Trong hơn một năm kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2022, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden năm lần, cho thấy sự coi trọng của Canberra trong quan hệ với Washington.
Trong chuyến thăm ba ngày đến Mỹ lần này, ông Albanese hy vọng có thể tạo bước đột phá, đưa quan hệ đồng minh Mỹ-Australia mở rộng từ an ninh đến kinh tế và công nghệ.
Trước hết là việc triển khai thỏa thuận an ninh ký năm 2019 giữa Mỹ-Anh-Australia nhằm chế tạo tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Sau không khí hứng khởi lúc đầu, dự án đang gặp khó với các hạn chế xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Mỹ. Ông Albanese phải trổ tài ngoại giao thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ các dự luật tháo gỡ bế tắc cho dự án.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhờ thỏa thuận thương mại tự do ký năm 2005, hợp tác giữa Mỹ và Astralia khá thuận lợi. Từ năm 2005 đến nay, thương mại và dịch vụ hai chiều đã tăng gần gấp đôi, đưa Mỹ trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Australia. Tuy vậy, Australia dường như chưa hài lòng với điều này mà vẫn muốn đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư.
Một lĩnh vực khác mà Australia đặt nhiều hy vọng là công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo thỏa thuận mà ông Albanese đã ký với Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu năm 2023. Australia sở hữu số lượng lớn các khoáng sản thiết yếu trong việc bảo đảm cung cấp năng lượng cho toàn cầu trong thế kỷ XXI như lithium, coban, vanadium, đồng và niken. Đây là lĩnh vực mà Australia muốn các công ty Mỹ tăng cường đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào Trung Quốc.
Quan hệ đồng minh Mỹ-Australia còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác. Nhưng mối quan hệ dựa trên ba trụ cột an ninh, kinh tế và công nghệ này chỉ có thể để lại dấu ấn nếu được hiện thức hóa bằng những thỏa thuận cụ thể trong chuyến thăm lần này của ông Albanese đến Washington.