📞

Thúc đẩy vai trò của người khuyết tật trong nền kinh tế APEC

13:02 | 10/05/2017
Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật và Giấy chứng nhận Xuất khẩu là hai hoạt động trọng tâm trong ngày làm việc thứ 2 (10/5) của Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM 2) và các cuộc họp liên quan tại Hà Nội. 

Ngày 10/5 diễn ra các cuộc họp: Đối thoại về công nghiệp ôtô (AD); Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) và Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD) với Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì); Hội nghị lần thứ 11 Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF11) - Đối thoại công tư; Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF) Mạng lưới các viện đào tạo hợp tác (PTIN) với Hội thảo chuyên đề về Giấy chứng nhận Xuất khẩu; Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE).

Toàn cảnh cuộc họp Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực và nhóm về người khuyết tật- Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật, ông You Liang, Chủ tịch Nhóm Bạn về người khuyết tật (GoFD), Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc nhấn mạnh, trên thế giới có khoảng hơn 1 tỷ người khuyết tật (chiếm 15% dân số toàn cầu), riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khoảng 615 triệu người khuyết tật, phần lớn đều đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, công ăn việc làm không ổn định. Vì vậy, việc bảo vệ và tạo điều kiện việc làm cho nhóm người này phải là một ưu tiên cần được đẩy mạnh.

Ý tưởng hỗ trợ người khuyết tật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Trung Quốc khởi xướng và đồng tài trợ bởi Australia, Malaysia, Peru, Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ tại các cuộc họp được tổ chức tại Boracay, Philippines tháng 5/2015. Từ đó, các vấn đề về người khuyết tật chính thức đưa vào khuôn khổ đàm phán APEC. Một số dự án nhằm thúc đẩy sự hoà nhập của người khuyết tật vào lĩnh vực kinh tế đã đạt được nhiều thành công.

Từ khi thành lập GoFD, đã có rất nhiều hành động cụ thể cũng như những hợp tác mang tính chất thực tiễn được áp dụng vào các dự án, bao gồm nghiên cứu chính sách thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào nền kinh tế internet trong khu vực châu Á và đào tạo nghề thương mại điện tử cho người khuyết tật. Những nỗ lực này đang góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

Ông You Liang cho biết, thông qua 3 trụ cột chính: mạng lưới xây dựng năng lực, mạng lưới giáo dục và mạng lưới lao động và bảo trợ xã hội, việc đẩy mạnh sự hoà nhập của người khuyết tật là một phần quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển theo hướng bền vững và toàn diện hơn.

“Các cuộc họp trong khuôn khổ APEC 2017 là để chúng ta cùng chia sẻ và thúc đẩy tương lai, và một trong những ưu tiên của chúng tôi là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và toàn diện. Người khuyết tật là những thành viên bình đẳng trong xã hội, một nguồn nhân lực vẫn còn chưa được khai thác hết. Vì vậy, một chương trình giáo dục hòa nhập có chất lượng sẽ là nền tảng cho người khuyết tật xây dựng kiến thức, các kỹ năng và sự tự tin để tự tìm kiếm việc làm và mở rộng trường lao động”, ông You Liang khẳng định.

Hội thảo cũng tập trung thảo luận về các chủ đề liên quan: Thúc đẩy việc làm trong APEC cho người khuyết tật: Nghiên cứu về các cơ hội trong khu vực; Kinh nghiệm trong giáo dục, đào tạo kỹ năng và chương trình đào tạo suốt đời cho người khuyết tật; Những biện pháp tối ưu cho việc hoà nhập trong công việc và phát triển sự nghiệp người khuyết tật; Hợp tác với tổ chức tư nhân và xã hội dân sự; Thảo luận và góp ý những cơ hội khu vực và những hành động ưu tiên cho GoFD.

Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn, diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm, Mạng lưới các viện đào tạo hợp tác - Hội thảo Giấy chứng nhận Xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tại Hội thảo chuyên đề về Giấy chứng nhận Xuất khẩu, bà Melissa San Miguel, Giám đốc cấp cao về chiến lược toàn cầu của Hiệp hội các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ (GMA) đã giới thiệu về sự ra đời cũng như phương thức hoạt động của GMA cũng như kinh nghiệm của GMA về chứng nhận xuất khẩu.

Đại diện các nước thành viên đã cùng thảo luận các chủ đề liên quan tới hướng dẫn bộ luật về giấy chứng nhận, cơ hội và thách thức khi sử dụng mô hình và những thông tin cần thiết để đưa ra mức độ bảo hộ hợp lý cho các nước nhập khẩu. Đồng thời, các nước chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Giấy chứng nhận mô hình chính thức (GMOC) trong khu vực APEC (cơ hội, thách thức, thành tựu, bài học…)

Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan từ ngày 9-21/5, là đợt hội nghị lớn thứ hai của Năm APEC 2017. Trong dịp này sẽ diễn ra nhiều cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực như: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế mạng, phụ nữ và kinh tế, an toàn thực phẩm, khoa học, công nghệ và sáng tạo, khai khoáng, công nghiệp ô tô, đô thị hóa…

Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017 và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017. Đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.

Tham dự các hội nghị dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có các Bộ trưởng phụ trách về vấn đề thương mại và phát triển nguồn nhân lực của các thành viên APEC, các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên, cùng đại diện Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Ngoài ra, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuyên gia hàng đầu của các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tập đoàn và các viện nghiên cứu lớn của khu vực... cũng tham gia các sự kiện trong khuôn khổ SOM 2 tại Hà Nội