📞

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm châu Âu: Hướng đến kết quả thực chất trong hợp tác với EU, Bỉ và Luxembourg

Phương Hằng 10:38 | 08/12/2022
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU và thăm chính thức Bỉ, Luxembourg, Hà Lan (8-15/12), Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg Nguyễn Văn Thảo đã chia sẻ về những trọng tâm của chuyến thăm với kỳ vọng về nhiều kết quả thiết thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU và thăm chính thức Bỉ, Luxembourg, Hà Lan (8-15/12). (Nguồn: TTXVN)

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU và thăm chính thức Bỉ, Luxembourg lần này?

Chuyến thăm đa phương kết hợp song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với khu vực ASEAN, châu Âu, Việt Nam và các nước.

Thứ nhất, trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động với nhiều thách thức nổi cộm từ dịch bệnh, cạnh tranh địa chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, năng lượng, vũ trang… có thể khẳng định rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này nói riêng và các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua đã khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam, một thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào sự phát triển khu vực và toàn cầu.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg Nguyễn Văn Thảo. (Ảnh: TA)

Việt Nam là thành viên của ASEAN. Thủ tướng ta dự kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EUcòn là dịp để cùng các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như lãnh đạo 27 nước châu Âu tìm ra những giải pháp để tăng cường hợp tác giữa hai khu vực trên các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, phòng chống dịch bệnh…

Thứ hai, không chỉ đi dự một hội nghị đa phương, Thủ tướng còn có các chuyến thăm song phương, qua đó, ta chủ động thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Bỉ - trái tim châu Âu, Luxembourg - trung tâm tài chính của châu Âu.

Thứ ba, chuyến thăm là dịp để Việt Nam đóng góp vào những công việc chung của thế giới, đồng thời đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU nói riêng và ASEAN-EU nói chung; khẳng định đường lối đối ngoại của ta là chủ động, tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Mặc dù thời điểm này, các nhà lãnh đạo châu Âu bận rộn với các vấn đề nội bộ nhưng họ rất mong chờ đón, thảo luận cùng Thủ tướng ta về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương, khu vực và thế giới. Các nước đánh giá cao Việt Nam là một đối tác quan trọng của khu vực, điều này cũng được thể hiện thông qua những nghi thức cao mà các nước dành cho Thủ tướng và đoàn đại biểu ta dịp này. Không chỉ dừng lại ở nghi lễ, lễ tân, các nội dung trao đổi bao gồm những vấn đề lớn như cạnh tranh địa chiến lược, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng và các nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam đều được phía bạn hết sức quan tâm.

Qua công tác chuẩn bị cho chuyến thăm, chúng tôi nhận thấy phía bạn rất mong muốn được gặp Thủ tướng ta để trao đổi các vấn đề. Điều đó khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam, được các bạn thực sự coi trọng. Chúng tôi được biết có lãnh đạo của các nước châu Âu còn mong muốn Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về chính sách đối ngoại, bởi vì, họ đánh giá rằng trong thời gian qua chính sách đối ngoại của ta đã rất thành công, đạt được thành tựu trong phòng chống đại dịch cũng như phát triển kinh tế.

Những trọng tâm thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm lần này trong quan hệ của Việt Nam với EU, Bỉ và Luxembourg là gì, thưa Đại sứ?

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chuyến thăm lần này sẽ đạt được những kết quả hết sức thực chất.

Với EU, liên minh này là đối tác rất quan trọng của Việt Nam và hiện cũng đang đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực và thực sự mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới. Hai bên sẽ không chỉ bàn về những khuôn khổ hợp tác, bởi đã có sẵn những khuôn khổ hợp tác rất tốt như EVFTA và 8 cơ chế hợp tác khác, mà còn sẵn sàng bàn bạc về các vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu, quan điểm trên các vấn đề khu vực và quốc tế.

"Có lãnh đạo của các nước châu Âu còn mong muốn Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về chính sách đối ngoại, bởi vì, họ đánh giá rằng trong thời gian qua chính sách đối ngoại của ta đã rất thành công, đạt được thành tựu trong phòng chống đại dịch cũng như phát triển kinh tế" - Đại sứ Nguyễn Văn Thảo.

EU mong rằng Việt Nam sẽ là hình mẫu trong việc thực hiện các cam kết của COP26, đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Việt Nam cũng có nhiều vấn đề hết sức quan tâm và muốn đưa vào thúc đẩy hợp tác với EU như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển, hợp tác nông nghiệp ba bên... nếu thống nhất được sẽ góp phần tạo ra khuôn khổ hợp tác mới cho Việt Nam và EU.

Với Bỉ, Việt Nam và Bỉ là đối tác chiến lược về nông nghiệp từ năm 2018. Tuy nhiên, ngay sau đó bùng phát dịch bệnh Covid-19, vì vậy, hai bên chưa triển khai được nhiều. Đây là thời điểm chúng ta cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng, chúng tôi tổ chức một số hoạt động tập trung vào chuyên đề nông nghiệp. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản rất lớn ở khu vực và Bỉ cũng là một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp. Nhưng một điều rất đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và Bỉ không cạnh tranh mà lại mang tính bổ trợ cho nhau. Bỉ có nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam. Một số thỏa thuận hợp tác cũng sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm như dự án hợp tác giữa Bến Tre với tập đoàn của Bỉ để sản xuất than hoạt tính từ sản phẩm của cây dừa; thành lập trung tâm logistic và kho lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam giữa Cần Thơ và doanh nghiệp của Bỉ…

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi hợp tác về các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, trong đó có hợp tác về chất bán dẫn; cơ sở hạ tầng, logistics và năng lượng tái tạo.

Với các thỏa thuận xoay quanh nhiều chuyên đề hợp tác thiết thực, tôi tin rằng chuyến thăm lần của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra một động lực mới cho phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ.

Với Luxembourg, đây là một nước có diện tích nhỏ, không có biển nhưng trong thời gian ngắn đã có những bước phát triển vượt bậc, từ quốc gia nghèo nàn trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới, một cường quốc về tài chính lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới. Do vậy, lĩnh vực tài chính xanh sẽ được tập trung thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm, với mục tiêu đưa thêm một nguồn tài chính cho nước ta trong quá trình phát triển, với điểm nhấn là tài chính xanh - tài chính cho những dự án về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng đảm bảo yêu cầu môi trường. Đây là thế mạnh của Luxembourg và Việt Nam có nhu cầu.

Dù chỉ hơn một ngày ở Luxembourg, tuy nhiên, Thủ tướng cũng sẽ có các hoạt động chuyên sâu, diễn đàn tập trung thảo luận về phát triển thị trường tài chính, trao đổi với Ngân hàng Đầu tư châu Âu-tổ chức định chế tài chính lớn nhất châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính xanh. Kết quả thực chất của chuyến thăm cũng sẽ là những thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác ASEAN-EU trong bối cảnh hiện nay?

Có thể thấy rất rõ, EU trước các thách thức trong nội bộ, với các nước lớn, khu vực và toàn cầu đã ban hành một loạt chiến lược mới như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway), La bàn chiến lược (Strategic Compass)… để đa dạng hóa quan hệ, tăng cường tự chủ, mở rộng quan hệ của EU với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó ASEAN là đối tác quan trọng. Năm 2020, ASEAN và EU đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược. Trong ASEAN, Việt Nam và Singapore đã có FTA với EU, vì vậy, EU cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng trong ASEAN.

Nhân dịp này, các bên cũng trao đổi các biện pháp để kết nối ASEAN và EU, thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các bên. Chúng tôi tin rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như EU sẽ đề ra được những định hướng hợp tác mới giữa hai khu vực trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Đại sứ.