Tổng thống Trump thường tự xưng là “Tariff Man”, khẳng định chưa đồng ý giảm bớt thuế quan. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 12/11, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế tại New York, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang “rất suôn sẻ”. Tuy nhiên, ông Trump cũng nói rằng sẽ chỉ ký một thỏa thuận thích hợp dành cho Washington, có lợi cho các công ty và công nhân Mỹ. Ông vẫn sẵn sàng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận giai đoạn 1.
“Tariff Man”
Những tuyên bố tung hỏa mù của Tổng thống Trump cho thấy, khả năng Mỹ - Trung hiện chưa nhất trí rút bỏ bất cứ biện pháp thuế quan nào làm điều kiện để đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là có căn cứ.
Trong khi thông tin về một thỏa thuận giai đoạn 1 được truyền đi, rằng hai bên đạt được thỏa thuận đầu tiên này thì sẽ có nhượng bộ và thỏa thuận về thuế quan. Đúng vào thời điểm then chốt, người duy nhất có thể đưa ra quyết định cuối cùng là Tổng thống Trump lại lên tiếng cho thấy, ông chưa đồng ý rút bỏ thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại.
Phát biểu này không chỉ phủ nhận mọi phát biểu từ các quan chức cả Mỹ và Trung Quốc, mà còn cho thấy phía Mỹ cuối cùng vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong việc có đưa nội dung dỡ bỏ thuế quan vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hay không.
Và tất nhiên, nếu Washington không hủy bỏ bất cứ biện pháp thuế quan nào thì khả năng người Trung Quốc đồng ý ký vào thỏa thuận nào đó cũng khó có thể xảy ra.
“Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan như là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào được ký kết”. Không chỉ Trung Quốc, không ít quan chức Mỹ đã lên tiếng kỳ vọng về thỏa thuận giai đoạn 1 như vậy, dù nó chưa thể giải quyết đầy đủ các vấn đề mang tính kết cấu như đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, bán phá giá để giành giật thị trường, trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước… vốn đã châm ngòi nên cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là đã thúc ép Mỹ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa của mình như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào. Nhưng phía Nhà Trắng, các nhà đàm phán Mỹ vẫn khá “nửa nạc, nửa mỡ”, khi không kín tiếng nhưng cũng không hẳn công khai về thông tin này.
Còn Tổng thống Trump thì tuyên bố thẳng rằng phía Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận hơn là ông muốn. Và dù cho các cuộc đàm phán diễn tiến chậm hơn so với mong muốn, ông Trump vẫn khá thận trọng với thông tin dỡ bỏ thuế quan và thường ám chỉ việc Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan là không chính xác. Không như nhiều quan chức dưới quyền, Tổng thống Trump thường tự xưng là “Tariff Man” với giới truyền thông, khẳng định chưa đồng ý giảm bớt các mức thuế quan vốn đã được áp dụng.
Đề cập vấn đề này, Reuters cho rằng, kế hoạch trên có lẽ đã vấp phải sự phản đối “kịch liệt” từ nội bộ. Thậm chí, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, khi những đòi hỏi của Mỹ luôn nhận được lời phản bác cụ thể từ Bắc Kinh.
Cuối cùng, có vẻ như tình hình đang ủng hộ “Tariff Man” Donald Trump khi Hội nghị Cấp cao APEC 2019 tại Chile, nơi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung được kỳ vọng tạm chốt lại những căng thẳng trong hơn một năm qua bị hủy bỏ vào phút cuối, khiến ngày ký thỏa thuận vì thế mà vẫn chưa thể ấn định. Tổng thống Trump khẳng định, nếu hoàn tất giai đoạn 1 với Trung Quốc, thỏa thuận sẽ được ký tại Mỹ, ở Iowa hoặc ở một vùng nông nghiệp nào đó như thế.
Dù có đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không vì thế mà lắng dịu. (Nguồn: Gulf News) |
Khó đến hồi kết
Tình hình cho thấy, phe cứng rắn vẫn giữ ưu thế trong chính sách Trung Quốc của Nhà Trắng. Thậm chí, không ít người tin rằng, dù có đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới cũng không vì thế mà lắng dịu.
Những tuyên bố được cho là khá lạc quan từ phía Trung Quốc rất có thể nằm trong một kế hoạch có tính toán nhằm đưa việc hủy bỏ thuế quan trở thành một phần của bất cứ thỏa thuận nào. Tuy nhiên, với Washington, mục đích cuối cùng của đàm phán thương mại là kết thúc các cuộc tấn công mang tính kết cấu của Trung Quốc nhằm vào kinh tế Mỹ. Nhưng với Bắc Kinh, mục tiêu đầu tiên là dần dỡ bỏ thuế quan, mà đó là điều mà Tổng thống Trump chưa muốn nói tới.
Về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể gọi là thỏa thuận tình thế, thực hiện theo phương thức dễ trước khó sau, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của các bên. Đối với Tổng thống Trump, ông đang cần một thành tích và đặc biệt là lấy được lòng những nông dân Mỹ vốn từng ủng hộ, để có thể tái đắc cử Tổng thống vào năm 2020. Đối với ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh cần phải nhanh chóng giảm áp lực của chiến tranh thương mại đối với kinh tế nước này nhằm tránh gây ảnh hưởng tới ổn định chính trị.
Bởi vậy, nếu nhân cơ hội này Bắc Kinh yêu cầu Washington dỡ bỏ một số biện pháp thuế quan, ngược lại, Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua thêm nông sản, khả năng hai bên sắp đi đến ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 khá cao, vấn đề hiện chỉ còn là ký ở đâu.
Tuy nhiên, sau giai đoạn 1 là gì thì chưa ai dám chắc. Các khó khăn thách thức nhất đều đã để lại ở các giai đoạn 2, 3… và rất có thể để gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, phía Mỹ lại tiếp tục sử dụng biện pháp thuế quan… Chiến tranh thuế quan sẽ tiếp tục.
Những vấn đề đã để lại đều được cho là chạm vào “giới hạn đỏ” của hai bên, nên không gian nhượng bộ rất giới hạn. Hơn nữa, các yêu cầu của Mỹ về cơ chế thực hiện thỏa thuận đạt được cho là liên quan tới vấn đề chủ quyền, điều Bắc Kinh càng khó nhượng bộ.
Cho nên, sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian, mà có khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn không tới được thỏa thuận cuối cùng.