Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh làm việc với doanh nghiệp Nga. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nga) |
Nhận lời mời của Cố vấn Tổng thống Liên bang Nga, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg Anton Kobyakov, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg (SPIEF) lần thứ 27 từ ngày 5-8/6.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh nêu bật những nội dung chính tại SPIEF lần thứ 27, ý nghĩa việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự sự kiện này và hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam-Nga thời gian qua.
Là một trong những diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, SPIEF lần thứ 27 diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới đã và đang trải qua những chuyển biến rất sâu sắc, nền kinh tế Nga tiếp tục vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu. Ông có thể chia sẻ thêm về bối cảnh, những nội dung chính dự kiến sẽ được thảo luận tại Diễn đàn năm nay?
SPIEF được Liên bang Nga tổ chức hằng năm từ 1997, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Nga với các quốc gia trên thế giới. Diễn đàn được Tổng thống Nga bảo trợ và trực tiếp tham dự từ năm 2006.
Tin liên quan |
Tiểu sử Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters |
Trải qua hơn hai thập niên, SPIEF đã trở thành diễn đàn hàng đầu thế giới để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, tổ chức quốc tế thảo luận những xu hướng, thách thức, triển vọng và giải pháp phát triển kinh tế không chỉ của nước Nga mà còn của toàn thế giới. Đây cũng là nơi để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư.
SPIEF lần thứ 27 được tổ chức từ ngày 5-8/6. Theo thông báo của ban tổ chức, SPIEF 2024 sẽ có sự tham gia của hơn 17.000 đại biểu và hơn 3.400 phóng viên báo chí đến từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Diễn đàn năm nay có Oman là quốc gia khách mời, khách chính là Tổng thống Bolivia Luis Arce và Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cùng sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao và đông đảo doanh nghiệp các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh. Điều này cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng của Nga với các quốc gia phương Nam (Global South).
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, xu hướng đa cực ngày càng diễn ra rõ nét, Nga đã xây dựng chương trình làm việc của SPIEF 2024 với chủ đề chính là “Nền tảng của thế giới đa cực - Sự hình thành các điểm tăng trưởng mới”.
Chương trình nghị sự của Diễn đàn năm nay sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung: “Chuyển đổi kinh tế thế giới sang mô hình đa cực”, “Kinh tế Nga: Các mục tiêu và nhiệm vụ của chu kỳ mới”, “Công nghệ đảm bảo sự dẫn đầu” và “Sức khỏe của xã hội - các giá trị truyền thống và phát triển xã hội - các ưu tiên của nhà nước”.
Trong 4 ngày làm việc, các đại biểu sẽ tham gia vào hơn 150 phiên chuyên đề với sự tham dự của hơn 1.000 diễn giả. Các đại biểu sẽ trao đổi về những điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy, phát triển quan hệ kinh tế quốc tế và vai trò của Nga trong thời gian tới. Tình hình, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế, công nghệ của Nga cũng sẽ được các đại biểu thảo luận trong nhiều phiên của Diễn đàn.
Tại SPIEF lần thứ 27 sẽ diễn ra hơn 10 phiên đối thoại kinh doanh quốc tế, bao gồm EAEU-ASEAN, Nga-châu Phi, Nga-Mỹ Latinh, Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ, Nga-UAE, Nga-Oman, Nga-Azerbaiajan… và nhiều cuộc gặp song phương khác.
Chương trình nghị sự của Diễn đàn cũng dành sự tập trung cho các nội dung liên quan tới tăng cường sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân, hỗ trợ các hộ gia đình, tạo điều kiện để phát triển tiềm năng của mỗi con người, phát triển tiềm năng, lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội của cá nhân, qua đó đảm bảo sự phát triển đất nước.
Một trong những ưu tiên quan trọng của SPIEF là thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Nga với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể tại Diễn đàn. (SPIEF 2023 có trên 900 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá khoảng 3.860 tỷ Ruble).
Trải qua hơn hai thập niên, SPIEF đã trở thành diễn đàn hàng đầu thế giới để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, tổ chức quốc tế thảo luận những xu hướng, thách thức, triển vọng và giải pháp phát triển kinh tế không chỉ của nước Nga mà còn của toàn thế giới. (Nguồn: THX) |
Xin ông cho biết quá trình Việt Nam tham gia Diễn đàn này và việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự SPIEF lần thứ 27 có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước?
Trước đây, Việt Nam thường tham dự SPIEF ở cấp Lãnh đạo Bộ phụ trách về kinh tế - thương mại. Trong những năm gần đây, với quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng trở nên sâu rộng hơn, Việt Nam thường xuyên cử đoàn công tác cấp cao dự SPIEF nhằm gặp gỡ, thảo luận với Lãnh đạo Nga và các nước tham dự diễn đàn về tình hình và xu hướng phát triển kinh tế Nga và thế giới, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Nga và các đối tác.
Việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự SPIEF lần thứ 27 cho thấy sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi và Tham tán Dương Hoàng Minh tiếp Đoàn Hiệp hội Dệt may Việt Nam thăm và làm việc tại Nga, ngày 3/6. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nga) |
Hiện nay, kinh tế toàn cầu cũng như khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chịu nhiều tác động từ “những cơn gió ngược”. Bối cảnh đó đã tác động như thế nào tới hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước? Đại sứ quán cũng như Thương vụ Việt Nam tại Nga đã và đang triển khai những giải pháp nào để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy hợp tác, xúc tiến thương mại giữa hai nước?
Sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu của ta sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016.
Tuy nhiên, từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra (tháng 2/2022), tình hình địa chính trị - kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt-Nga. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm trên 51%.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã kịp thời báo cáo tình hình, đề xuất kiến nghị tới cơ quan chức năng; phối hợp với đơn vị liên quan của cả hai nước, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong thương mại song phương, trong đó tập trung vào vấn đề thanh toán, vận tải, đi lại của người dân và thương nhân hai nước.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tích cực làm việc với các hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin về tình hình thị trường và trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi phối hợp tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến để kết nối hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong các lĩnh vực thủy sản, nông sản...
Thương vụ cũng thường xuyên trao đổi, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp về tình hình thị trường, hợp tác với các doanh nghiệp Nga; hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp hai nước; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia các triển lãm tại Nga.
Trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam tại Nga vào tháng 10/2023, Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thành công Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao tại Trung tâm Đa chức năng Hà Nội-Moscow với hơn 50 doanh nghiệp tham gia và Diễn đàn giao thương doanh nghiệp Việt-Nga với hơn 200 đại biểu tham dự, qua đó góp phần tích cực quảng bá cho sản phẩm Việt Nam tại thị trường Nga.
Cho đến nay, với sự nỗ lực chung của hai bên, các trở ngại về thanh toán, vận tải đã từng bước được giải quyết, kim ngạch thương mại song phương sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2022 bước đầu phục hồi.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng 55,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1,57 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 761,9 triệu USD (tăng 49%), nhập khẩu đạt 806,7 triệu USD (tăng 62,6%).
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm 2024 như thủy sản đạt 59,4 triệu USD (tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2023); hạt điều đạt 23,9 triệu USD (tăng 112,9%); hạt tiêu đạt 9,9 triệu USD (tăng 121,9%); gạo đạt 2,7 triệu USD (tăng 285%); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt 9,2 triệu USD (tăng 86,8%); hàng dệt may đạt hơn 259,7 triệu USD (tăng 134,8%)...
Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Tháng 5/2015 Việt Nam và EAEU, mà Nga là thành viên, đã ký kết VN-EAEU FTA. Hiện nay, sau 8 năm thực hiện, khoảng gần 90% các mặt hàng xuất khẩu từ hai bên có mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Để sử dụng hết các ưu đãi VN-EAEU FTA mang lại, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại song phương cao trong năm nay và thời gian tới, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nga đề nghị các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại thị trường của nhau, qua đó tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng nhằm thiết lập quan hệ kinh doanh. Cơ quan đại diện tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn và hỗ trợ kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.
Xin cảm ơn ông!
Khai mạc Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam tại Nga, tháng 10/2023. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nga) |
| Bản án hình sự của cựu Tổng thống Trump tác động đến bầu cử Mỹ thế nào? Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị kết án hình sự có ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử Mỹ 2024 hay không là ... |
| Sắp diễn ra cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Saudi Arabia Theo thông tin của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cuộc họp đặc biệt của về “Hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng ... |
| Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Bosnia & Herzegovina Ngày 29/4, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Bosnia & Herzegovina ... |
| OECD: Việt Nam- Croatia thúc đẩy hợp tác kinh tế; đàm phán và ký Hiệp định về hợp tác giáo dục, lao động Bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn ... |
| Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 tại Nga Nhận lời mời của Cố vấn Tổng thống Liên bang Nga, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg Anton Kobyakov, ... |