Nga đóng vai trò quan trọng trong thương thảo các thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. (Nguồn: AP) |
Quá tam ba bận
Sau ba lần ngừng bắn bất thành, Armenia và Azerbaijan bất ngờ tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn mới do Nga bảo trợ, chấm dứt hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh. Tuyên bố chung có hiệu lực từ 0 giờ ngày 10/11 giờ Moscow gồm chín điểm quy định quân đội hai bên dừng lại ở vị trí hiện tại; xác định cụ thể thời gian trao trả các vùng ở Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan và lịch trình rút quân của Armenia.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga, triển khai dọc tuyến phân định tạm thời và hành lang Lachin nối Nagorno-Karabakh với Armenia, sẽ đảm bảo thực thi Tuyên bố chung. Các bên cam kết khôi phục liên kết kinh tế và giao thông ở Nagorno-Karabakh; Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn kiểm soát việc hồi hương của người tị nạn và di tản ở Nagorno-Karabakh.
Sau đó, Nga lập tức triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với gần 2.000 binh sĩ, tuyên bố sẽ thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại khu vực trên trong năm năm và có thể kéo dài thêm năm năm. Điều đó cho thấy Nga coi trọng tuyên bố đình chiến, nhưng hiểu rằng giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh còn rất lâu dài và phức tạp.
Tưởng bất ngờ
Bất ngờ là bởi xét tương quan lực lượng, quân đội Azerbaijan thiện chiến, trang bị tốt hơn, luôn sẵn sàng trong tâm thế chiến đấu và đang trên thế thắng. Baku có lợi thế về địa hình, được quốc tế công nhận vùng đất Nagorno-Karabakh thuộc lãnh thổ. Quan trọng hơn, Azerbaijan được Israel và đặc biệt là đồng minh truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ vũ khí.
Đổi lại, phía Armenia đã chủ quan khi không chú trọng hiện đại hóa quân đội, tin vào “lá chắn” Nga. Khi bị thất thế, Yerevan đã thúc giục Moscow hỗ trợ an ninh. Sau lưng Armenia còn có Iran, song Tehran còn nhiều mối lo khác và cũng không tiện can dự.
Ngoài lực lượng đồn trú tại căn cứ quân sự ở Armenia, Nga không có hoạt động quân sự trực tiếp trên chiến trường. Trước tin hệ thống tác chiến điện tử Nga hỗ trợ quân đội Armenia bắn hạ UAV của Azerbaijan, song Nga không công nhận hay phủ nhận. Động thái này vừa đủ chứng tỏ uy lực vũ khí Nga, vừa là lời cảnh báo Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không đủ cơ sở để các nước cáo buộc Nga tham chiến.
Trên thực tế, trước ngày 9/11, Azerbaijan đã chiếm được một số địa điểm. Trong thế quân sự có lợi, sự chấp nhận đình chiến của Azerbaijan là tương đối bất ngờ.
Hóa có cớ
Song nếu xem xét kỹ, hành động đó là hợp lý. Phát biểu sau thỏa thuận, Tổng thống Ilham Aliyev khẳng định: “Bàn tay sắt đã buộc ông ấy (Thủ tướng Armenia) phải kí vào thỏa thuận này và đây thực chất là một sự đầu hàng”. Azerbaijan đã đạt được mục đích cơ bản và trong năm 2020 sẽ lần lượt thu hồi Aghdam, Kelbaijan, Lachin, cắt đứt hành lang kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia, buộc Yerevan rút quân.
Song nếu ông Aliyev không chấp nhận dàn xếp và vẫn tấn công, Azerbaijan có thể thêm tổn thất do lực lượng li khai phải quyết tử. Hơn nữa, hành động này còn tạo cớ cho Nga, Iran can thiệp, đặc biệt sau khi Baku bắn rơi máy bay trực thăng Moscow. Biết điểm dừng là yếu tố quan trọng để thành công và Azerbaijan hiểu rõ điều đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố việc đình chiến là “đau đớn”, thừa nhận rằng không có cách nào khác. Ông Arayik Harutyunayan, lãnh đạo khu tự trị Nagorno-Karabakh cũng cho rằng đã đến lúc chấm dứt chiến tranh, dù nó đồng nghĩa rằng Armenia lựa chọn “rút lui trong danh dự”!
Về phần Nga, sau bốn lần dàn xếp thất bại, đã có ý kiến cho rằng Moscow không còn duy trì được tiếng nói ở khu vực này. Nga coi trọng không gian hậu Xô viết và không muốn mất đồng minh, hay để phương Tây can dự vào vùng đệm chiến lược này. Tuy nhiên, Nga đủ tỉnh táo để từ chối can dự trực tiếp, với lí do chiến sự Nagorno-Karabakh không thuộc phạm vi hiệp ước phòng thủ chung với Armenia. Nga hiểu rằng nhiều nước muốn họ bị sa lầy, mất uy tín ở Nagorno-Karabakh và quan trọng hơn, khi chưa đứng hẳn về một bên, Moscow vẫn đủ tư cách để dàn xếp đình chiến.
Ông Putin tuyên bố, thỏa thuận đạt được sẽ tạo điều kiện cần để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh lâu dài và đầy đủ, trên cơ sở công bằng và vì lợi ích các bên. Không phải động binh mà vẫn đạt mục đích, quả là cao tay.
Nguy cơ còn đó
Tuy nhiên, vùng Nagorno-Karabakh chứa đựng mâu thuẫn sâu sắc giữa chủ quyền lãnh thổ và vấn đề sắc tộc kéo dài nhiều năm. Chủ quyền lãnh thổ là không thể nhân nhượng, nhưng vấn đề sắc tộc cũng chẳng thể xem nhẹ. Do đó, chuyện Nagorno-Karabakh vẫn sẽ nóng trong nhiều năm tới.
Về phía Armenia, những ngày qua, nhiều người dân đã biểu tình, chiếm tòa nhà Chính phủ thời gian ngắn, đập phá đồ trong nhà Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội bị thương vì ký thỏa thuận có lợi cho Azerbaijan. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phải giãi bày và nhấn mạnh rằng việc ký Tuyên bố chung sẽ là “khởi đầu mới cho kỷ nguyên của thống nhất và tái sinh dân tộc.”
Trong khi đó, tuy không còn được hậu thuẫn nhưng người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh sẽ không chịu ngồi yên một khi Azerbaijan không đáp ứng yêu cầu tự trị.
Dư luận đánh giá đây là thành công của Azerbaijan, song không phải là một hiệp ước hòa bình toàn diện vì còn nhiều điểm “còn mơ hồ”! Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, khó có thể đòi hỏi nhiều hơn và việc hai bên chấp nhận thỏa thuận đã là thành công quan trọng bước đầu.