Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản đối nhận định về Bắc Kinh trong Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản. (Nguồn: Global Times) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga thông báo thiệt hại của Ukraine ở Donetsk: Họp báo thường nhật ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết các đơn vị pháo và máy bay của tập đoàn quân “Miền Tây” ở Kupyansk đã tấn công các đơn vị Ukraine ở tỉnh Kharkov và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng. Phía Ukraine mất 1 pháo tự hành Gvozdika, 1 lựu pháo D-20, một số phương tiện và xe bọc thép cùng 300 người. Gần làng Staritsa thuộc tỉnh Kharkov, quân đội Nga đã tấn công một kho đạn dược thuộc Lữ đoàn 67 Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU).
Trong khi đó, tập đoàn quân “Trung tâm” của Quân đội Nga hoạt động theo hướng Krasny Liman đã phá hủy một số vũ khí, thiết bị và khiến Ukraine mất 120 người. Ngoài ra, kho đạn của một trong những lữ đoàn cơ giới VSU hoạt động trên lãnh thổ của LPR đã bị tấn công. (TASS)
* Lãnh đạo Ukraine và Hy Lạp thảo luận về tình hình xung đột: Ngày 11/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nói: “Tôi đã điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Tôi đã nói với ông ấy về tình hình trên chiến trường và về những thách thức quốc phòng hiện tại Ukraine đang phải đối mặt. Chúng tôi đã nhất trí tiếp tục hợp tác an ninh”.
Trước đó, Hy Lạp cho biết sẵn sàng tặng một lô xe chiến đấu bộ binh BMP-1 IFV, đạn pháo và đạn dược cho Ukraine. Ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã đến thăm Athens trong khuôn khổ các cuộc gặp với quan chức các nước NATO. (Ukrinform)
* Đan Mạch sẽ cấp khoảng 100 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine: Ngày 10/4, phát biểu trong buổi họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tại Trung tâm Truyền thông Ukraine-Odesa, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển giao xe tăng Leopard 1 cho Ukraine trước mùa Hè. Sau đó, tôi hy vọng rằng trong nửa năm tới, chúng tôi có thể chuyển giao khoảng 100 xe tăng Leopard 1”.
Ông cũng lưu ý rằng tháng tới, Ukraine có thể nhận khẩu pháo tự hành Caesar mà quân đội Ukraine đang được huấn luyện sử dụng tại Đan Mạch. (Ukrinform)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine xuất khẩu điện sang châu Âu; Ngoại trưởng Hungary tới Moscow, tiết lộ một điều liên quan đến Gazprom |
Nga-Mỹ
* Washington, Moscow tranh cãi về vụ phóng viên Mỹ bị Nga bắt giữ: Ngày 10/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel đã cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi không cho phép các quan chức lãnh sự Mỹ tiếp cận phóng viên Evan Gershkovich của tờ The Wall Street Journal (Mỹ) kể từ khi anh này bị bắt. Ông Patel nói: “Chúng tôi đã nhấn mạnh Chính phủ Nga cần trao quyền tiếp cận này càng sớm càng tốt”. Cuối tuần qua, Moscow đã chính thức thông báo cho Washington về vụ bắt giữ.
Về phần mình, Điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh ông Gershkovich đã “vi phạm luật pháp Nga”. Hiện Mỹ vẫn đang tìm cách tiếp cận lãnh sự với ông Gershkovich, người đã bị giam giữ kể từ ngày 29/3 với cáo buộc làm gián điệp. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Viện trợ Ukraine: Đức 'bơm' lô hàng mới, Đan Mạch báo tin vui, Nga tố Mỹ đang gây áp lực |
Nga-Trung
* Hợp tác quân sự Trung-Nga “không nhằm chống nước thứ ba”: Ngày 11/4, phát biểu về Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản liên quan tới quan hệ Nga-Trung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định quan điểm của mình. Sự hợp tác của chúng tôi (giữa Trung Quốc và Nga) tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba hay gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào... Không ai có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề này”.
Ông nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản sửa chữa hành vi sai lầm làm leo thang căng thẳng khu vực, ngừng khiêu khích và tạo ra đối đầu trong khu vực, cũng như tiếp tục xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil: Một bước tiến gần hơn tới Bắc Kinh |
Đông Nam Á
* Mỹ, Philippines khởi động tập trận Balikatan: Ngày 11/4, Mỹ và Philippines đã khởi động cuộc tập trận tác chiến lớn nhất trong nhiều thập kỷ bao gồm diễn tập bắn đạn thật, tấn công đánh chìm thuyền bằng tên lửa. Cuộc tập trận, dự kiến kéo dài tới ngày 28/4, có sự góp mặt của Khoảng 12.200 binh sĩ Mỹ, 5.400 binh sĩ Philippines và 111 quân nhân Australia. Các khí tài như tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và tên lửa chống tăng Javelin được cho là cũng sẽ xuất hiện.
Phát biểu với báo giới, Đại tá Michael Logico, người phát ngôn của Philippines trong cuộc tập trận Balikatan, nói: “Chúng tôi không khiêu khích bất kỳ ai bằng cách đơn giản là tập trận. Đây thực sự là một hình thức răn đe. Răn đe là khi chúng ta ngăn cản các bên khác tấn công chúng ta.”
Ông cũng cho biết trong cuộc diễn tập bắn đạn thật lần đầu tiên hai nước triển khai ngoài khơi trong tháng Tư này, lực lượng Mỹ và Philippines sẽ đánh chìm một tàu mục tiêu dài 61m có sự phối hợp của phối hợp không kích và pháo kích. Hoạt động này diễn ra trong vùng lãnh hải ngoài khơi tỉnh Zambales phía Tây Philippines.
Trong một tin liên quan, ngày 10/4, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C. trước thềm cuộc gặp đầu tiên với Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng hai nước trong 7 năm qua, Ngoại trưởng Enrique Philippines Manalo cho biết cần thảo luận thêm về việc Mỹ có thể làm tại căn cứ quân sự của Philippines. Ông cho rằng cuộc gặp này sẽ “làm nổi bật quỹ đạo tích cực của quan hệ giữa Mỹ và Philippines, hiện đang diễn ra ở tất cả các cấp”. Quan chức này cũng kêu gọi Washington và Bắc Kinh tăng cường đối thoại và can dự. (AFP/AP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Philippines 'kề vai sát cánh', bắt đầu hành động lớn nhất trong 30 năm qua |
Nam Thái Bình Dương
* Trung Quốc nêu quan điểm về quan hệ với Australia: Ngày 11/4, trả lời câu hỏi liên quan tới đồng thuận giữa hai nước về tranh chấp liên quan nhập khẩu lúa mạch, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Canberra để đưa quan hệ giữa hai nước trở lại đúng lộ trình.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho hay Canberra đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh liên quan tranh chấp về lúa mạch của Australia. Theo đó, Australia sẽ dừng vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi Trung Quốc xem xét các mức thuế áp đặt đối với mặt hàng ngũ cốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia 'chốt hạ' đòn cấm cửa TikTok của Ngũ Nhãn, Trung Quốc lập tức hành động |
Đông Bắc Á
* Sau tập trận, 8 tàu chiến Trung Quốc vẫn hoạt động tại eo biển Đài Loan: Trong tuyên bố ngày 11/4, cơ quan phòng thủ Đài Loan (Trung Quốc) cho hay 8 tàu chiến Trung Quốc vẫn đang hoạt động trong vùng biển xung quanh hòn đảo này, một ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận quy mô lớn tại đây. Cơ quan này cũng nhấn mạnh họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Trước đó, ngày 8/4, Trung Quốc đã phát động tập trận quân sự kéo dài 3 ngày xung quanh đảo Đài Loan, mô phỏng các cuộc tấn công có mục tiêu và diễn tập phong tỏa khu vực này. Cơ quan phòng thủ Đài Loan lưu ý rằng họ đã phát hiện 12 tàu chiến và 91 máy bay của Trung Quốc xung quanh tại khu vực vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận nói trên, với 54 máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía Tây Nam và Đông Nam hòn đảo Đài Loan, mức kỷ lục về số vụ di chuyển qua ADIZ được ghi nhận trong một ngày kể từ tháng 10/2021. (AFP)
* Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao 2023: Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao với một số nội dung đáng chú ý sau.
Về xung đột Nga-Ukraine, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng sự kiện này là “biểu tượng” của sự kết thúc thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, buộc cộng đồng quốc tế phải đối mặt với một “bước ngoặt lịch sử”. Nhật Bản cũng thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là một “mối đe dọa”, “thách thức chiến lược lớn nhất” và cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các nước “Nam Bán cầu”.
Về Hàn Quốc, Sách Xanh nhấn mạnh quốc gia này là một “quốc gia láng giềng quan trọng” với Nhật Bản và không sử dụng cách diễn đạt trong ấn bản năm ngoái nói rằng mối quan hệ song phương đang “ở trong tình huống cực kỳ khó khăn”. Sự thay đổi này phản ánh động thái hướng tới hàn gắn rạn nứt trong quan hệ song phương sau đề xuất của Hàn Quốc, được công bố tháng Ba vừa qua, nhằm giải quyết tranh chấp lâu dài với Nhật Bản về vấn đề bồi thường lao động thời chiến.
Tài liệu này cũng nhấn mạnh “xu hướng hợp tác quốc tế” đang suy yếu trên toàn cầu dù đã được củng cố sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Đồng thời, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cũng cho rằng cần có sự hợp tác để chống lại các hành động quân sự của Nga và các vấn đề toàn cầu khác, trong đó có biến đổi khí hậu. (Kyodo)
* Trung Quốc chỉ trích Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản: Ngày 11/4, phát biểu sau khi Tokyo công bố tài liệu chiến lược cho rằng Bắc Kinh là mối đe dọa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản ngừng khiêu khích và thành lập liên minh đối lập”. (Reuters)
* Nhật Bản muốn điện đàm thượng đỉnh với Trung Quốc: Kyodo (Nhật Bản) ngày 11/4 đưa tin, trong cuộc gặp gần đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương về khả năng điện đàm giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Hayashi được cho là đã kêu gọi hai nước sớm tiến hành cuộc điện đàm trên. (Kyodo)
* Hàn Quốc thất vọng về phản ứng của Triều Tiên: Ngày 11/4, phát biểu liên quan đến việc Triều Tiên không trả lời các đường dây nóng liên lạc trong ngày thứ năm liên tiếp, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se nói: “Chính phủ rất lấy làm tiếc về thái độ đơn phương và vô trách nhiệm của miền Bắc. Chúng tôi cảnh báo mạnh mẽ rằng điều này sẽ chỉ khiến Triều Tiên tự cô lập và đối mặt với những tình huống khó khăn hơn”.
Ông cũng “cực lực” chỉ trích việc Bình Nhưỡng liên tục "sử dụng trái phép tài sản" của Seoul tại Khu công nghiệp Kaesong. Trước đó, các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên đã đăng tải các bức ảnh và phát đoạn video có hình ảnh nhiều xe buýt của Hàn Quốc đang hoạt động ở Bình Nhưỡng và Kaesong. Những chiếc xe buýt này được cho là được sử dụng để vận chuyển công nhân Triều Tiên trước khi khu công nghiệp chung nói trên bị đóng cửa vào năm 2016. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Dù quan hệ đã khác, Nhật Bản vẫn làm một điều khiến Hàn Quốc phật ý, Seoul trao cả công hàm phản đối |
Trung Á
* Ngoại trưởng Trung Quốc sắp công du Uzbekistan: Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nhận lời mời của Quyền Ngoại trưởng Uzbekistan Bakhtiyor Saidov, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương sẽ dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước láng giềng Afghanistan lần thứ tư tại Samarkand, Uzbekistan và thăm Uzbekistan từ ngày 12-13/4. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Á: Đem 'quà' gặp mặt, nhắc xung đột Nga-Ukraine, khẳng định ủng hộ |
Châu Âu
* Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu điện sang châu Âu: Tối ngày 10/4, phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko nói: “Chúng tôi đã nối lại xuất khẩu. Chúng tôi hy vọng đạt được khối lượng xuất khẩu như năm ngoái. Chúng tôi lên kế hoạch và sẽ đàm phán để tăng kim ngạch xuất khẩu điện vì nguồn dự trữ hiện nay cho phép chúng tôi làm điều đó”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc cung cấp điện trong nước vẫn là ưu tiên. Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cũng nhấn mạnh rằng quân đội Nga “đã không thành công trong việc phá hủy hệ thống năng lượng của chúng tôi”. (Reuters)
* Romania đặt mục tiêu mua máy bay chiến đấu F-35: Ngày 11/4, Hội đồng Quốc phòng tối cao Romania (CSAT) cho biết: “Quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân sẽ tiếp tục thông qua việc mua sắm các máy bay F-35 thế hệ mới nhất”. Cơ quan này đánh giá tiêm kích Mỹ “mạnh mẽ, đáng tin cậy, tương thích, linh hoạt và có khả năng tác chiến phòng không hiệu quả”, song không nêu rõ thời gian và số lượng F-35 Bucharest mua. Năm ngoái, Tổng thống Klaus Iohannis cho biết Romania đã cân nhắc mua F-35 do Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.
Động thái trên là một phần trong các hoạt động mua sắm khí tài quân sự mới đây của Romania. Tháng Ba, Bộ Quốc phòng Romania thông báo sẽ mua xe tăng Abram do General Dynamics (Mỹ) chế tạo. Tháng 12/2022, bộ này cũng đã ký thỏa thuận mua 7 hệ thống máy bay không người lái Watchkeeper X do công ty Elbit Systems (Israel) sản xuất.
Trước tình hình xung đột Ukraine, Romania, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% GDP lên 2,5% GDP. Romania có đường biên giới dài 650 km với Ukraine và là nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Từ năm ngoái, NATO đã bố trí một nhóm chiến đấu thường trực trên lãnh thổ nước này. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Tái thiết Ukraine: Kiev lên kế hoạch hội nhập thị trường EU, lập trung tâm lưu trữ khí đốt lớn, 'vấp' phản đối của nông dân Romania |
Trung Đông-Châu Phi
* Vụ Mỹ rò rỉ tài liệu mật: Ai Cập định cung cấp cho Nga 40.000 tên lửa: Ngày 10/4, The Washington Post (Mỹ) ngày 10/4 trích dẫn tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng cho biết tình báo nước này cáo buộc rằng Ai Cập vào đầu năm nay đã lên kế hoạch bí mật cung cấp cho Nga tới 40.000 tên lửa.
Theo đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi đã ra lệnh bí mật sản xuất và vận chuyển tên lửa để tránh rắc rối với phương Tây. Tài liệu cũng đề cập đến kế hoạch của Cairo nhằm cung cấp đạn pháo và thuốc súng cho Moscow. Tuy nhiên, báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Washington chưa thấy dấu hiệu của việc vận chuyển tên lửa tới Moscow đã diễn ra.
Ai Cập là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Trong nhiều thập kỷ, nước này đã nhận được từ Mỹ hơn 1 tỷ USD viện trợ an ninh/năm. (Sputnik)
* Nga nỗ lực nối lại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Ngày 10/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevut Cavusoglu cho hay ông cùng người đồng cấp Nga, Iran và Syria có thể tổ chức tham vấn vào đầu tháng Năm tới như một phần trong nỗ lực của xứ bạch dương làm trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa Ankara và Damascus.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc đàm phán tại Moscow vào tháng 12 năm ngoái. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi nội chiến Syria nổ ra. Nga là đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Moscow khuyến khích Damascus hòa giải với Ankara. Song để khôi phục quan hệ, Syria yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút toàn bộ quân đội. (TTXVN)
* Thủ tướng Nhật Bản sắp thăm châu Phi: Ngày 11/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết Thủ tướng nước này Kishida Fumio sẽ thăm Ai Cập, Ghana, Kenya và Mozambique vào cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm tới. Chuyến thăm sẽ diễn ra chỉ vài tuần trước khi Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). (Reuters)
| Nhật Bản 'xuống tay' cứng rắn, quyết cấm cửa mọi hoạt động thương mại với Triều Tiên Ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm thực ... |
| Nhật Bản: Hàng loạt trường học phải đóng cửa, vì sao? Nguyên nhân được cho là tỷ lệ sinh giảm mạnh. Theo thống kê mới nhất của chính phủ Nhật Bản, 450 trường ở Nhật Bản ... |
| Tổng thống Brazil chuẩn bị sang Trung Quốc, nói sẽ cố bán nhiều hàng hơn cho Bắc Kinh Ngày 10/4, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết, trong chuyến công du Trung Quốc tuần này, ông sẽ củng cố mối ... |
| Vụ rò rỉ tài liệu mật: Hàn Quốc bị đẩy vào tình thế khó xử, yêu cầu Mỹ làm rõ; Ukraine phải đổi kế hoạch quân sự? Truyền thông đưa tin, Hàn Quốc và Ukraine đã có những động thái ứng phó với vụ tài liệu quân sự mật của Mỹ bị ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: 106 binh sĩ Nga trở về trong cuộc trao đổi tù binh mới nhất với Ukraine Ngày 10/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 106 binh sĩ nước này đã được trở về trong cuộc trao đổi tù binh mới nhất ... |