Thưởng Tết năm nay sẽ không cao và có khả năng ngang bằng năm trước, bình quân khoảng 6-6,5 triệu đồng/người. |
Tháng 12/2016, tôi nghỉ việc ở cơ quan nọ vì vấn đề thu nhập. Tết Đinh Dậu năm ấy đến khá sớm, ngay cuối tháng Một. Tôi xác định sẽ đón một cái Tết ‘đói’ khi chỉ có lương tháng đầu tiên ở chỗ làm mới. Ấy thế mà trước Tết, tôi vẫn nhận được ‘ting ting’ từ chỗ làm cũ. Anh sếp hồi đó bảo: “Em làm việc cả năm rồi nên vẫn xứng đáng có thưởng”. Chỉ 5 triệu thôi nhưng tôi vẫn ấm lòng.
Vợ tôi thì không được may mắn như thế! Em bé của chúng tôi chào đời vào những ngày cuối tháng 11/2022. Khi đón cái Tết trong thời gian nghỉ sinh nở, cô ấy chẳng có cái ‘ting ting’ nào dù đã cống hiến ở đây bốn năm.
Vì pháp luật không quy định; hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa cũng như tình hình làm ăn của doanh nghiệp nên cứ mỗi cuối năm lại lắm câu chuyện bi hài. Có anh vẻ vang lên báo khi cơ quan ‘tri ân cuối năm’ lên tới hơn 5 tỷ đồng; nhưng cũng có chị cười như mếu khi phải đến nhận gạch, phân bón, mỳ tôm… làm quà Tết. Có những đơn vị còn ‘xanh chín’ hơn khi tuyên bố thẳng: công ty làm ăn không có lãi, chỉ đủ trả lương cho nhân viên và không có tiền thưởng.
Vừa qua, một vị doanh nhân nổi tiếng có phát biểu rằng: các lãnh đạo doanh nghiệp nên nói thẳng với nhân sự về tình hình kinh tế khó khăn. Thay vì hỏi chuyện tăng lương, tiền thưởng Tết… thì hãy hỏi đơn vị chúng ta có tồn tại được hay không.
Nghe thì có vẻ lạnh lùng nhưng quả thực là tình hình kinh tế hiện tại khá u ám, biến động và mơ hồ. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ tới Công ty PouYuen Việt Nam (TP. HCM) với việc phải cắt giảm hơn 9.000 lao động trong năm 2023 vì không có đơn hàng. Hiệu ứng domino xảy ra, tình trạng người lao động mất việc làm ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh của các chủ nhà trọ, các hàng quán, khu chợ… phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Theo thống kê từ VTV, thưởng Tết năm nay sẽ không cao và có khả năng ngang bằng năm trước, bình quân khoảng 6-6,5 triệu đồng/người. Nói vậy cũng là để những người lao động nắm được tình hình mà biết trân trọng những đồng tiền thưởng để có kế hoạch chi tiêu ăn Tết. Nếu thưởng Tết có thấp thì cũng nên thông cảm vì cơ quan/đơn vị/doanh nghiệp đã cố gắng hết sức rồi.
Còn ở góc nhìn của người lao động, ai cũng thích được thưởng Tết, đặc biệt là được thưởng bằng tiền mặt. Với truyền thống Việt Nam, việc thưởng Tết không chỉ là một hành động động viên mà còn là biểu tượng của văn hoá và sự kết nối giữa chủ và thợ, giữa lãnh đạo với nhân viên. Nó không chỉ mang lại lợi ích về mặt tài chính, mà còn đồng nghĩa với sự chăm sóc từ cấp cao với đối tượng làm công ăn lương, đặc biệt là những người lao động phổ thông.
Nói đi nói lại thì thưởng Tết là một câu chuyện rất tế nhị. Cắt hay giảm thưởng Tết là cách để công ty tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu khiến người lao động bị thiệt thòi thì đó không phải là giải pháp tốt. Thưởng Tết sao cho đúng, cho trúng chính là biểu hiện của việc doanh nghiệp biết cân đối chi tiêu và thấu hiểu được tâm tư nhân viên. Như một kiểu có đi có lại, bản thân người lao động cũng sẽ cảm kích và gắn bó hơn với đơn vị.