📞

Thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ - Đức - Pháp - Anh: Gặp gỡ từ xa, vượt khó trước mắt

Phan Quân 13:45 | 19/03/2020
TGVN. Hội nghị trực tuyến không thể ngăn lãnh đạo 4 quốc gia thảo luận về các vấn đề cấp bách, từ dịch Covid-19, người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tới tình hình Syria. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng các quan chức tại Thượng đỉnh bốn bên ngày 17/3. (Nguồn: IHA)

Ngày 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hội đàm, thảo luận về vấn đề nóng của thế giới và khu vực.

Gặp gỡ từ xa

Điểm thú vị ở chỗ đây là lần đầu tiên, cuộc gặp bốn bên được tiến hành trực tuyến. Thời gian tới, khi dịch Covid-19 tiếp tục phát triển mạnh và châu Âu, trong đó có Đức, Pháp và Anh được dự đoán có thể trở thành tâm dịch mới, các hội nghị trực tuyến sẽ dần trở thành phương thức gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo quốc gia. Theo Saudi Arabia, tuần tới lãnh đạo các nước G20 sẽ tiến hành họp khẩn trực tuyến nhằm thỏa luận về cách phối hợp, ứng phó với Covid-19. Trước đó ít lâu, hoạt động tương tự giữa các nước thành viên G-7 đã khẳng định cam kết “sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết” để chống lại sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm các biện pháp tài chính và hợp tác phát triển vaccine.

Quan trọng hơn, gặp gỡ trực tuyến đang trở thành xu thế mới và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt, bởi nó có ưu điểm so với công du ngoại giao truyền thống. Thứ nhất, hội nghị trực tuyến giảm thiểu rủi ro cho lãnh đạo quốc gia trong các chuyến thăm. Thứ hai, hội nghị trực tuyến không đòi hỏi quá trình lên kế hoạch dài hơi, tiết kiệm chi phí chuẩn bị và tổ chức. Thứ ba, hội nghị trực tuyến tiết kiệm thời gian, giúp lãnh đạo quốc gia thuận tiện trong công tác đối nội. Thứ tư, hội nghị trực tuyến cho phép các bên họp khẩn, giải quyết vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi phản ứng tức thời nhưng yêu cầu phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia như Covid-19.

Vượt khó trước mắt

Trở lại với cuộc gặp trên, các bên chưa chia sẻ nhiều thông tin chính thức song viết trên Twitter, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi đã có dịp đánh giá sâu sắc về nhiều vấn đề, từ đối phó với virus corona, tình hình nhân đạo tại Idlib, giải pháp cho khủng hoảng Syria, vấn đền người tị nạn và quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU tại thượng đỉnh”. Ông khẳng định các bên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn thông qua kênh ngoại giao và cơ chế hợp tác nhằm giải quyết vấn đề còn tồn tại.

Chi tiết hơn, phát biểu tại họp báo sau thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã có cuộc “thảo luận hiệu quả” về tiến triển và tình hình nhân đạo tại Đông Bắc Syria, mong muốn viện trợ của Đức sớm tới tay người dân, ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, tiến tới ngừng bắn dài hạn và khôi phục lại đàm phán giữa các bên liên quan sau nhiều tuần giao tranh. Đề cập quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận song phương về người tị nạn năm 2016, bà khẳng định Berlin cùng các nước “sẵn sàng tăng cường hỗ trợ kinh tế” cho Ankara nếu cần thiết.

Tuy nhiên, chưa có gì cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thỏa mãn với đề xuất này. Không phải Covid-19, vấn đề người nhập cư và tình hình Syria mới là lý do chính của thượng đỉnh trực tuyến lần này bởi hai lý do sau.

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần tới giới hạn, với số lượng người nhập cư ngày một lớn, đạt mức 3,7 triệu người Syria, nhiều nhất trên thế giới. Thực trạng này đã tác động tiêu cực tới ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, sự trợ giúp của EU theo thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - EU năm 2016 về người tị nạn là không đủ để bù đắp những thiệt hại nêu trên.

Thứ hai, chiến sự Syria leo thang có thể đẩy hơn 3 triệu người dân Syria ở khu vực Đông Bắc Syria về phía Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã quá tải với lượng người nhập cư hiện nay. Trước tình trạng đó, một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự đẩy lùi quân đội Syria của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, mặt khác, ngày 28/2, nước này đã cho phép người nhập cư di chuyển vào châu Âu, đe dọa phá vỡ thỏa thuận năm 2016, gây áp lực với EU nhằm đạt được hỗ trợ cần thiết. Trong khi đó, quốc gia châu Âu láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp đã có biện pháp mạnh như triển khai quân đội, sử dụng lựu đạn cay và súng phun nước nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư.

Đáng ngại hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại châu Âu và hệ thống y tế của nhiều quốc gia dần trở nên quá tải, lượng người nhập cư đổ về khu vực này có thể khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, tuyên bố của các nước EU về tăng cường chi phí hỗ trợ là cần thiết để xoa dịu các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại song về lâu dài, Thổ Nhĩ Kỳ và EU cần nhiều hơn một thỏa thuận năm 2016 để giải quyết khúc mắc song phương còn tồn tại nói riêng và vấn đề người nhập cư, tình hình chiến sự Syria nói chung.