📞

Thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 hiệu quả thế nào với bệnh nhân nặng?

Nguyễn Liên 14:58 | 12/08/2021
Các nghiên cứu mới nhất về Remdesivir cho thấy, thuốc có tác dụng làm cải thiện bệnh, giảm số ngày cần hồi phục ở nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng.
Thuốc Remdesivir vừa được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 thể trung bình và nặng. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/8, Bộ Y tế chính thức đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19 thể trung bình và nặng. Đến 8/8,10.000 lọ thuốc Remdesivir đầu tiên về Việt Nam đã được chuyển cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cho biết trong tháng 8, nước ta sẽ nhận tổng số 500.000 lọ Remdesivir. Những lô thuốc tiếp theo dự kiến phân bổ cho một số tỉnh phía Nam, nơi có số ca mắc tăng cao và nhiều bệnh nhân nặng.

ThS. BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, Remdesivir là thuốc kháng virus dạng tiêm truyền. Khi vào cơ thể, Remdesivir hoạt động gây ức chế Enzym ARN-dependent RNA polymerase (RdRp), là enzym cực kỳ quan trọng giúp virus SARS-CoV-2 tiếp tục nhân đôi mã gen.

Theo lý thuyết, về cơ chế hoạt động, điều trị bằng Remdesivir đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu nhiễm SARS-CoV-2. Thuốc hiện đã được cấp phép có điều kiện lưu hành ở Mỹ và các quốc gia châu Âu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên, cân nặng lớn hơn 40kg.

Tuy nhiên, trong 2 nghiên cứu công bố mới nhất, Remdesivir nên được chỉ định cho những bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, có giảm SpO2 ≤ 94% và những trường hợp cần thở máy, ECMO.

Cụ thể, Remdesivir có tác dụng giúp nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng nhanh hồi phục hơn, giảm số ngày cần các can thiệp thở oxy.

“Lợi ích lớn nhất khi sử dụng Remdesivir vào điều trị Covid-19 là cải thiện diễn tiến của những bệnh nhân nặng, giảm nguy cơ nhóm này tiến triển nặng hơn. Từ đó, giảm các can thiệp thở máy, ECMO trong bối cảnh bệnh dịch đang hoành hành và quá tải y tế”, bác sĩ Phúc nhận định.

Theo bác sĩ, riêng về lợi ích giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân nguy kịch, cần thêm thời gian để chứng minh, bởi chứng cứ về việc điều trị Remdesivir giúp giảm tỷ lệ tử vong còn thấp, không đồng nhất trong các nghiên cứu.

Về lưu ý khi áp dụng Remdesivir vào điều trị, bác sĩ Phúc thông tin, không nên sử dụng thuốc này cho những bệnh nhân có chức năng thận kém, người có men gan cao gấp 5 lần giới hạn bình thường và những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với thuốc. Phụ nữ có thai và cho con bú cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị với Remdesivir.

Cơ chế bệnh sinh của người nhiễm SARS-CoV-2 có thể chia làm 3 giai đoạn nối tiếp nhau, tăng dần theo mức độ nghiêm trọng, bao gồm:

1. Giai đoạn virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Trong giai đoạn này, các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên chiếm ưu thế.

2. Giai đoạn tổn thương (chủ yếu là viêm không đặc hiệu và cơ quan đích ở phổi).

3. Giai đoạn đáp ứng quá mức của hệ thống miễn dịch cơ thể, dẫn đến suy hô hấp cấp tính (ARDS), nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan.

Ở mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc điều trị khác nhau. Giai đoạn 1 ưu tiên sử dụng các thuốc kháng virus; giai đoạn 2, 3 cần sử dụng các thuốc điều trị hậu quả của virus xâm nhập vào cơ thể như chống đông máu và các thuốc điều hoà miễn dịch như Corticoid, thuốc ức chế IL-6 như Tocilizumab…

Với Remdesivir, về mặt lý thuyết tác động, đây là thuốc kháng virus, tác động chủ yếu vào giai đoạn 1 nhằm kìm hãm sự phát triển của virus. Tuy nhiên trên thực tế, thuốc tác dụng rõ rệt nhất ở giai đoạn 2, khi virus đã tấn công vào phổi gây suy giảm chức năng hô hấp.

(theo Vietnamnet)