TIN LIÊN QUAN | |
Năng lượng tái tạo sẽ "chạm đến" từng gia đình Việt | |
Trang bị kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho các bạn trẻ |
Hội thảo do Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam (FES), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) phối hợp tổ chức.
Hội thảo là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu của Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… để có cái nhìn rõ hơn về những gì đang diễn ra trên thế giới và khu vực, giúp cho quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra công bằng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Phát triển các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và những cộng đồng có liên quan đến sự chuyển dịch đó diễn ra công bằng và không gây ra những bất ổn xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Ly Ly) |
Khái niệm “chuyển dịch năng lượng công bằng” không còn xa lạ ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng vẫn là vấn đề tương đối mới ở châu Á. Chuyển dịch công bằng không chỉ đề cập đến tác động môi trường mà còn bao gồm cả các thay đổi về kinh tế và xã hội cần thiết nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển năng lượng trên phạm vi toàn cầu, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Yvonne Blos – Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng của Viện FES cho biết: “Mục tiêu mà Hội thảo muốn hướng tới là đưa ra ý tưởng về một sự chuyển dịch công bằng theo hướng toàn diện hơn, nhằm hình thành nên một nền kinh tế của ngày mai mang tính bền vững và nhân văn hơn. Làm cách nào để chúng ta có thể kết hợp các quan điểm khác nhau để xây dựng các liên minh vì một sự chuyển dịch công bằng ở châu Á và các khu vực khác trên thế giới? Đây là một trong những vấn đề chính mà chúng tôi muốn thảo luận trong Hội nghị”.
Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong khu vực và quốc tế về chủ đề chuyển dịch công bằng, Hội thảo đi sâu phân tích về thực trạng của quá trình chuyển dịch công bằng ở châu Á và các khu vực trên thế giới, đồng thời chia sẻ kết quả của một nghiên cứu chung giữa tổ chức Bánh mì cho Thế giới và Viện FES về việc chuyển dịch công bằng ở khu vực Nam bán cầu.
Hội thảo tập trung làm rõ những câu hỏi, vướng mắc, những ảnh hưởng kinh tế - chính trị mà quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại: Tiêu chí cho việc chuyển dịch năng lượng công bằng theo quan điểm chính trị xã hội là gì? Làm thế nào để các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội đóng góp vào sự chuyển dịch công bằng trong lĩnh vực năng lượng? Các cơ hội và thách thức liên quan đến việc chuyển dịch năng lượng công bằng là gì?...
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, công suất nhiệt điện than vào năm 2030 đã giảm xuống còn 55.300 MW, chiếm khoảng 42,6% cơ cấu nguồn điện. Nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do Green ID thực hiện chỉ ra rằng, nếu xem xét chi phí ngoại biên và ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam có cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 30%, đồng thời điện khí cũng sẽ có vai trò lớn hơn, chiếm khoảng 22,8%.
Việt Nam có cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 30%. (Nguồn: Solar Vietnam) |
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phát triển tầm nhìn năng lượng dài hạn mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng và hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến 100 % năng lượng tái tạo, tầm nhìn thay thế này phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đầu tư tại Việt Nam phải chuyển dịch sang năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, gió và sinh khối “phân tán.” Đầu tư vào khả năng dự trữ năng lượng và lưới điện cũng là điều cần thiết. Hơn nữa, cần tăng sự minh bạch về tài chính, kỹ thuật của các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, sẽ giúp xây dựng niềm tin, cho phép cạnh tranh bình đẳng hơn, nâng cao hiệu suất và có lợi cho người tiêu thụ.
Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách tài khóa, các quy định thúc đẩy, triển khai, nâng cao năng lực về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; ưu tiên tiếp cận đến các cộng đồng vùng sâu vùng xa và nhóm mục tiêu khác nhằm tính đến hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số, người lao động được trả lương thấp, các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động và phụ nữ; đảm bảo sự tham gia của người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định chính sách về phát triển năng lượng; chú trọng thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể để chuyển đổi công bằng...
Tin tưởng các nhà đầu tư của G7 sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam Trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn Reuters (Anh) trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, ... |
Việt Nam có thể cắt giảm 25 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 Nếu có thể áp dụng các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có ... |
Đẩy mạnh phát triển bền vững thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo Ngày 5/10, tại Hà Nội, Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn – Hiệu quả ... |