Các quốc gia ASEAN cần phải vượt qua các rào cản chính trị, kỹ thuật và chi phí liên quan để công cuộc chuyển đổi năng sang lượng xanh được hiệu quả. (Nguồn: AFP) |
Song phương là chủ chốt?
Các khoản đầu tư năng lượng trong tương lai gần được dự báo sẽ chủ yếu dựa trên các dự án song phương, thay vì các dự án đa phương của ASEAN.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, những khó khăn cản trở chuyển đổi năng lượng tại khu vực này là chênh lệch về kinh tế, khác biệt chính sách giữa các quốc gia và thiếu vốn đầu tư vào các dự án xanh.
Ông Subodh Mhaisalkar, Giáo sư kỹ thuật và Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu năng lượng tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định: “Thương mại song phương, đặc biệt là thương mại do khu vực kinh tế tư nhân dẫn đầu, sẽ khởi sắc trong thời gian tới, nhưng có lẽ sẽ mất hơn một thập kỷ để ASEAN tiến tới một mô hình đa phương và thống nhất cho thương mại năng lượng xuyên biên giới”.
Trả lời The Business Times, ông Eric Francia, Giám đốc điều hành của nền tảng năng lượng tái tạo Acen có trụ sở ở Philippines, cho biết, họ đưa ra quyết định đầu tư dựa trên môi trường đầu tư năng lượng tái tạo của mỗi quốc gia, thay vì tiềm năng đa phương của ASEAN trong lĩnh vực này.
Ông Eric Francia đánh giá: “Nghe thì có vẻ hay nhưng thực tế có rất nhiều khó khăn về tiêu chuẩn. Hơn nữa hiện nay, vài quốc gia đang hướng tới xu hướng phân quyền và độc lập do cú sốc nguồn cung, nên sẽ rất khó khăn để hình thành mô hình đa phương”.
Một số quốc gia ưu tiên đáp ứng cam kết khử carbon đã đề ra, trong khi năng lượng tái tạo vẫn là mặt hàng khan hiếm.
Năng lượng mặt trời và năng lượng gió dẫn đầu
Việc sản xuất năng lượng tái tạo của Acen tại Philippines hiện nay đã đạt công suất 1500 megawatt. Công ty này đặt mục tiêu sản xuất 100% lượng điện năng lượng tái tạo và đã đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam và Indonesia.
Ông Eric Francia cho rằng, năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ là công nghệ sạch của tương lai, bao gồm cả năng lượng gió ngoài khơi.
Trong khi đó, ông Brice Le Gallo, Giám đốc khu vực hệ thống năng lượng châu Á-Thái Bình Dương tại Công ty Tư vấn năng lượng DNV, đề xuất nghiên cứu đầu tư vào các tuabin gió tốc độ chậm nhằm hỗ trợ sản xuất gió ở Đông Nam Á, do tốc độ gió có xu hướng thấp hơn gần xích đạo.
Ngoài ra, cả 2 vị chuyên gia đều cho rằng, điện mặt trời nổi cũng là một hệ thống tiềm năng mang nhiều kỳ vọng.
Đồng quan điểm, ông Tan Wooi Leong, Giám đốc quản lý năng lượng và công nghiệp tại Công ty Surbana Jurong, cũng cho biết, năng lượng mặt trời là công nghệ hoàn thiện cũng như dễ triển khai nhất trên thị trường năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ông cũng bổ sung rằng, các công ty và tổ chức phải bắt đầu phát triển chiến lược chuyển đổi năng lượng của mình và không được chỉ nhìn vào các lợi ích ngắn hạn. Ông Tan nhấn mạnh “phải đầu tư từ bây giờ", nếu mong muốn phát triển lâu dài.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số công nghệ khác cũng quan trọng đối với chuyển đổi năng lượng trung và dài hạn. Các công nghệ bao gồm nhiên liệu hydro, thu giữ và tận dụng carbon, hệ thống lưu trữ năng lượng và các biện pháp kết hợp khác.
Ông Le Gallo cho biết các biện pháp kết hợp quy mô nhỏ, như biện pháp kết hợp năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ, có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các hòn đảo dân cư thưa thớt.
Tiềm năng phát triển năng lượng xanh ở Đông Nam Á là rất lớn, do nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. (Nguồn: HBL) |
Tương lai rộng mở
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng tiềm năng phát triển năng lượng xanh ở Đông Nam Á rất lớn, do nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Trong khi các nước như Indonesia và Philippines có thể khai thác các dự án năng lượng địa nhiệt, thì các quốc gia dọc theo đồng bằng sông Mekong có thể phát triển năng lượng thủy điện.
Ông Philip Lim, cố vấn cấp cao của Foresight Economics, cho biết một thị trường năng lượng khu vực "đúng chuẩn" cần sự hợp tác của các quốc gia trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị năng lượng.
Singapore có thể tập trung nghiên cứu công nghệ hydro và phát triển tài sản trí tuệ của mình, trong khi các nước ASEAN khác đóng vai trò là cơ sở sản xuất.
Về phần mình, ông Le Gallo tin rằng việc Singapore nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia là dự án thử nghiệm có thể được nhân rộng trên quy mô lớn hơn trong tương lai.
Dự án đánh dấu thương vụ thương mại điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên với sự tham gia của 4 nước ASEAN và là hoạt động nhập khẩu năng lượng tái tạo đầu tiên của Singapore.
Ông Mhaisalkar lưu ý, việc nâng cao khả năng lưu trữ năng lượng và thiết lập một mạng lưới điện mạnh ở ASEAN sẽ là những yếu tố cần thiết để đáp ứng tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng cao được dự báo sắp tới.
“Các quốc gia ASEAN cần phải vượt qua các rào cản chính trị, kỹ thuật và chi phí liên quan để công cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh được hiệu quả”, ông Mhaisalkar nhấn mạnh.