Trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngân hàng đã tung ra rất nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. (Nguồn: CafeF) |
Ngân hàng sẵn lòng…
Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cùng DN, người dân vượt khó khăn do dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra các chính sách cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán và thực hiện nhiều giải pháp chính sách theo chủ trương Chính phủ…
Gần nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021.
Về phía các TCTD, mới đây, Vietcombank tung ra gói vay dành cho khách hàng DN nhỏ và vừa, hợp tác xã… lãi suất 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống; 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 - 24 tháng và 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.
BIDV cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu, với lãi suất từ 3,8%-6,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 3 - 9 tháng.
Hay như chương trình “VietinBank SME Stronger 2021 - Sung sức vươn xa” cung cấp 3 gói giải pháp kết nối cho các DN. Cụ thể, gói V-SME1 cung cấp các mức lãi suất ưu đãi, miễn phí và giảm phí giúp DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; gói V-SME 2 ưu đãi về chính sách cho khách hàng DN vừa và nhỏ dựa trên đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; gói V-SME 3 cung cấp các giải pháp kết nối trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, các nhà băng còn đang gấp rút thực hiện Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường tháng 5/2021 đang phổ biến trong khoảng 3-7%/năm, mức lãi suất cho vay từ 6%/năm, được đánh giá là khá hấp dẫn.
Tin liên quan |
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid-19: Cần đồng bộ và thiết thực hơn |
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho 456,6 nghìn khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi hơn 3,16 triệu tỷ đồng.
… nhưng vẫn rời xa thực tiễn
Thế nhưng, từ chính sách đến thực tiễn còn khoảng cách… không thể với tới khi bên cạnh những DN đã được hỗ trợ về nguồn tín dụng ưu đãi thì còn nhiều DN vẫn kêu khó trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Nguyên nhân được đại diện các DN cho là còn bất cập ở khâu thực thi, khi DN muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ… Với các thủ tục này, các DN lớn cũng gặp khó khăn, còn nhóm DN vừa và nhỏ là nhóm cần hỗ trợ nhất cũng là nhóm khó đáp ứng điều kiện.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “DN bản lĩnh vượt khó Covid-19” cuối tháng 5 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động…
Với các DN lớn như Công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2020 đối với DN và người lao động, gói hỗ trợ quan trọng nhất là 62.000 tỷ, nhưng đến nay May 10 vẫn chưa tiếp cận được gói này. Nguyên nhân do May 10 không đáp ứng được điều kiện là giảm doanh thu 30% và giảm lao động 50%.
Còn với DN vừa và nhỏ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Hà Nội), chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, phản ánh, DN chỉ tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với lãi suất khá cao. Còn nguồn vốn vay giá rẻ tại các ngân hàng lớn không tiếp cận được, do thủ tục vay rườm rà, hạn mức thấp.
Cần giải pháp thiết thực hơn
Dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của DN thì các chính sách về tín dụng, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng; giúp DN tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp, thiết thực và kịp thời để hỗ trợ cộng đồng DN.
Trước hết, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, nhiều DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần các DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu...
Các DN đề xuất, cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Các gói hỗ trợ nên tập trung vào các DN có khả năng hồi phục và hỗ trợ sao cho đủ để họ có thể hồi phục. Đối với các DN đóng cửa dài hạn, các gói hỗ trợ phải được thực hiện theo cách khác.
Còn TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Vì thế, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.
Tức là, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới...
Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể tập trung cho từng ngành, lĩnh vực, tính toán đến sức phục hồi cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực. Có như thế việc hỗ trợ DN sẽ không còn mang tính “giải cứu” mà thực sự giúp DN phục hồi và kéo nền kinh tế tăng trưởng.