Khối thiên thạch này được phát hiện vào năm 2010, nhưng gần đây các nhà thiên văn học mới xác định nó không thể va chạm với hành tinh của chúng ta, thay vào đó nó chỉ bay qua với khoảng cách tương đương một nửa quãng đường từ Trái đất tới Mặt trăng.
Cơ quan Hàng không và Vũ Trụ Mỹ (NASA) ngày 15/5 thông báo một khối thiên thạch có kích thước to như một sân bóng đá dự kiến sẽ bay ngang qua Trái đất nhưng ở khoảng cách an toàn. (Nguồn: Getty Images) |
Khối thiên thạch có tên 2010 WC9 sẽ tiến gần nhất Trái đất vào lúc 22 giờ 4 ngày 15/5 (theo giờ GMT) và vào thời điểm thiên thạch bay sát khu vực bờ biển Nam Cực nhất, khoảng cách chỉ còn lại 193.000 km. Vào sáng 16/5 (giờ Việt Nam) sẽ cách trái đất khoảng 203.453 km.
Các kính thiên văn đặt ở thành phố Cape Town của Nam Phi có thể quan sát được khối thiên thạch này rõ nhất. Nó có kích thước 60 X 120 mét và bay với vận tốc 12,9 km/giây.
Hồi tháng 11/2010, thiên thể này cũng từng tiến gần trái đất ở mức có thể quan sát được bằng các thiết bị thiên văn trên bầu trời bang Arizona, Mỹ. Sau đó, 2010 WC9 biến mất trong gần 8 năm trước khi xuất hiện trở lại.
NASA cho biết đây là khối thiên thạch bay sát Trái đất nhất trong gần 2 thế kỷ. Theo ước tính có hơn 10.000 thiên thạch đang bay gần Trái đất và các nhà khoa học luôn theo dõi chúng để phát hiện khả năng đâm vào Trái đất.