📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Điểm danh 3 vấn đề nổi cộm 'không thể ngó lơ'*

Hoài Minh 08:27 | 14/06/2021
Thượng đỉnh Nga-Mỹ đang là tâm điểm trong những ngày gần đây. Trong cuộc gặp lịch sử này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận những vấn đề gì?
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tới đây là một cơ hội đáng giá và có thể thúc đẩy lợi ích hai bên, dù là khiêm tốn. (Nguồn: Riafan)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 16/6 tới, khi quan hệ Moscow-Washington đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Lời đề xuất về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ của ông Biden trong cuộc điện đàm hồi tháng Tư đã khiến nhiều người ngạc nhiên, có thể ngay cả với chính ông Putin.

Tất nhiên, Tổng thống Nga đã không bỏ qua cơ hội này bởi một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ thể hiện tầm quan trọng của người đứng đầu Điện Kremlin và nước Nga trên trường quốc tế.

Trong khi 4 vị Tổng thống Mỹ trước đây có khuynh hướng bày tỏ hy vọng xây dựng mối quan hệ tích cực với Nga tại các hội nghị thượng đỉnh, thì các quan chức chính quyền ông Biden lại đặt ra một mục tiêu hạn chế hơn: một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước.

Cụ thể, chính quyền Washington bày tỏ sẵn sàng làm việc với Moscow trong 3 vấn đề nổi cộm.

Làm rõ những cáo buộc

Trước hết, ông Biden có thể sẽ trao đổi thẳng thắn với ông Putin về những lo ngại của Mỹ về việc Nga tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng sẽ bày tỏ quan điểm phản đối quyết liệt của mình và khẳng định sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.

Chắc chắn, ông Putin sẽ phủ nhận những lời cáo buộc và khẳng định Washington không có bằng chứng, đồng thời bác bỏ tính hợp pháp của các lo ngại từ Mỹ, về những gì xảy ra bên trong nước Nga.

Theo The Bulletin, ông Biden không nên lãng phí thời gian tranh luận về vấn đề này. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ nên đặt mục tiêu bảo đảm rằng, người đồng cấp hiểu rõ ràng những hành vi nào là vượt quá giới hạn.

Mặt khác, nếu các phản ứng của Mỹ quá rõ ràng và được báo trước, Điện Kremlin có thể dễ dàng tính toán lợi ích và cân nhắc trước các hành động của mình trong tương lai.

Những lĩnh vực có thể hợp tác song phương

Một trong những lĩnh vực cần sự thiện chí hợp tác từ hai bên là vấn đề kiểm soát vũ khí, điều cả hai nước đều bày tỏ quan tâm.

Trước đó, hai bên đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) thêm 5 năm. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu nhằm củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo có thể đồng ý thiết lập một vòng đàm phán sơ bộ về ổn định chiến lược song phương, trong đó tập hợp các quan chức cấp cao để thảo luận về phạm vi sử dụng vũ khí hạt nhân và các vấn đề liên quan, bao gồm phòng thủ tên lửa, lực lượng hạt nhân của nước thứ ba, các hệ thống dẫn đường tấn công chính xác...

Khởi động các cuộc đàm phán chính thức sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, vì vậy phía Mỹ có thể sẽ tiến hành một vòng đàm phán sơ bộ để thăm dò đối phương.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hơn bắt nguồn từ các ưu tiên khác nhau của hai bên. Trong khi Washington muốn các cuộc đàm phán sẽ đưa ra giới hạn đối với tất cả vũ khí hạt nhân, bao gồm cả vũ khí hạt nhân phi chiến lược, thì các quan chức Nga dường như ưu tiên hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa và các hệ thống tấn công tầm xa hơn.

Mặt khác, nếu phía Moscow đồng ý hợp tác thì chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt với câu hỏi rằng, liệu Mỹ có quan tâm đến việc hạn chế và cắt giảm tất cả vũ khí hạt nhân với Nga đến mức sẵn sàng chịu một số hạn chế ngược lại đối với hệ thống phòng thủ tên lửa?

Ngoài ra, hai bên còn có thể thảo luận về một số vấn đề cần sự hợp tác song phương, như việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút quân khỏi Afghanistan, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19…

Những vấn đề xung đột lợi ích

Chủ đề thứ ba mà hai nhà lãnh đạo không thể không nhắc đến trong cuộc gặp là những vấn đề mà lợi ích của cả Mỹ và Nga bị xung đột, đặc biệt là vấn đề Ukraine.

Tại hội nghị, ông Biden có thể sẽ nhấn mạnh lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và lưu ý rằng, căng thẳng Nga-Ukraine là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc đưa mối quan hệ Washington-Moscow trở lại trạng thái “bình thường”.

Bằng chứng là, ngày 11/6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu USD, bao gồm radar chống pháo và hệ thống máy bay không người lái đối kháng. Động thái này như một lời báo hiệu rằng, vấn đề Ukraine sẽ “chiếm sóng” không ít thời gian tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tới đây là một cơ hội đáng giá và có thể thúc đẩy lợi ích hai bên, dù là khiêm tốn.

Đây là dịp ông chủ Điện Kremlin có thể trực tiếp lắng nghe từ ông Biden về các quan điểm của tân chính quyền Mỹ và thành quả thực sự của hội nghị sẽ được phản ánh trong quá trình thực hiện.

Thượng đỉnh ở Geneva không được kỳ vọng sẽ đem lại đột phá hay đảo chiều được mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh, nhưng sẽ là dịp để thu hẹp bất đồng và tìm kiếm những lĩnh vực có thể hợp tác hiệu quả trong tương lai gần.


* Bài viết của ông Steven Pifer - cựu Đại sứ Mỹ tại Nga đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ)

(theo The Bulletin)