Các đại biểu dự Hội nghị 'Thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại - đầu tư giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam-Ấn Độ' theo hình thức trực tuyến. |
Hội nghị do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa bang Uttar Pradesh cùng Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ (IIA) và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương năm 2020 với tốc độ gần 3%, hiện đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về quy mô GDP và dự kiến sớm vượt qua Philippines để trở thành nền kinh tế thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Thái Lan).
Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp đã vạch ra con đường phát triển của Việt Nam không chỉ trong 5 năm mà còn nhiều năm tới với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Ấn Độ nói riêng hoàn toàn yên tâm khi tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kinh tế tư nhân ở Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời với nhiều điểm đồng chiến lược. Ấn Độ là một trong 3 quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam còn Việt Nam là một trong những trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Về quan hệ kinh tế, đầu tư, hai bên có tiềm năng trên các lĩnh vực: ô tô và phụ tùng; vật liệu xây dựng; dệt may; thép; chế biến nông nghiệp, nhất là khi hai nước đã thiết lập đường bay thẳng từ năm 2019.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khẳng định Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời với nhiều điểm đồng chiến lược. |
Ông Pankaj Kumar Gupta, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ (IIA) cho biết, IIA là cơ quan đại diện của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSME) được thành lập vào năm 1985 với số lượng thành viên khoảng 10.000 và có 57 phân hội trên khắp Uttar Pradesh, Delhi, Uttarakhand và các bang lân cận.
MSME là xương sống và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ với 633,4 triệu MSME, đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 48% giá trị xuất khẩu và tạo ra 110 triệu việc làm. Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam vì lợi ích của MSME ở cả hai quốc gia; tin rằng Việt Nam đang hợp tác toàn diện cùng Ấn Độ để giải quyết các rào cản liên quan đến thương mại.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ Pankaj Gupta cho biết, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu chính là tiềm năng để tăng cường hơn nữa mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.
Một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ như Reliance Industries Ltd; Adani, Mahindra, Shapoorji Pallonji, Hinduja Group… từng bày tỏ quan tâm tới việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Và các doanh nghiệp công nghiệp Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các cơ hội làm ăn tại Việt Nam trong các ngành năng lượng, khai khoáng, hóa chất nông nghiệp, sản xuất đường, trà và cà phê, linh kiện ô tô.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh, có rất nhiều lý do để đầu tư vào Việt Nam như khả năng tiếp cận thị trường cao, chính sách đầu tư thông thoáng, các thỏa thuận thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và chi phí lao động thấp trong khi lực lượng lao động trẻ. Các đối tác Ấn Độ mong muốn thiếp lập một hiệp hội cùng Việt Nam để việc hợp tác và xúc tiến thương mại đầu tư ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Pankaj Kumar Gupta, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ (IIA) đánh giá vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Ông Nguyễn Hoàng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, các công ty quy mô vừa và nhỏ chiếm 98,3% tổng số doanh nghiệp trên toàn Việt Nam, với 600.000 công ty, đóng góp tới 40% GDP và chiếm 50% lực lượng lao động.
Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội thành lập năm 1995 với có 3.000 thành viên trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Đánh giá hiện Ấn Độ là một trong 10 quốc gia đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN với kim ngạch thương mại trên 11 tỷ USD, tăng gấp 10 lần kể từ năm 2007 khi hai nước bắt đầu quan hệ Đối tác Chiến lược.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ đã cập nhật những thông tin về kết quả hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2020. Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ vẫn đạt được kết quả tích cực, đạt trên 10 tỷ USD (theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ). Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,55 tỷ USD và Ấn Độ xuất khẩu 4,49 tỷ USD.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia, trong khi đó, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác đầu tư - kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, nguyên vật liệu dệt may - da giày, sản xuất hàng tiêu dùng.
Đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tính tới tháng 12/2020, Ấn Độ đang có 294 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 898,65 triệu USD. Ấn Độ hiện đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Tập đoàn quốc tế Sơn Hà, chuyên sản xuất sản phẩm innox, ống thép không gỉ, cho biết Ấn Độ là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm nêu trên và hiện có công ty có mối quan hệ thương mại rất tốt với đối tác Ấn Độ, công ty đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ấn Độ để hưởng các ưu đãi từ chính sách thu thút đầu tư của Ấn Độ và khai thác thị trường tiềm năng Ấn Độ.
Đại diện Tập đoàn Thaco trình bày tại Hội nghị về thành tựu trong lĩnh vực sản xuất ô tô và phụ tùng trong thời gian qua và mong muốn hợp tác với phía Ấn Độ trong lĩnh vực này.