TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng sẽ đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc tại CAEXPO | |
Việt Nam tham dự cuộc gặp giữa các lãnh đạo AIPA-ASEAN tại Lào |
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tổ chức tại Vientiane, CHDCND Lào, ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhân tố quyết định thành công
Phát biểu tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác bên ngoài để xây dựng Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn 2025, qua đó khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN. Thủ tướng khẳng định những nhân tố quyết định thành công trong quan hệ đối ngoại của ASEAN chính là sự tự cường và lớn mạnh của từng quốc gia thành viên, sự gia tăng gắn kết, đoàn kết và thống nhất của ASEAN cũng như khả năng xử lý hài hòa lợi ích của các đối tác với lợi ích của mỗi quốc gia và của cả ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29. (Ảnh VGP) |
Về quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và hiện là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Thời gian tới, hai bên cần coi trọng tăng cường nền tảng của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất là sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược; đẩy mạnh hợp tác toàn diện và thực chất, giải quyết mọi khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; đồng thời đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, hợp tác du lịch, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm, dịch bệnh, thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng quản lý sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc và sẽ làm hết sức mình hợp tác cùng các nước ASEAN làm cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc khởi sắc, thực chất, hiệu quả hơn, tin cậy hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) để tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng gấp đôi thương mại hai chiều và đầu tư vào năm 2022; tăng cường hợp tác kết nối, nhất là về cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh. Thủ tướng cũng đánh giá cao cam kết của Nhật Bản về ưu tiên ASEAN trong triển khai “Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao” trị giá 200 tỷ USD, mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN, nhất là tiếp cận thị trường, vốn và công nghệ; đẩy mạnh kết nối thông qua giáo dục-đào tạo và giao lưu văn hóa và nhân dân, tạo nền tảng lâu dài cho kết nối ASEAN-Nhật Bản.
Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là những xu thế chủ đạo, nhưng thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro lớn. Cùng với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá dầu biến động khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khu vực Đông Á cũng đang đứng trước nhiều thách thức, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là nguy cơ khủng bố đã hiện hữu và tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Trước các thách thức trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nội khối và hợp tác với các đối tác, nhất là về thương mại, đầu tư; thực hiện hiệu quả các kế hoạch về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển; ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh nguồn nước; chống khủng bố, bạo lực cực đoan; phát huy vai trò trung tâm trong xử lý các thách thức khu vực.
Nhắc lại các mục tiêu của Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Thủ tướng cho rằng mục tiêu hàng đầu là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp. Về những diễn biến gần đây, Việt Nam mong rằng ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới một giai đoạn mới vì hòa bình, hợp tác và phát triển, xử lý thỏa đáng các vấn đề đặt ra. Theo đó, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy đàm phán sớm đi đến kết quả thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm đạt COC.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển; đề nghị hai bên phấn đấu hoàn tất COC ngay trong năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký DOC (2002) và 50 năm thành lập ASEAN.
Vai trò ASEAN trong định hình một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29, các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận những kết quả bước đầu trong triển khai các Chương trình Hành động giai đoạn 2016-2020 giữa ASEAN và các đối tác, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (2/2016), Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Nga (5/2016), cũng như công tác chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN và các đối tác bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Hội nghị cũng hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ giữa ASEAN với Đức và Thụy Sỹ; nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã trao đổi về các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và bệnh dịch, nhất là dịch bệnh Zika và tình hình tại Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc. (Ảnh: VGP) |
Các nước đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ khủng bố ở khu vực, nhất là trong bối cảnh các tổ chức khủng bố đang tìm cách mở rộng địa bàn và hình thức hoạt động, xây dựng căn cứ tại Đông Nam Á và phát triển nhiều phương thức chiêu mộ thành viên, liên kết tại khu vực. Vấn đề an ninh mạng với nhiều vụ việc phức tạp diễn ra thời gian qua cũng được các nhà Lãnh đạo ASEAN hết sức quan tâm.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả ở Biển Đông.
Hội nghị cũng đề cao việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác, xử lý các thách thức và định hình một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ; tiếp tục thể hiện vai trò chủ động, dẫn dắt và nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN khởi xướng nhằm tiếp tục thu hút sự tham gia và đóng góp của các đối tác.
Đạt thỏa thuận về quy tắc tránh va chạm bất ngờ ở Biển Đông
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 và cũng là Hội nghị kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại, các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong 25 năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên và khu vực. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 346,4 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào ASEAN với mức đầu tư đạt 8,2 tỷ USD trong năm 2015. Trung Quốc cũng là nước có lượng du khách đông nhất đến ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD và đầu tư 150 tỷ USD vào năm 2020.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc là nước Đối thoại đầu tiên ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), sớm trở thành Đối tác Chiến lược và ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với ASEAN, đi đầu trong một số lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển, kết nối. Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN; triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 và các cơ chế đã có như Mekong-Lan Thương…
Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Nhật Bản. (Ảnh: VGP) |
Các nước ASEAN khẳng định coi trọng quan hệ với Trung Quốc với vai trò là một trong những đối tác quan trọng nhất của ASEAN cũng như vị trí, vai trò chiến lược của Trung Quốc; ghi nhận quan hệ hợp tác sâu rộng với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực; mong muốn thúc đẩy giải quyết một số vấn đề chung như khủng bố, môi trường, biến đổi khí hậu, ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Về Biển Đông, các nhà Lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là vấn đề quan hệ mật thiết với hòa bình và ổn định của cả khu vực và thế giới cũng như quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và các đối tác; khẳng định lại các nguyên tắc chung như kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả DOC và sớm ký kết COC vì lợi ích chung.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc; Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông; Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa Quan chức Cao cấp của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên biển; và Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất.
ASEAN-Nhật Bản hợp tác tăng cường an ninh biển
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 19, các nhà Lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác hai bên và khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Nhật Bản, cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Các nước ASEAN đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản đối với ASEAN và vai trò của Nhật Bản đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Hiện Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Năm 2015, thương mại hai chiều đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tỷ trọng thương mại của ASEAN; đầu tư từ Nhật Bản đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng đầu tư vào ASEAN.
ASEAN đánh giá cao việc hoàn tất đàm phán dịch vụ trong khuôn khổ Đối tác Kinh tế toàn diện và thông qua Lộ trình cập nhật 10 năm hợp tác Kinh tế Chiến lược ASEAN-Nhật Bản và mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo; đào tạo nhân lực chất lượng cao; triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa ASEAN - Nhật Bản thông qua các khuôn khổ và chương trình hợp tác cụ thể.
Cả ASEAN và Nhật Bản đều nhấn mạnh cam kết hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng và tăng cường an ninh biển. Hai bên cũng trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Các nước bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, các hành động vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Bóng đen trong quan hệ Mỹ - Philippines Những lời nói không hay về Mỹ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, mà sau đó ông đã công khai thừa nhận sai lầm, đã ... |
Australia - Đức kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng 2+2 đầu tiên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Australia ... |
Tìm kiếm hòa bình ở châu Á và Biển Đông Sự đoàn kết và trách nhiệm của ASEAN đã mang đến cho các nước thành viên cơ hội để phát triển và gia tăng vị ... |