Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chủ trì cuộc họp APEC diễn ra dưới hình thức trực tuyến với chủ đề ứng phó với đại dịch Covid-19. (Nguồn: APEC) |
Bài viết của nhà phân tích quốc tế Geoffrey Mille trên tờ The Diplomat đánh giá cao chính sách ngoại giao thực dụng của Thủ tướng New Zealand thể hiện trong việc tổ chức Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo APEC,
Cuộc họp trực tuyến đặc biệt của các nhà lãnh đạo APEC vừa qua được tổ chức với bối cảnh thể hiện ngay từ cái tên “không chính thức” và chủ đề cụ thể là “Ứng phó đại dịch Covid-19, đâu là cơ hội của châu Á-Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn”.
Hạ thấp kỳ vọng, cô đọng chủ đề
Ngay từ đầu, Thủ tướng New Zealand, chủ nhà APEC 2021, đã hạ thấp kỳ vọng về cuộc họp khi thông báo với các phóng viên rằng không nên mong đợi bất kỳ đột phá đáng kể nào từ cuộc họp.
Và dường như bà Jacinda Ardern đã đúng. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp bao gồm các cam kết nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí về sự cần thiết phải khôi phục hợp tác quốc tế về du lịch và tăng cường chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn bởi đại dịch.
Điều đáng ngạc nhiên là ba trong số các thành viên lớn và quyền lực nhất của APEC, bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, đã đồng ý rằng cần có những miễn trừ tạm thời về sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, các thành viên APEC khác như Nhật Bản và Hàn Quốc lại không đồng tình.
Điều này giải thích tại sao lập trường đồng thuận của 21 nền kinh tế APEC tại cuộc họp này chỉ có thể là “hỗ trợ các nỗ lực chia sẻ vaccine toàn cầu và khuyến khích chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vaccine cho các bên theo các điều khoản thỏa thuận”.
Tuy nhiên, thành công không thể phủ nhận của cuộc họp đặc biệt APEC nằm ở chính việc nó được tổ chức.
Thương hiệu của bà Ardern
Cuộc họp đã giúp gia tăng uy tín ngoại giao của bà Jacinda Ardern với tư cách là người xây dựng sự đồng thuận, một vai trò mà bà đã từng bước nỗ lực phát triển kể từ khi trở thành Thủ tướng New Zealand vào năm 2017.
Trước khi đại dịch bùng phát, bà Jacinda Ardern đã duy trì một lịch trình công du nước ngoài bận rộn. Một trong những chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của bà Jacinda Ardern trong năm 2017 là tới Việt Nam tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC - cuộc họp trực tiếp cuối cùng của APEC với sự tham dự của cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc.
Ngoài ra, nữ Thủ tướng New Zealand cũng từng có màn “ra mắt” nổi bật tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2018 khi phải đưa theo con gái Neve Te Aroha mới ba tháng tuổi vượt nửa vòng Trái Đất tới sự kiện.
Những hoạt động đó đã giúp bà Jacinda Ardern tạo ấn tượng đẹp ban đầu trên trường quốc tế. Nhưng chính phản ứng nhân ái của nữ Thủ tướng đối với các cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch vào năm 2019 và sáng kiến “Christchurch Call” sau đó nhằm đối phó tình trạng lan truyền chủ nghĩa cực đoan bạo lực trên mạng, đã thực sự làm nổi bật uy tín ngoại giao của bà Jacinda Ardern.
Cuộc họp đặc biệt của APEC ngày 16/7 dường như có một số điểm tương đồng với sáng kiến “Christchurch Call”. Cũng như trọng tâm sáng kiến “Christchurch Call” là lời kêu gọi loại bỏ những nội dung khủng bố và bạo lực cực đoan khỏi Internet, sự kiện APEC vừa qua giới hạn nội dung nghị sự nhằm bàn về cách ứng phó với thách thức toàn cầu hiện nay là đại dịch Covid-19.
Trở về năm 2019, Thủ tướng Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác tham gia sáng kiến, đã không biến “Christchurch Call” thành một cuộc thảo luận chung về quy định của Internet - điều mà ngay lập tức sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa các nhóm ký kết bởi phạm trù đa dạng và phức tạp của nó.
Bằng cách giữ trọng tâm hẹp, số lượng thành viên của “Christchurch Call” đã tăng đều đặn từ con số 17 ban đầu với chủ yếu là những quốc gia ủng hộ phương Tây, lên đến 55 quốc gia thành viên từ khắp các châu lục trên thế giới vào thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, Mỹ đã thay đổi quyết định và ký tham gia hiệp định này vào ngày 8/5. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối không tham gia phong trào này.
Sự thay đổi quyết định này của Mỹ cũng chính tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của “Christchurch Call” do Thủ tướng New Zealand Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng tổ chức. Đây là một sự kiện trực tuyến, không khác mấy cuộc họp APEC vừa qua, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác.
Giống như “Christchurch Call”, cuộc họp đặc biệt của APEC vừa qua phản ánh thương hiệu của bà Ardern về chính sách ngoại giao khôn khéo và thực dụng.
Cuộc họp đặc biệt APEC về Covid-19 đã đưa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng tham gia vào một cuộc điện đàm trực tuyến. (Nguồn: NYP) |
Mẫu số chung giữa các quốc gia
Trong một bài phát biểu vào đầu tuần trước, bà Ardern đã nhấn mạnh đến “tính toàn diện, nơi tất cả các quốc gia trong khu vực đều có thể tham gia” như một trong những giá trị nền tảng của New Zealand.
Và một minh chứng không thể thuyết phục hơn chính là cuộc họp đặc biệt APEC về Covid-19 đã đưa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng tham gia vào một cuộc điện đàm trực tuyến. Điều đó tự nhiên đã trở thành một thành công của cuộc họp.
Trong khi nguồn gốc của đại dịch dường như có hơi hướng bị chính trị hóa, thì phản ứng đối phó với Covid-19 vẫn đóng vai trò như một mẫu số chung thống nhất giữa các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh biến thể mới lây lan rộng và việc triển khai, phân phối vaccine chậm chạp, ngưng trệ cho nhiều thành viên APEC.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị leo thang giữa Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây, cuộc họp APEC thực chất là một cuộc diễn tập xây dựng lòng tin.
Đó là một lời nhắc nhở rằng bất chấp căng thẳng đang gia tăng hiện nay, luôn có những điểm chung cơ bản mà quốc gia đều có thể đồng lòng. Và đây có thể là sự khởi đầu của một cái gì đó hơn thế nữa.