Tổng thống Biden cho rằng việc tăng cường quan hệ giữa các cá nhân các nhà lãnh đạo có vai trò rất quan trọng. (Nguồn: AP) |
Ưu thế của tương tác "face to face"
Đại dịch Covid-19 đã hạn chế đáng kể việc đi lại quốc tế, ảnh hưởng tới hoạt động đối ngoại của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Hoạt động đối ngoại của Washington thời gian qua đa phần được thực hiện thông qua tương tác trực tuyến. Tuy nhiên, không chỉ Washington, hầu hết các quốc gia đều cảm thấy rằng ngoại giao phi truyền thống (trực tuyến) không thể thay thế hình thức ngoại giao truyền thống (face to face) do hình thức ngoại giao truyền thống chứa đựng nhiều giá trị mà ngoại giao phi truyền thống không thể có được.
Ngoại giao truyền thống tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết giữa cá nhân các nhà lãnh đạo, tạo môi trường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Quan trọng hơn, hình thức gặp gỡ trực tiếp giúp các nhà lãnh đạo nắm bắt được quan điểm của đối phương, từ đó đưa ra chiến lược đối ngoại phù hợp.
Khi gặp nhau, các nhà lãnh đạo dễ dàng hơn trong việc phát đi những tín hiệu như hòa bình, giảm bớt sự nghi ngờ hay tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, giúp các quốc gia đối địch cải thiện hoặc phát triển quan hệ.
Nhờ hoạt động sản xuất vaccine Covid-19 và tiêm chủng nhanh chóng, hoạt động đối ngoại cấp cao của Washington đang dần trở lại bình thường. Đặc biệt, sau 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã tích cực tương tác với các đồng minh, đối tác và đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington.
Ông Biden đã phát đi những thông điệp chính sách của nước Mỹ thông qua Hội nghị thượng đỉnh NATO, Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga, Hội nghị cấp cao APEC và Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới được tổ chức vào tháng 10.
Xây dựng lòng tin qua quan hệ cá nhân
Hoạt động đối ngoại cấp cao của Tổng thống Biden có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy, ông luôn muốn tương tác trực tiếp với các nhà lãnh đạo khác.
Trước hết, chính quyền Tổng thống Biden muốn tái tạo lòng tin với các đồng minh và đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Ông Biden tin rằng "trong quan hệ quốc tế, tất cả các vấn đề chính trị đều mang tính cá nhân và cuối cùng đều dựa trên sự tin tưởng. Các mối quan hệ cá nhân cũng là phương tiện duy nhất để xây dựng lòng tin".
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden luôn cố gắng tìm kiếm một điểm đồng trong lợi ích với các quốc gia hơn là chỉ áp đặt các lợi ích của nước Mỹ. Vì vậy, ông luôn muốn trao đổi thẳng thắn để xác định lợi ích, mối quan tâm và kỳ vọng của đối tác, để cả hai bên có thể dễ dàng tìm thấy điểm chung, vượt qua những khác biệt và hợp tác cùng có lợi.
Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Biden muốn sắp xếp các hoạt động ngoại giao một cách chuyên nghiệp, điều mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã không quan tâm tới.
Ông Biden muốn khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế thông qua việc cải thiện quan hệ với các đồng minh và đối tác, đồng thời gây áp lực lên các đối thủ cạnh tranh của Mỹ thông qua đối thoại và đàm phán.
Tổng thống Biden: "Trong quan hệ quốc tế, tất cả các vấn đề chính trị đều mang tính cá nhân và cuối cùng đều dựa trên sự tin tưởng. Các mối quan hệ cá nhân cũng là phương tiện duy nhất để xây dựng lòng tin". |
Tổng thống Biden đang tìm cách củng cố một liên minh quốc tế gồm các nước lớn có cùng chí hướng, trấn an các đồng minh rằng họ sẽ luôn có sự hỗ trợ của Washington. Ông Biden cũng đã truyền tải một thông điệp rõ ràng tới các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington, cụ thể là Trung Quốc và Nga rằng Mỹ sẽ phối hợp giữa cạnh tranh, hợp tác với đối đầu để duy trì sự tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Dường như những nỗ lực ngoại giao cấp cao của ông Biden đã đạt được những kết quả ban đầu. Washington dường như đã hiểu hơn về các đối thủ cạnh tranh chiến lược và hình ảnh quốc tế của họ đang được cải thiện.
Một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research cho thấy quan điểm có lợi đối với Mỹ đã tăng từ 34% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Trump lên 62%, sau 5 tháng của chính quyền Tổng thống Biden.
Thúc đẩy hợp tác với ASEAN
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa giảm nhiệt, Washington cần phải tích cực hơn trong hoạt động đối ngoại ở khu vực châu Á.
Với ASEAN, Washington cũng đang thúc đẩy duy trì cam kết trao đổi cấp cao ổn định với khu vực. Tới đây, Tổng thống Biden nên tổ chức các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, tham gia các hội nghị cấp cao ASEAN và lên chương trình cho các cuộc gặp gỡ trực tiếp trong năm tới.
Trong trao đổi của Mỹ với khu vực cũng nên kèm theo các cam kết hợp tác về cơ sở hạ tầng, đầu tư và đặc biệt là hợp tác chống dịch Covid-19, nguồn cung vaccine.
Ngày 14/7, tại Hội nghị trực tuyến đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Biden với chủ nghĩa đa phương, khẳng định Mỹ luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ dành quan tâm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược năng động, hiệu quả với ASEAN, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó Covid-19; đã đóng góp 2 tỷ USD trên tổng số 4 tỷ USD cam kết; sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine cho cơ chế COVAX và đang triển khai hỗ trợ 80 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN; dành 96 triệu USD giúp ASEAN nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh.
Mỹ tiếp tục tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Mỹ tích cực ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng này, trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden đến châu Á. Chuyến thăm của bà diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tháng 7.