử gần đây lại có quá nhiều sự kiện địa chính trị ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường tài chính như thời điểm bắt đầu năm mới 2021 này.
Có lý do để lạc quan
Không có gì ngạc nhiên khi cho đến nay, biến động là trạng thái giao dịch có thể nhận thấy rõ và có thể tiếp tục là đặc điểm của các thị trường tài chính trong phần lớn năm 2021. Các chỉ số ở Phố Wall đã đạt những mức cao kỷ lục mới.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích và các chiến lược gia thị trường vẫn lạc quan về đà tăng của chứng khoán toàn cầu. Và họ có lý do để lạc quan như vậy.
Bất chấp những cảnh hỗn loạn mới đây ở Washington, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Joe Biden làm Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Vì vậy, trong khi một nước Mỹ bị chia rẽ sẽ vẫn chứng kiến các cuộc phản kháng và chống đối chính quyền mới, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1.
Điều có ý nghĩa quan trọng hơn là đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ. Thắng lợi của hai ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ ở bang Georgia trên thực tế đem lại “làn sóng xanh” để chính quyền của ông Biden thúc đẩy chương trình nghị sự kích thích và chi tiêu tài chính khổng lồ của mình trong ít nhất hai năm tới.
Như ông Vasu Menon, Giám đốc điều hành phụ trách chiến lược đầu tư của Ngân hàng OCBC chỉ rõ, những số liệu việc làm yếu kém gần đây của Mỹ làm nổi bật sự cần thiết phải có kích thích tài chính.
“Đảng Cộng hòa đã phản đối hỗ trợ các chính quyền bang và địa phương, nhưng đảng Dân chủ giờ đây sẽ có thể thông qua gói hỗ trợ đó. Thượng viện đã từ chối bỏ phiếu cho một dự luật của Hạ viện nhằm tăng mức hỗ trợ một lần một người từ 600 USD lên 2.000 USD vào tháng 12/2020. Dự luật này giờ đây cũng có thể được thông qua. Và cũng có thể có nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ về thất nghiệp và y tế”, ông Vasu Menon nói.
Đương nhiên, thị trường cũng thận trọng với xu hướng đảng Dân chủ có thể đảo ngược các dự luật cắt giảm thuế của ông Trump. Một số người trong cuộc trên thị trường cũng lo sợ về những quy định mới về mức lương tối thiểu và nhiều quy định hơn đối với các lĩnh vực năng lượng, công nghệ và dịch vụ tài chính.
Nhưng các ưu tiên của chính quyền mới ở Mỹ, ít nhất là trong năm tới, sẽ có thể thúc đẩy nền kinh tế, thay vì áp dụng các quy định mới. Trong bất kỳ trường hợp nào, có đủ số người Cộng hòa và Dân chủ ôn hòa, ít nhất là trong thời điểm hiện nay, để ngăn chặn sự thay đổi hoàn toàn về các quy định.
Trong khi đó, khi chính quyền mới ở Mỹ sẵn sàng tung ra Dự luật kích thích kinh tế khổng lồ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương ở Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu nới lỏng định lượng (QE), giải phóng thanh khoản tràn vào thị trường. Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã hành động tương tự.
Dòng lũ “tiền rẻ” đã làm giảm lãi suất và nhìn chung ảnh hưởng đến lợi tức. Và việc tìm kiếm lợi tức đã đẩy giá cổ phiếu trên toàn cầu tăng cao hơn.
Với việc các nước đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, một số quỹ đã và đang quay vòng sang những doanh nghiệp hưởng lợi trong trung hạn, sự phục hồi bắt đầu và cổ phiếu tăng trưởng.
Bởi vậy, các lĩnh vực như ngân hàng, năng lượng, hàng hóa, đi lại, logistics/chuỗi cung ứng và tài sản đã được quan tâm trở lại.
Vẫn còn mối nguy hiểm lớn
Nhưng cũng có những chủ đề mới hơn đang nổi lên, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, thanh toán số, trí tuệ nhân tạo… Trong khi đó, sự chuyển dịch từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị đã thể hiện rõ trong cách thức các ngân hàng và các ngành công nghiệp đang phục hồi.
Một chủ đề đầu tư bao trùm là châu Á, được cho là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng châu Á rất đa dạng. Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á có đặc điểm kinh tế, chính trị và xã hội riêng biệt của họ. Tuy nhiên, khu vực này có một số điểm chung mà thị trường có thể khai thác.
Những điểm chung này bao gồm tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, nhu cầu ngày càng tăng đối với đi lại và đồ xa xỉ, và quá trình đô thị hóa. Một số xã hội cũng đang phải đối mặt với dân số già hóa nhanh. Biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị cũng sẽ được chú trọng.
Khi tình hình Covid-19 dần dần lắng xuống và trạng thái bình thường quay trở lại, hy vọng trong nửa cuối năm 2021, sự phục hồi kinh tế có thể thúc đẩy hơn nữa lòng tin của thị trường. Những nước tụt hậu trong kỷ nguyên Covid-19 có thể hồi sinh.
Bên cạnh những triển vọng, những sự kiện địa chính trị có thể vẫn là mối nguy hiểm lớn nhất đối với thị trường. Tuy nhiên, có nhiều hy vọng rằng Chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận có đầy đủ thông tin và sắc thái hơn đối với bạn bè cũng như những bên đối địch.
Chuyên gia Ngân hàng DBS Hou Wey Fook cho rằng, rủi ro lớn nhất là lạm phát đang quay lại, dẫn tới lãi suất tăng mạnh. Những rủi ro khác bao gồm dịch Covid-19 kéo dài do vaccine không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của nó, ảnh hưởng đến đi lại và thương mại quốc tế khi các nước vẫn đóng cửa biên giới. Cũng có rủi ro là bất ổn chính trị tại Mỹ tiếp tục và thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay, triển vọng cho năm 2021 dường như vẫn lạc quan. Như chuyên gia ngân hàng OCBC ông Menon, đã tổng kết: “Nói tóm lại, những lợi ích kinh tế và chính trị từ một môi trường chính trị ổn định hơn ở Mỹ có thể dự báo tốt cho các thị trường chứng khoán toàn cầu, dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021”.
Ông Menon cũng cảnh báo, con đường phía trước không hề bằng phẳng.Trạng thái bình thường mới do Covid-19 đem lại có nghĩa là các nhà đầu tư phải sẵn sàng cho những biến động không ngừng và sự nhanh nhạy sẽ là chiến lược giành chiến thắng.