TIN LIÊN QUAN | |
Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông | |
Mỹ đang gửi những thông điệp quan trọng tới Trung Quốc tại Biển Đông |
Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, trong một lần tập trận ở Tây Thái Bình Dương cùng với chiến hạm Nhật năm 2017. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Ba tàu sân bay Mỹ đồng thời tuần tra ở vùng biển Thái Bình Dương, máy bay oanh tạc B-1B được triển khai trên đảo Guam ở phía Tây Thái Bình Dương, máy bay trinh sát không người lái Global Hawk cũng được điều tới Nhật Bản để làm nhiệm vụ trong khu vực.
Theo giới phân tích, rất hiếm khi Mỹ tung một lực lượng hùng hậu như vậy đến vùng biển châu Á, một quyết định gắn liền với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động khống chế Biển Đông.
Trích dẫn các thông cáo báo chí do chính Hải quân Mỹ công bố, CNN cho biết hai chiếc tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, trong khi chiếc USS Nimitz cùng với hạm đội hộ tống rời cảng San Diego ở California ngày 8/6 và hiện đã có mặt ở phía Đông.
Ý định phô trương uy lực của Hải quân Mỹ được thấy rõ qua việc Bộ Quốc phòng không ngần ngại công bố hình ảnh về hoạt động của các nhóm tàu sân bay. Mạng xã hội Twitter của Hải quân Mỹ đã liên tục đưa tin và đăng ảnh về các cuộc tập huấn của hai chiếc Theodore Roosevelt và Ronald Reagan trên Biển Philippines. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động của tàu sân bay Nimitz ở Thái Bình Dương.
Theo CNN, với mỗi tàu chở theo hơn 60 máy bay chiến đấu, đây là cuộc triển khai tàu sân bay lớn nhất ở vùng biển châu Á từ năm 2017 đến nay. Năm 2017 là thời điểm căng thẳng với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân lên đỉnh cao.
Ý nghĩa phô trương uy lực của việc triển khai đồng thời ba tàu sân bay, kèm theo toàn bộ các hạm đội tác chiến hùng hậu đã được chính các lãnh đạo Hải quân Mỹ nêu bật. Trả lời hãng tin AP, ngày 12/6, Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler, Chỉ huy tác chiến Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ khẳng định: "Tàu sân bay và các nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ. Tôi rất mừng với việc triển khai đến ba chiếc vào lúc này".
Mặc dù không nói rõ mục tiêu của việc triển khai, nhưng Chuẩn Đô đốc Koehler ghi nhận tình trạng Trung Quốc đang quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, bố trí trên đó các tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử trong bối cảnh các hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có dấu hiệu chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Giới phân tích nhận thấy qua việc triển khai đồng thời ba nhóm tàu sân bay đến châu Á, Washington muốn gửi thông điệp răn đe tới Bắc Kinh. Trả lời hãng tin AP, bà Bonnie Glaser, Chủ nhiệm Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đóng trụ sở tại Mỹ, nhận định: "Truyền thông Trung Quốc cho rằng năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì dịch Covid-19. Do đó, đợt triển khai này có dấu hiệu là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm".
Mỹ không chỉ gây sức ép với Trung Quốc ở trên biển mà còn gia tăng thị uy trên không bằng cách điều máy bay oanh tạc hiện đại B-1B Lancer và máy bay trinh sát không người lái Global Hawk RQ-4 đến hoạt động ở Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương.
Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Nguồn: ST) |
Theo tin được kênh truyền hình Mỹ Fox News tiết lộ ngày 10/6, Không quân Mỹ đã xác nhận việc sử dụng một phi đội máy bay ném bom B-1B trú đóng trên đảo Guam để hỗ trợ cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong các nhiệm vụ trên Biển Đông. Bên cạnh đó, máy bay do thám hiện đại không người lái Global Hawk RQ-4 cũng được vận chuyển tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, quân đội Mỹ đã tăng cường hoạt động trong khu vực để sẵn sàng đối phó với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Bilahari Kausikan, cộng tác viên cao cấp tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Quản lý Singapore cho biết căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ còn tiếp diễn, nhưng khả năng xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng không cao.
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến châu Á "Triển vọng về một lưỡng cực mới và tác động của nó đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương" do câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tổ chức, ông Kausikan nhận định: "Trong khi Trung Quốc phát triển năng lực tấn công của họ, các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ tập trung tăng cường khả năng của chính họ. Trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân trong khu vực, chúng ta không thể đưa ra quyết định sẽ hy sinh quốc gia nào".
Liên quan tới tương lai của khu vực, ông Kausikan cho rằng "căng thẳng vẫn sẽ còn tiếp diễn" và "có thể khá gay gắt".
Tại Hội nghị, Giám đốc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn cho biết thêm: "Tất nhiên, đụng độ trực tiếp giữa các cường quốc ít có khả năng xảy ra, ít ra là vì sức mạnh quân sự của họ đang dần ngang nhau. Tuy nhiên, có thể xảy ra xung đột ủy nhiệm với sự tham gia của bên thứ ba nào đó. Điều này cũng gây lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực".
| Bão NURI: Bão số 1 trên Biển Đông có khả năng mạnh lên TGVN. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm ... |
| Thông điệp từ 'bóng ma' Ladakh, Ấn Độ sẽ không chần chừ tiến vào Biển Đông? TGVN. Sự thay đổi lớn nhất đang xảy ra trong chính sách ngoại giao và quân sự của Ấn Độ là về vấn đề Biển Đông, ... |
| Vì sao Mỹ lên tiếng trên 'mặt trận' pháp lý tại Biển Đông? TGVN. Mỹ phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm đảo và tự ... |