Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin là cuộc gặp đầu tiên của hai người trên cương vị đứng đầu nhà nước. (Nguồn: Getty) |
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự kiện cuối cùng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden sau khi chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ.
Hai người này vốn trước đấy đã nhiều lần gặp nhau nhưng lần này là lần đầu tiên cùng trên cương vị đứng đầu nhà nước. Sự kiện này được dư luận để ý đến hơn những hoạt động ngoại giao khác của ông Biden trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài này bởi hai lý do.
Ông Biden có thực muốn giúp ông Putin "làm bàn"?
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Nga-Mỹ chi phối diễn biến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế mà mức độ quan hệ hiện tại lại tồi tệ như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ nay khiến thiên hạ không thể không tò mò về diễn biến, kết cục và tác động của sự kiện.
Thứ hai, ở tất cả mọi hoạt động ngoại giao trước đấy của ông Biden (G7, NATO và EU), những gì ông Biden nói, những gì ông Biden làm và kết cục cuối cùng của các sự kiện đều không khó để có thể được dự liệu trước trong khi ở cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ tại Thuỵ Sỹ thì không được như vậy.
Bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Nga cơ bản và sâu sắc đến mức cuộc gặp giữa hai người kia ở Thuỵ Sỹ sẽ nhiều danh, ít thực, sẽ chưa đủ để hai bên khai thông bế tắc và gây dựng được bước chuyển mang tính đột phá. |
Mọi biểu lộ và bộc bạch của hai người này trước khi đến Thuỵ Sỹ về mối quan hệ giữa Nga-Mỹ cũng như về chính cuộc gặp đều cho thấy họ muốn sự kiện thành công nhưng không thật tin cuộc gặp sẽ thành công, họ đều kỳ vọng đạt được kết quả nào đấy nhưng đồng thời chuẩn bị dư luận cho kết cục không đạt được kết quả gì. Qua đó có thể thấy hai bên sẽ không thất vọng nhiều nếu chẳng đạt được kết quả gì và vẫn sẽ đề cao ý nghĩa chính trị của việc họ gặp nhau.
Trên thế giới ở đây đó có ý kiến cho rằng với việc mời chào gặp ông Putin, ông Biden đã giúp ông Putin làm bàn về đối nội cũng như đối ngoại. Trong thực chất không hề như vậy. Chính phía Mỹ cũng đã công khai quả quyết là lời mời kia của ông Biden không hề hàm ý "khen thưởng" ông Putin.
Sự thật ở đây chỉ có thể là phía Mỹ có lợi từ cuộc gặp ông Putin trong bối cảnh tình hình hiện tại. Bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Nga cơ bản và sâu sắc đến mức cuộc gặp giữa hai người kia ở Thuỵ Sỹ sẽ nhiều danh, ít thực, sẽ chưa đủ để hai bên khai thông bế tắc và gây dựng được bước chuyển mang tính đột phá.
Cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ vẫn diễn ra trong khi cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến hiện tại chưa được phía Mỹ suy tính vì ba lý do.
Suy tính của phía Mỹ
Thứ nhất, Mỹ và Nga đều ý thức được rằng không để cho mức độ quan hệ song phương tuỳ ý tiếp tục rơi tự do được nữa mà phải cùng nhau kiểm soát và quản trị diễn biến của quan hệ song phương.
Bản chất của xung khắc giữa Mỹ-Nga khác biệt cơ bản so với bản chất của cuộc xung khắc giữa Mỹ-Trung Quốc. Cái khó của Mỹ trong xử lý quan hệ với Nga khác biệt cơ bản so với cái khó trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và không có mẫu số chung để so sánh hai cái khó này với nhau.
Không có sự hợp tác của Nga, Mỹ không thể xử lý ổn thoả và có lợi cho Mỹ những vấn đề chính trị an ninh thế giới đặt ra đối với Mỹ. Mỹ có thể chủ động ở mức độ cao trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhưng luỵ Nga trong xử lý những chuyện về chính trị an ninh động chạm trực tiếp tới bầu không khí chính trị đối nội ở Mỹ và chính sách đối ngoại cũng như chiến lược an ninh của Mỹ. Ngồi cùng mâm, đàm cùng bàn với Mỹ là bằng chứng tuyệt vời về vai vế chính trị thế giới của Nga. Cơ hội càng hiếm thì Nga càng phải tận dụng.
Quan hệ của Mỹ với Nga hiện không thuộc diện ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Biden nhưng ông Biden lại có nhu cầu giữ cho mối quan hệ này ít biến động như có thể được và nếu chưa thể cải thiện được thì cũng không bị xấu thêm đi nhiều. Cuộc gặp giúp cả hai đạt được mục tiêu ấy. |
Thứ hai, cả ông Biden lẫn ông Putin đều có thể dùng cuộc gặp này để tranh thủ dư luận thế giới, để "chiếm sóng" truyền thông và để dẫn dắt dư luận thế giới ngả theo hướng có lợi nhất cho mình. Ai cũng muốn được thế giới bên ngoài nhìn nhận và xác nhận là thiện chí và sẵn sàng thoả hiệp cũng như phía bên kia chịu mọi trách nhiệm để cho quan hệ song phương bị tồi tệ.
Quan hệ của Mỹ với Nga hiện không thuộc diện ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Biden nhưng ông Biden lại có nhu cầu giữ cho mối quan hệ này ít biến động như có thể được và nếu chưa thể cải thiện được thì cũng không bị xấu thêm đi nhiều. Cuộc gặp giúp cả hai đạt được mục tiêu ấy.
Thứ ba, ông Biden tìm kiếm cơ chế thích hợp xử lý quan hệ của Mỹ-Nga trong quá trình thực hiện chủ trương đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, có thể giúp cho mối quan hệ giữa Mỹ-Nga không bị đột biến bởi đột biến ở Mỹ, ở Nga hay ở thế giới bên ngoài.
Hai bên sẽ dò dẫm ở cuộc gặp, sẽ cùng nhau gạn đục khơi trong, sẽ không sa đà vào tranh cãi về bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích vì đã quá hiểu nhau, đồng thời sẽ tìm kiếm sự đồng thuận quan điểm ở bất cứ chủ đề nội dung nào có thể nhất trí được quan điểm với nhau như giải trừ vũ khí hạt nhân, hợp tác về an ninh mạng, chống biến đổi khí hậu trái đất, khôi phục khuôn khổ hợp tác giữa NATO và Nga....
Còn trong những nội dung khúc mắc xưa nay khác, hai người này gặp nhau và trao đổi nhưng mức độ khác biệt quan điểm và mâu thuẫn lợi ích không thay đổi. Ông Biden không phân rẽ được Nga với Trung Quốc nhưng biết rằng Nga không đặc biệt hữu ích và quyết định gì đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.