Đại sứ Cao Trần Quốc Hải (Ảnh: Trung Hiếu TG&VN) |
Đất nước nghèo tài nguyên, giàu tri thức
Đại sứ Cao Trần Quốc Hải cho biết, Israel là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Dân số chỉ hơn 8 triệu người, nhưng nhờ nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nhiều mặt của đời sống, Israel đã trở thành một nước rất phát triển, tự bảo vệ vững chắc tổ quốc và đạt được nhiều thành tựu cao trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, quân sự, quản lý kinh tế...
Hiện Israel đang nổi lên như là một cường quốc kinh tế tri thức, là thành viên của OECD và là một trong số 25 nước có thu nhập đầu người cao nhất trên thế giới (39.000USD/năm), đứng đầu thế giới về tỉ lệ đầu tư dành cho dành cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (4,5% GDP) và cũng đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp.
Ví dụ, sản lượng sữa của Israel hiện đạt mức trên 12.000 lít/con bò/năm; năng suất cà chua đạt trên 500 tấn/ha/vụ; nuôi cá với mật độ cao, đạt sản lượng lên đến 100-150kg/m3 nước…
Ngoài ra, Israel còn nổi tiếng bởi "Hệ sinh thái khởi nghiệp” hết sức năng động và thành công với trên 5000 doanh nghiệp khởi nghiệp (start up), có khoảng 60 “vườn ươm công nghệ”(Incubators), khoảng 75 Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC Funds) và hơn 280 Trung tâm R&D đa quốc gia. Điều này đã góp phần xây dựng thành công thương hiệu "Quốc gia khởi nghiệp - Start up Nation" cho Israel, được cả thế giới thừa nhận.
Việt Nam - Israel: coi trọng và ưu tiên lẫn nhau
Theo Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, quan hệ Việt Nam - Israel hiện nay đang phát triển tốt đẹp. Ta coi Israel là một trong các đối tác ưu tiên trong khu vực về hợp tác phát triển khoa học công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc. Trong khi đó, Israel coi trọng uy tín và vai trò của ta, xác định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á để thúc đẩy quan hệ nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm về công nghệ, nông nghiệp, quốc phòng...
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1993), quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel có nhiều bước chuyển biến rất tích cực. Ta đã mở Đại sứ quán tại Israel vào năm 2009 và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Israel năm 2015. Về phía Bạn, Tổng thống Israel Shimon Peres đã thăm Việt Nam năm 2010. Từ nay đến cuối năm 2016, hai bên tiếp tục trao đổi một số Đoàn cấp Bộ trưởng để thúc đẩy quan hệ.
Thời gian gần đây, phía Israel tiếp tục mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Israel mặc dù thu hẹp quy mô hoạt động của các Cơ quan Đại diện ở nước ngoài, song vẫn tiếp tục mở rộng trụ sở Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và tăng thêm biên chế Tùy viên quốc phòng (2/2016).
Đảng cầm quyền Likud dù có cách thức vận hành khác biệt và chưa từng có quan hệ chính thức với Đảng ta, nhưng lần đầu tiên Bạn đã gửi thư chúc mừng trước và sau Đại hội Đảng XII. Đảng Likud cũng tỏ sẵn sàng cử đoàn sang thăm Việt Nam trong năm 2017 để góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo số liệu sơ bộ của Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 599,7 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 245,5 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chính là: thủy sản 12,75 triệu USD, hạt điều 15,95 triệu USD, cà phê 8,99 triệu USD, dệt may 6,11 triệu USD, giày dép 14,18 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện 130,26 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu từ Israel đạt 353,56 triệu USD, tập trung vào các mặt hàng: vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 89,84 triệu USD, phân bón 16,44 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 19,57 triệu USD, giống rau, hoa quả 0,86 triệu USD. |
Thủ tướng Netanyahu có thư gửi chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư và gửi thư chúc mừng tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống bạn cũng đã gửi thư chúc mừng tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Quan hệ kinh tế - thương mại cũng ngày càng phát triển, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đạt trên 1 tỷ USD; năm 2015 vượt mức 2 tỷ USD.
Israel cũng đã chính thức công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam (5/2016) và là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông đang tiến hành đàm phán FTA với Việt Nam.
Hiện hai nước đã tiến hành được 2 Phiên đàm phán và Phiên 3 dự kiến vào đầu năm 2017. Đây chính là cơ hội nhằm góp phần biến những lợi thế trong quan hệ giữa hai nước thành những kết quả hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Nhiều tiềm năng hợp tác
Theo Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Israel tập trung vào một số lĩnh vực khoa học công nghệ cao là thế mạnh của Israel bao gồm: công nghiệp quốc phòng (Israel hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới); công nghệ thông tin, an ninh mạng và ứng dụng internet vạn vật - internet of things; y học (nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin, thiết bị y tế, thuốc tân dược, xử lý rác thải rắn, rác thải bệnh viện) và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Đơn cử là việc hợp tác sản xuất và cung cấp các giống cây trồng (rau, củ, quả), nhất là là giống cà chua, ớt chuông (ớt ngọt) các loại; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hệ thống tưới nhỏ giọt (tiết kiệm nước và phân bón cho cây trồng) và cung cấp phân bón chất lượng cao; công nghệ lọc nước nhiễm mặn, nước biển thành nước ngọt dùng cho sinh hoạt, tưới tiêu; công nghệ canh tác trong nhà kính, nhà lưới để phát triển nông nghiệp trên diện rộng và trong khu vực hạn hẹp; cung cấp giống cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh đơn tính; hệ thống nuôi cá theo công nghệ xử lý nước tuần hoàn khép kín (RAS - the indoor Recirculating Aquaculture System), được coi là phương pháp nuôi cá công nghiệp “không cần nước” (còn gọi là nhà máy sản xuất cá), cho năng suất rất cao; công nghệ và giải pháp chăn nuôi bò sữa, bò thịt; công nghệ và giải pháp chăn nuôi gia cầm, lợn cao sản….
Trong thời gian qua, một số dự án hợp tác giữa ta với Israel đã được thiết lập, áp dụng công nghệ của Israel và cho kết quả bước đầu tương đối khả quan. TP. Hồ Chí Minh với dự án Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa trị giá 1 triệu USD, tuy là dự án nhỏ nhưng rất thành công và tạo được hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực hợp tác khác về nông nghiệp.
Tỉnh Hà Tĩnh có dự án thí điểm trồng rau - quả trên đất cát (dưa lưới, dưa hấu nữ hoàng, các loại rau: măng tây, củ cải trắng, cải thảo…), áp dụng một phần công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
An Giang có dự án sản xuất giống tôm càng xanh đơn tính và cá rô phi đen đơn tính (toàn đực) hợp tác với Israel. Tỉnh Nghệ An có dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của Tập Đoàn TH True Milk, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á (37 ha, 40.000 con bò), sử dụng công nghệ của Israel để chăm sóc bò, vắt sữa và trồng cỏ tưới nhỏ giọt làm thức ăn cho bò.
Hiện tỉnh Đắk Nông và Yên Bái cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển giống bơ và áp dụng công nghệ của Israel. Tỉnh Sơn La nhập khẩu thử nghiệm 2 giống hoa Dạ Yến Thảo tại huyện Mộc Châu, bước đầu áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt tại tỉnh.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu công nghệ chăn nuôi bò thịt, bò sữa và trồng cỏ tưới nhỏ giọt ở một số tỉnh Tây Nguyên. Tập Đoàn Vingroup đã nhập khẩu công nghệ nhà lưới, nhà kính, giống cây và áp dụng công nghệ chăm sóc cây trồng để phát triển các dự án trồng rau thủy canh, củ, quả tại Bắc Ninh, Củ Chi, Quảng Ninh và một số địa phương khác.
Bên cạnh đó, ta cũng có cơ hội rất lớn để đưa lao động nông nghiệp và xây dựng sang Israel. Israel hiện nay đang rất cần lao động xây dựng do cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở. Ngoài ra, so với nhiều nơi trên thế giới, người lao động nước ngoài làm việc tại Israel được hưởng các chế độ đãi ngộ khá tốt với lương thưởng tương đối rõ ràng, chế độ bảo hiểm y tế tốt. Vấn đề hiện nay là hai nước cần thúc đẩy đàm phán Hiệp định hợp tác về lao động. Trong thời gian tới, hai bên sẽ xem xét để tiến hành đàm phán Hiệp đinh lao động, làm cơ sở đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel.
Hàng năm, phía Israel dành cho ta khoảng 800 suất sinh viên Việt Nam từ các trường đại học Nông, Lâm nghiệp và một số tỉnh tham gia chương trình đào tạo vừa học vừa làm trong thời gian 11 tháng (còn gọi là Chương trình Tu nghiệp sinh về nông nghiệp). Điều kiện được tham gia là các sinh viên năm thứ 3 hoặc vừa tốt nghiệp xong. Các đợt tuyển sinh vào tháng 7 và tháng 9 do các Trung tâm thực hành nông nghiệp của Israel sang cùng với các Ban hợp tác quốc tế của các Trung tâm đào tạo hoặc thông qua Công ty Xây dựng - Dịch vụ và Hợp tác Lao động (OLECO) của Việt Nam để tuyển chọn. |