📞

Thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương mại mặt hàng cá tra

03:30 | 30/07/2016
Hiện nay, tình trạng giá cá tra nguyên liệu không ổn định, diện tích nuôi thả giảm, thị trường nước ngoài chưa hồi phục,…

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản Việt Nam, hiện giá thu mua cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếp tục giảm, trung bình xấp xỉ 19.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 2.271 đồng/kg so với cùng kỳ 2015 và giảm 150 đồng/kg so với tuần trước. Báo cáo của các địa phương cho thấy, giá cá tra vẫn chưa có dấu hiệu tăng trong vài tuần tới.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết thêm, giá cá tra nguyên liệu ở vùng nuôi Cần Thơ hiện dao động từ 18.000 đồng đến 18.500 đồng/kg, giảm 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2016. Còn tại An Giang, một số hộ nuôi cho biết, giá cá tra hiện chỉ ở mức 17.500 đồng đến 18.000 đồng/kg.

Diện tích nuôi cá tra đang ngày càng thu hẹp. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, “giá thành để sản xuất cá tra thường ở mức từ 19.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, tùy vào mức độ quản lý rủi ro, dịch bệnh của hộ nuôi. Với mức giá thành này, người nuôi cá tra ở ĐBSCL hầu như đang trong tình trạng thua lỗ, chỉ sản xuất theo kiểu lấy công làm lời”, ông Hải cho biết.

Cũng vì giá cá tra nguyên liệu không ổn định, thường giảm dưới mức giá thành và thị trường tiêu thụ không ổn định nên người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Thậm chí, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm dần.

Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến ngày 22/7, diện tích thả nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL xấp xỉ 3.500 ha (bao gồm cả diện tích 2015 chuyển sang), bằng 98,9% so với cùng kỳ 2015. Nếu so với số liệu cuối năm 2014 thì diện tích cá tra ở ĐBSCL này đã bị thu hẹp gần 2.000 ha.

Về tình hình tiêu thụ cá tra, một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này cho biết, nhu cầu nhập khẩu cá tra hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi ở 3 thị trường lớn là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách tiền tệ và nhu cầu giảm từ các thị trường này.

Riêng về thị trường Mỹ, thuế chống bán phá giá cao và các hàng rào kỹ thuật đang là rào cản khiến doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.

Nhu cầu không cao khiến nhà máy không thể tăng công suất chế biến. Đây cũng là một lý do ảnh hưởng đến giá cá tra nguyên liệu giảm.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cá tra chỉ có thể phục hồi từ tháng 10 trở đi, khi các nhà nhập khẩu chuẩn bị nguồn hàng để dự trữ cho mùa đông và phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch. Còn hiện tại, các doanh nghiệp và người nuôi vẫn chỉ sản xuất và kinh doanh cầm chừng.

Để quảng bá hình ảnh cá tra rộng rãi đến các đối tác quốc tế cũng như nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng cá tra, mới đây, được sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã xây dựng hai website về thông tin thương mại thủy sản Việt Nam (www.mekongfishmarket.com) và Bản đồ vùng nuôi cá tra ĐBSCL (www.pangasiusmap.com).

Việc ra mắt 2 website này là cơ hội mới để khởi đầu cho ngành cá tra nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung mở thêm kênh thông tin cho hoạt động thương mại, truy xuất nguồn gốc cho thủy sản đáp ứng yêu cầu về an toàn, minh bạch sản phẩm thực phẩm, từng bước đáp ứng rào cản kỹ thuật trong xu thế hội nhập đang đặt ra ngày càng cao của thị trường.

 

 

(theo TTXVN)