📞

Thúc đẩy quan hệ kinh tế, con người - như rễ gắn 'cây vào đất' để quan hệ Việt Nam-Áo đơm hoa, kết trái

Hà Phương 07:05 | 29/09/2022
Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có chuyến thăm chính thức Áo (28-29/9), Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên đã chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm và những nét lớn trong quan hệ song phương.
Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên. (Ảnh: QT)

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Áo lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn?

Chuyến thăm chính thức Áo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đồng thời sau một thời gian dài các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng là trao đổi đoàn Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa hai nước trong vòng 10 năm qua, do đó, rất được trông đợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có các buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Áo như chào xã giao Bộ trưởng Quốc vụ phụ trách các vấn đề về Hiến pháp và châu Âu Chủ tịch Quốc hội; hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác Châu Âu làm việc với Bộ trưởng Kinh tế kiêm Lao động…

Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm, các chuỗi hoạt động được chuẩn bị rất toàn diện và chu đáo. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ đến dự buổi giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam tại Áo. Nông sản Việt Nam đã được đưa vào thị trưởng Áo nhưng còn ít do đây là thị trường khá khó tính, hơn nữa việc lưu thông giữa 2 nước cũng chưa thật sự thuận lợi.

Dịp này, cùng với một số doanh nghiệp trong nước, kết hợp với sự nhiệt tình giúp sức của một số doanh nghiệp phân phối gốc Việt tại Áo, Đại sứ quán đã nỗ lực động viên và đưa thành công sản phẩm dừa Bến Tre sang thị trường Áo, bên cạnh đó là các sản phẩm như trà, cà phê - những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng, một doanh nghiệp đầu mối phân phối hàng thực phẩm châu Á tại Vienna đã quyết định tổ chức buổi ra mắt các sản phẩm dừa, trà làm từ nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau buổi ra mắt này, Bộ trưởng sẽ đến tham dự lễ khai trương không gian văn hóa Việt tại cung điện ngay sau cung điện Mùa Đông, một không gian văn hóa Việt, bao gồm âm nhạc truyền thống, thời trang áo dài, nghệ thuật trà, nghệ thuật tranh sơn mài… những đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thực ra, quan hệ ngoại giao giữa hai nước là 50 năm, nhưng mối giao thương chính thức đã bắt đầu hơn 150 năm trước, do vậy, sự đan xen văn hóa đã có từ lâu. Có thể tự hào nói rằng, ở thành phố Vienna có hơn 50 nhà hàng Việt Nam với các loại món ăn khác nhau và thức ăn Việt Nam rất có uy tín trong không gian văn hóa ẩm thực tại thành phố Vienna.

Một hoạt động chính trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là dự Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Áo, tích hợp với Quốc khánh lần thứ 77 của Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn là người chủ trì với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo tại Áo, lãnh đạo một số tổ chức Liên hợp quốc tại Áo, bạn bè quốc tế, đại diện người dân Việt Nam và đại diện người dân Áo. Các tác phẩm âm nhạc cổ điển của Áo, các tác phẩm âm nhạc cổ điển của Việt Nam được biểu diễn bởi nghệ sĩ của hai nước sẽ là điểm nhấn trong sự kiện lần này.

Thêm nữa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng sẽ dự lễ khai mạc Tọa đàm doanh nghiệp Việt-Áo tổ chức tại trụ sở Phòng Thương mại Công nghiệp Áo, với sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp hai nước. Sau đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên một đoàn doanh nghiệp lớn Việt Nam sang Áo để thúc đẩy giao thương. Đây là dịp để các doanh nghiệp cùng ngồi lại, tìm hiểu sâu về cơ hội làm ăn với nhau nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế.

Như vậy, chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có ý nghĩa rất quan trọng để hai bên trao đổi các vấn đề chính trị, kinh tế, thể chế, giúp hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào giai đoạn mới, mở rộng và phát triển về chiều sâu.

Chuyến thăm cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam rằng, chúng ta không để đại dịch ngăn bước phát triển mà tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quan trọng, truyền thống. Áo là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên thăm doanh nghiệp địa phương Christof Industries. (Ảnh: QT)

Đại sứ có thể chia sẻ những nét nổi bật trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Áo trong suốt 50 năm qua?

Như đã nói ở trên, Áo và Việt Nam đã có mối liên hệ về giao thương từ cách đây hơn 150 năm. Vào những năm 1972, ngay trước khi chúng ta ký Hiệp định Paris, Áo chính là một trong những nước đầu tiên tại châu Âu chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Từ đó đến nay, hai nước đã có sự tin cậy về chính trị vững vàng. Mặc dù hai nước có sự cách xa về địa lý, khác biệt về lịch sử phát triển, đặc thù về kinh tế xã hội nhưng lại chia sẻ rất nhiều về nguyên tắc, giá trị, đề cao luật pháp quốc tế, công bằng trong hợp tác quốc tế và cố gắng xây dựng xã hội tốt đẹp bảo đảm lợi ích quốc gia cũng như con người.

Trải qua một thời gian dài, hiện nay hợp tác kinh tế giữa hai nước rất tiềm năng. Mặc dù Áo chỉ có khoảng 9 triệu dân nhưng lại trở thành một trong 5 đối tác hàng đầu của chúng ta tại EU, có giá trị thương mại dao động khoảng 3-5 tỷ USD trong những năm vừa qua. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường Áo. Việt Nam cũng đang rất sẵn sàng tăng thêm nhập khẩu hàng hóa Áo vì hàm lượng công nghệ rất cao - có thể giúp ích cho việc phát triển nền kinh tế, công nghiệp tại Việt Nam.

Áo rất mạnh trong công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu – đó cũng là những lĩnh vực Việt Nam rất ưu tiên phát triển. Đặc biệt là sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm phát thải và cân bằng khí phát thải đảm bảo triển bền vững.

Về văn hóa, đặc biệt là âm nhạc cổ điển châu Âu, Áo có rất nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng và có truyền thống âm nhạc đáng tự hào. Áo cũng dành cho Việt Nam những học bổng, đào tạo về âm nhạc. Hiện nay rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam được đào tạo tại các trung tâm âm nhạc Áo.

Về giáo dục, hiện nay Việt nam đã có tham gia mạng lưới ASEA-UNINET là một mạng lưới Áo xây dựng để hỗ trợ các nước châu Á thông qua các chương trình học bổng. Rất nhiều người tham gia chương trình này đã trở thành đội ngũ lãnh đạo khoa học hàng đầu của Việt Nam.

Có thể nói, hợp tác giữa hai nước có rất nhiều tiềm năng và phù hợp ưu tiên để phát triển. Xu hướng phát triển xanh - sạch - bền vững của nước Áo rất khớp với yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về nghiên cứu, đào tạo của nước Áo rất khắt khe, chính sự khắt khe đó đã giúp họ đạt được trình độ và chất lượng nghiên cứu sâu như vậy.

Trong thời gian tới, rất có thể chúng ta sẽ hợp tác cùng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ngành y, ngành năng lượng, công nghệ quản lý đô thị, giao thông thông minh…

Áo cũng rất cần những lao động có tay nghề. Áo nhận ra châu Á-Thái Bình Dương đang là trung tâm động lực phát triển của thế giới trong thời gian tới. Vì thế, khi phía Áo xây dựng chương trình đi thăm Việt Nam, các doanh nghiệp rất quan tâm vì họ cho rằng, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng trong tương lai.

Đâu là những chương trình trọng tâm trong năm nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng như những ý nghĩa của các hoạt động này trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, thưa Đại sứ?

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ quán đã phối hợp với cơ quan chức năng và hội người Việt ở Áo tổ chức nhiều hoạt động.

Đơn cử như đầu năm nay, Đại sứ quán đã động viên và hỗ trợ một nhà hát ở thành phố Vienna trình diễn một số bài hát của nhạc sĩ Schulz trong Hành trình mùa Đông bản tiếng Việt do dịch giả Chu Thu Phương và Ngô Tự Lập thực hiện và các nghệ sĩ Áo trình diễn.

Nhiều hội sinh viên, hội người Việt tại Áo đã tổ chức các giải bóng bàn của Hội sinh viên, giải đánh golf của người Việt tại Áo, nằm trong chuỗi giải golf của cộng đồng người Việt ở châu Âu.

Dự kiến vào khoảng tháng 11 tới, Hội hữu nghị Áo-Việt và Học viện Ngoại giao Áo sẽ tổ chức một buổi tọa đàm bàn về ứng xử trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, đặt ra vấn đề các nước như Việt Nam và Áo sẽ phải ứng xử như thế nào để vừa bảo đảm lợi ích, vừa thích nghi được với môi trường khó khăn như hiện nay.

Chúng tôi luôn đặt việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, con người giữa hai nước làm nền tảng. Đại sứ quán sẽ luôn luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển làm ăn, cùng học sinh, sinh viên trao đổi học tập. Tôi cho rằng, đó chính là cái rễ để gắn kết “cây vào đất” cho mối quan hệ Việt-Áo phát triển lâu bền.