Thưởng Tết giáo viên là động lực lớn đối với mỗi người thầy. (Ảnh: Minh Hiền Vũ) |
Thưởng Tết rất thấp hoặc hầu như không có là câu chuyện chung của những giáo viên, nhân viên hợp đồng, giáo viên mới ra trường và giáo viên dạy chuyên biệt. Mức thưởng trung bình của những giáo viên này chỉ vài trăm nghìn đồng, có người còn không có tiền thưởng Tết. Đó là điều đáng suy nghĩ.
Tết Nguyên đán cận kề, có giáo viên bày tỏ sự mong chờ tiền thưởng nhưng cũng có người cảm thấy ngậm ngùi và chạnh lòng bởi nhiều năm công tác, thưởng Tết là khái niệm rất xa vời. Có giáo viên được thưởng vài triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, vẫn nhiều giáo viên chưa biết đến “mùi” thưởng Tết. Có nơi, thưởng Tết cho giáo viên chỉ vỏn vẹn túi bánh kẹo, túi mì chính hoặc vài trăm nghìn đồng. Theo quan điểm của nhiều người, mức thưởng Tết cuối năm không phải là sự đòi hỏi của giáo viên mà đó là để người thầy có thêm động lực về mặt tinh thần hơn.
Việc hy vọng vào một cái Tết no đủ là điều mà hầu như người lao động nào cũng mong muốn. Giáo viên cũng vậy, ai cũng mong có một khoản để có "đồng ra đồng vào". Đó được xem như khoản động viên, khích lệ tinh thần cho các thầy cô trong cơ sở giáo dục. Có thể nói, thưởng Tết là điều rất quan trọng, để giáo viên cảm thấy không thiệt thòi vì đa số các ngành nghề khác đều có. Có thêm thưởng Tết, giáo viên sẽ đỡ đần phần nào các chi phí sinh hoạt khác trong gia đình, để có cái Tết "ấm" hơn.
Từ nhiều năm nay, tăng lương giáo viên luôn là câu chuyện nóng ở nghị trường Quốc hội, nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, việc người thầy có thu nhập thấp, khó thu hút, giữ chân nhân tài, khó động viên đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý, dồn hết tâm huyết cho công việc... Thậm chí, thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến vai trò và vị thế nhà giáo trong xã hội.
Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Cho nên, việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn lao; không chỉ cải thiện thu nhập cho nhà giáo mà còn mang ý nghĩa quyết định trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Giáo dục. Vì vậy, đời sống người giáo viên được chăm lo tốt hơn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 - tháng 8/2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu biên chế được giao gần 26.000. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Do vậy, Bộ đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế "làn sóng" này, trong đó có tăng lương và quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên.
Tại Diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đề nghị, trong cải cách tiền lương, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhiều lần kiến nghị cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống và giảm tình trạng thôi việc. Mới đây, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đời sống của giáo viên cần được quan tâm hơn nữa. (Ảnh: Minh Hiền Vũ) |
Quay trở lại câu chuyện thưởng Tết, có thể nói đây không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ luật Lao động năm 2019. Như vậy, việc trả tiền thưởng Tết chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, thưởng Tết cũng là cách giữ chân và tăng thêm động lực người lao động.
Chính vì vậy, đơn vị nào có chế độ thưởng Tết cao thường người lao động sẽ gắn bó lâu hơn, ít có trường hợp nghỉ việc ồ ạt. Với người lao động, thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn mang ý nghĩa tinh thần. Đó là nguồn động lực để người lao động chăm chỉ làm việc hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Nhìn lại, đối với giáo viên, làm sao để không còn nỗi buồn thưởng tết giáo viên? Ai đi làm cũng mong có lương, thưởng cao để lo cho gia đình một cuộc sống sung túc, ấm no.
Đối với người lao động, thưởng Tết là một khoản vô cùng quan trọng và luôn được mong chờ vào những dịp cuối năm. Ai cũng mong có tiền để mua quần áo mới cho con, biếu Tết nội ngoại, có tiền sắm sửa thực phẩm, tiền vé xe... Đối với nhiều người, không có thưởng Tết coi như không có Tết, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Ai cũng ngậm ngùi cho “nghề cao quý”, áp lực luôn bủa vây mà đãi ngộ chưa xứng đáng. Đời sống nhà giáo nói chung còn nhiều khó khăn, chật vật. "Có thực mới vực được đạo”, cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả sẽ khiến nhà giáo phải chịu nhiều áp lực, không thể toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ "trồng người".
Nghề giáo là nghề thanh cao, cần được Nhà nước đãi ngộ xứng đáng, đời sống của nhà giáo cũng cần được quan tâm hơn. Với thu nhập thấp, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, liệu rằng người thầy còn tâm trí, nhiệt huyết để tận tâm và sống được với nghề hay không? Vì thế, việc tăng lương cũng như có thêm lương tháng 13 là niềm ước ao, mong mỏi của tất cả thầy cô trong nghề. Bởi thưởng Tết sẽ là niềm động viên lớn lao và nguồn động lực đối với mỗi người thầy.