Giao lưu ra mắt sách Bieguni, những người không ngừng chuyển động. (Ảnh: An Bình) |
Olga Tokarczuk là một trong những nhà văn được đánh giá cao trên thế giới, cũng như nhận được nhiều giải thưởng ở trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây. Tình đến tháng 10/2019, sách của bà đã được dịch ra 37 thứ tiếng.
Tại lễ trao giải Nobel Văn học năm 2018, Giáo sư Per Wastberg, Chủ tịch Ủy ban Nobel đã nói về Olga Tokarczuk: “Chúng ta có nhà văn tầm cỡ thế giới, người miêu tả thế giới bằng phong cách đầy chất thơ và khác thường”.
Một thế giới không ngừng chuyển động
Olga Tokarczuk được vinh danh với hai tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của bà, là Bieguni, những người không ngừng chuyển động được xuất bản năm 2007 và Bộ sách lớn của Jakub được xuất bản năm 2014.
Với tác phẩm Bieguni, những người không ngừng chuyển động, Olga Tokarczuk được đánh giá cao vì trí tưởng tượng dựa trên các quan sát tinh tế, kết hợp với sự say mê của bộ óc bách khoa, bà chỉ ra cho chúng ta thấy việc vượt qua các ranh giới như là một dạng của cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban Nobel cũng nói rằng: “Bà chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định và tồn tại vĩnh hằng. Bà viết các tiểu thuyết của mình trong sự va đập tột đỉnh giữa các nền văn hóa đối lập, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí và điên rồ, nam và nữ, gia đình và cô lập”.
Là một cuốn tiểu thuyết phân mảnh, Bieguni, những người không ngừng chuyển động chính là một thách thức mới lạ cho người đọc vốn quen thể loại tiểu thuyết truyền thống.
Có lẽ, không dễ nắm bắt nó nhưng cũng rất đáng tò mò để trải nghiệm. Tên gọi Bieguni, như tác giả giải thích, xuất phát từ các từ bieg (chạy) và ucieczka (trốn) bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ, dường như không liên quan đến nhau, nhưng rồi lại theo một thế giới quan thống nhất.
Tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, Olga Tokarczuk khiến vũ trụ thu nhỏ của bà trở thành tấm gương phản chiếu vũ trụ rộng lớn hơn.
Từ các cung điện xưa của vua một nước Hồi giáo nhỏ bé, qua các phòng trưng bày đồ cổ thế kỷ XVII, đến các nhà ga hiện đại ở sân bay, Olga Tokarczuk đưa độc giả vào cuộc hành trình hiếm thấy qua các địa điểm và thời gian khác nhau. Tác giả mời chúng ta cùng chế ngự thực tế mơ hồ, chắp vá, vứt bỏ những lối mòn quen thuộc để không ngừng huyển động.
Olga Tokarczuk cũng thường được nhắc đến với giọng điệu huyền bí trong các tác phẩm của mình. Bà đã mô tả thế giới quanh ta bằng phương pháp hết sức đặc biệt, thông minh và nhạy cảm. Mất tới ba năm để hoàn thành tác phẩm này, bà kể rằng phần lớn các ghi chép được bà thực hiện trong các chuyến đi.
Tuy nhiên, trong phần giới thiệu cuốn sách xuất bản lần thứ nhất, Olga Tokarczuk đã viết: “Đây không phải là cuốn sách về du lịch. Trong đó không miêu tả di tích và địa điểm. Đó không phải là nhật ký du lịch và cũng không phải là phóng sự. Tôi chỉ muốn nhìn kỹ cái được gọi là chuyển dịch, là thay đổi chỗ. Điều đó có ý nghĩa gì? Nó mang lại cho chúng ta cái gì?”.
Và như bà nói: “Viết tiểu thuyết đối với tôi là kể chuyện cổ tích cho chính bản thân mình ở tuổi trưởng thành. Giống như trẻ con vẫn làm trước khi chúng đi ngủ. Ngôn ngữ được dùng nằm giữa mơ và thực”.
Bìa tiểu thuyết Bieguni, những người không ngừng chuyển động. (Ảnh: An Bình) |
Chuyện những người gieo hạt
Bieguni, những người không ngừng chuyển động được ra mắt tại Việt Nam là do sự phối hợp tích cực giữa Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để tác phẩm giá trị này có thể đến tay độc giả Việt Nam bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là nhờ công rất lớn của dịch giả Nguyễn Văn Thái, Tiến sĩ khoa học ngành trắc địa và bản đồ hiện đang sinh sống ở Ba Lan.
Là một dịch giả miệt mài nối nhịp cầu văn học Ba Lan – Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, dịch giả Nguyễn Văn Thái cho biết Bieguni, những người không ngừng chuyển động là bản dịch trực tiếp từ tiếng Ba Lan đầy đủ và công phu nhất từ trước đến nay của tác phẩm.
Đây cũng là cuốn sách ông dành nhiều tâm huyết với nhiều thử thách và ấn tượng khó quên, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
“Olga Tokarczuk nói rằng văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới. Tác phẩm này không có biên giới, bởi nó chuyện xảy ra trên toàn thế giới và ở bất kỳ quốc gia nào. Giữa mùa dịch bệnh Covid-19, chúng ta không cần phải đi đâu xa, chỉ cần mở cuốn sách này là có thể thấy mình được chuyển động rồi. Cái tài của nữ nhà văn là ở đó”, dịch giả Nguyễn Văn Thái cho biết.
Bày tỏ niềm vui khi văn học Ba Lan luôn được đón nhận tại Việt Nam, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel cho biết tại đất nước của ông, nữ nhà văn Olga Tokarczuk được coi là “quốc bảo” với rất nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch và lý luận phê bình.
Đặc biệt, trước khi trở thành chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018, Olga Tokarczuk giành một số giải trong nước và quốc tế: Giải Nike cho văn học nghệ thuật ở Ba Lan vào năm 2008 và 2015, Giải Vilenica năm 2013, giải Man Booker International và Jan Michalski Prize for Literature năm 2018.
Đại sứ Wojciech Gerwel cũng đánh giá cao sự tận tâm và nhiệt tình của đội ngũ những dịch giả người Việt như ông Nguyễn Văn Thái đã góp phần gieo những hạt mầm văn học Ba Lan tại Việt Nam trong những năm qua.
Ông hy vọng, trong tương lai sẽ có thêm tác phẩm của Olga Tokarczuk cùng nhiều tác giả nổi tiếng khác đến với độc giả Việt Nam, làm phong phú đời sống giao lưu văn học giữa hai nước.
Mới đây, nữ nhà văn Olga Tokarczuk đã gửi lời cảm ơn đặc biệt tới dịch giả Nguyễn Văn Thái vì đã giúp đưa tiểu thuyết bà đến với một đất nước xa xôi như Việt Nam. “Dù chưa bao giờ đến Việt Nam, nhưng tuôn hy vọng khi sách của tôi được xuất bản tại Việt Nam, tôi sẽ có cơ hội đến đây. Tôi xin hứa với bản thân và các quý vị, khi hết dịch bệnh, khi thế giới trở lại bình thường, tôi sẽ gặp quý vị thật sự”, bà Olga Tokarczuk nói.
| Việt Nam - Ba Lan: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư TGVN. Ngày 19/11, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz đã đồng chủ ... |
| Đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam lên nền tảng số TGVN. Những bước chập chững trên hành trình số hoá mảng văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho ... |
| Đưa ‘Đình làng Việt’ đến nước Đức Triển lãm ảnh mang chủ đề 'Đình làng Việt' nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975 ... |