Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón chính thức nhà lãnh đạo Pháp ở Bắc Kinh ngày 6/4. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Tổng thống Ukraine tin tưởng vào chiến thắng: Ngày 5/4, tại Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, chiến thắng của Ukraine sẽ là sự đảm bảo "tự do" cho Moldova, Gruzia và Belarus.
Bày tỏ tin tưởng vào chiến thắng của đất nước mình và kêu gọi không ngừng đoàn kết, ông Zelensky nhấn mạnh, khi Ukraine và các nước láng giềng được tự do, điều đó sẽ củng cố tự do và công lý trên toàn châu Âu.
Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi người dân Ba Lan tiếp tục ủng hộ Kiev, cho rằng, nếu không có một nước Ukraine độc lập thì Ba Lan cũng sẽ không độc lập.
Về phần mình, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi ông Zelensky là người hùng của thế giới tự do. (TTXVN)
* Nga tố Ukraine tìm cách can thiệp vào vệ tinh liên lạc dân sự của Moscow với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, coi “đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” và Moscow có quyền đáp trả theo cách thích hợp.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 đã đưa ra tuyên bố trên, lưu ý rằng, các nước phương Tây đang tích cực sử dụng tiềm năng cơ sở hạ tầng không gian dân sự để hỗ trợ cho hoạt động của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU), kể cả tiết lộ các địa điểm, tuyến đường di chuyển và hành động của quân đội Nga.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cuối năm ngoái cho biết hơn 500 vệ tinh của Mỹ và NATO đang phục vụ Kiev. Trong số này, hơn 70 vệ tinh là vệ tinh quân sự, số còn lại là dân sự. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Chiến lược 'né và đỡ' của Nga đối đầu ngang ngửa loạt đòn trừng phạt bất định từ phương Tây |
NATO
* Nga nói "thời điểm chín muồi để NATO rút lui": Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria nhận định, NATO đang cố gắng "biến thế giới thành một nơi nguy hiểm hơn nhằm ngăn chặn sự tồn tại của các trung tâm quyền lực thay thế có khả năng làm suy yếu quyền bá chủ của liên minh quân sự này".
Theo quan chức Nga, điều này càng khẳng định tham vọng của NATO muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
Bình luận về cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO hôm 5/4 nhằm đánh dấu kỷ niệm 74 năm thành lập liên minh quân sự, bà Zakharova cho rằng: "Có thể khẳng định chắc chắn rằng an ninh và NATO không tương thích với nhau. Về vấn đề này, chỉ một kết luận có thể đưa ra - ở tuổi 74, đã đến lúc liên minh này rút lui".
Về việc Phần Lan gia nhập NATO, người phát ngôn Nga tin rằng, thông qua động thái này, NATO đang cố gắng "chiếm đoạt toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu" và Helsinki đã trở thành "nạn nhân" của liên minh quân sự.
Theo bà Zakharova, chính phủ Phần Lan quyết định "từ bỏ vị thế trung lập lâu đời để đổi lấy việc biến mình thành khu vực tiền tuyến, đầu cầu ngăn chặn Nga ở Tây Bắc trong khi NATO không có ý định dừng lại". (TASS)
* NATO chuẩn bị tập trận phòng thủ tương hỗ quy mô lớn nhất ở Đức theo điều 5 Hiệp ước liên minh, Tham mưu trưởng Không quân Đức Ingo Gerhartz cho hay vào ngày 5/4.
Cuộc tập trận có tên gọi "Phòng không 2023" (Air Defender 2023), diễn ra từ ngày 12-23/6, có sự tham gia của 220 máy bay đến từ 24 nước với Mỹ đóng vai trò trung tâm, điều động khoảng 100 máy bay và khoảng 2.000 binh sĩ.
Lực lượng phụ trách không phận thuộc Vệ binh quốc gia Mỹ sẽ điều động nhân lực và máy bay từ 35 bang của Mỹ tới châu Âu nhằm diễn tập "kịch bản theo Điều 5 Hiệp ước NATO".
Theo vị tướng Đức, xét về mặt điều động lực lượng thì đây là đợt điều động lớn nhất kể từ khi NATO được thành lập cho tới nay. Cuộc tập trận sẽ không sử dụng đồng thời toàn bộ không phận Đức mà sẽ ở các vùng khác nhau theo trình tự luân phiên. (Air & Space Forces)
* Serbia chuẩn bị tập trận chung với NATO có tên "Sói bạch kim 23" từ ngày 16/5-30/6 ngay trên lãnh thổ của mình, theo thông báo của Bộ Quốc phòng nước này ngày 5/4.
Cuộc tập trận “Sói bạch kim” được tổ chức từ năm 2014 ở miền trung Serbia, tại căn cứ quân sự phía Nam. Mục đích cuộc tập trận là nhằm cải thiện sự tương tác tác chiến và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước đối tác ở cấp độ chiến thuật trong các hoạt động gìn giữ hoà bình. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Phần Lan chính thức vào NATO, Nga dọa tặng 'quà', Helsinki chưa đưa ra quyết định 'căng não' |
Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc
* Lãnh đạo Pháp-Trung Quốc hội đàm, ưu tiên vấn đề Ukraine: Ngày 6/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh.
Tại cuộc gặp, đề cập vấn đề Ukraine, Tổng thống Macron nói: "Hành động của Nga đã giáng đòn mạnh vào sự ổn định quốc tế. Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào ngài nhằm giúp Moscow tỉnh táo lại và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán".
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo kêu gọi tiến hành hòa đàm để giải quyết vấn đề Ukraine "càng sớm càng tốt", đồng thời tái khẳng định lập trường phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.
Theo Tổng thống Macron, cấu trúc an ninh của châu Âu không thể có được nếu Ukraine tiếp tục bị chiếm đóng và một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục vi phạm Hiến chương của tổ chức quốc tế này.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, cả Bắc Kinh và Paris đều kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh gây leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo ông Tập Cận Bình, châu Âu là một cực độc lập trong một thế giới đa cực và Trung Quốc ủng hộ quyền tự chủ chiến lược. (AFP, Reuters)
* Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Paris để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực lên tầm cao mới, theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna ngày 5/4.
Theo ông, Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm của Tổng thống Macron và sẵn sàng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, trao đổi văn hóa cấp cao và giao lưu nhân dân với Pháp, thúc đẩy đối thoại, hợp tác ở tất cả các cấp, các lĩnh vực trong năm 2024, khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Về phần mình, Ngoại trưởng Colonna cho biết, Pháp đánh giá quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở tầm nhìn chiến lược và lâu dài, đồng thời sẵn sàng làm sâu sắc hơn hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực và phối hợp ứng phó với các thách thức toàn cầu. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC thăm Trung Quốc: Chuyến thăm ‘kết nối lại’ |
Vấn đề Đài Loan
* Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại California vào ngày 5/4, trong đó gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Mỹ về sự ủng hộ cho hòn đảo này và kêu gọi "đoàn kết với nhau" để mạnh mẽ hơn.
Về phần mình, ông McCarthy đã gọi bà Thái Anh Văn là "người bạn tuyệt vời của nước Mỹ", bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ tìm ra cách hợp tác để thúc đẩy tự do kinh tế, dân chủ, hòa bình và ổn định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định, nước này "sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan" cũng như tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và công nghệ. (Reuters)
* Trung Quốc phản đối chuyến thăm Mỹ của bà Thái Anh Văn: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 6/4 đã đưa ra tuyên bố phản đối chuyến thăm "quá cảnh" của bà Thái Anh Văn tại Mỹ.
Tuyên bố cũng phản đối phía Mỹ có động thái vi phạm nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ và các quy định của ba thông cáo chung Trung-Mỹ, Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington "chấm dứt sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ cũng như việc tương tác chính thức với Đài Loan".
Người phát ngôn bộ trên còn khẳng định, quân đội Trung Quốc sẽ luôn cảnh giác cao độ và "kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên án cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, khẳng định sẽ “kiên quyết” đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền. (Reuters, THX)
* Trung Quốc tuần tra các tàu tại eo biển Đài Loan: Ngày 5/4, Cơ quan quản lý an toàn hàng hải Phúc Kiến của Trung Quốc đã khởi động một đợt tuần tra chung đặc biệt kéo dài ba ngày ở khu vực trung tâm và phía Bắc của eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc cho phép lên tàu.
Cơ quan an toàn hàng hải ở tỉnh miền Đông Nam Trung Quốc cho biết, hoạt động trên bao gồm "kiểm tra tại chỗ" đối với các tàu chở hàng trực tiếp và tàu xây dựng ở cả hai bên eo biển Đài Loan "nhằm đảm bảo an toàn cho việc điều hướng tàu, đảm bảo hoạt động an toàn và trật tự đối với các dự án then chốt trên biển”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhìn lại thế giới quý đầu năm 2023 |
Châu Âu
* Thủ tướng và Nội các Phần Lan từ chức: Theo đài truyền hình Yle của Phần Lan, ngày 6/4, Thủ tướng nước này Sanna Marin đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sauli Niinisto.
Chính phủ của Thủ tướng Marin từ chức sau thất bại của đảng Dân chủ Xã hội do bà lãnh đạo trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 2/4.
Ngày 5/4, bà Marin cũng đã thông báo kế hoạch từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội khi ban lãnh đạo mới của đảng được bầu.
Dự kiến, vào ngày 11/4, Quốc hội mới của Phần Lan sẽ họp để thành lập chính phủ. (TASS)
* Nga muốn xây dựng quan hệ với các quốc gia và không có ý định trở thành một quốc gia "cô lập", theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/4.
Theo nhà lãnh đạo, Nga hy vọng các đối tác sẽ "đáp ứng những nguyên tắc về công bằng và mang lại lợi ích cho nhau".
Tổng thống Putin cho hay, cách tiếp cận nêu trên đã được trình bày trong Khái niệm Chính sách đối ngoại sửa đổi của Nga, nhấn mạnh rằng, văn bản này phản ánh lợi ích quốc gia của Moscow trong một thế giới phức tạp và thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng, mối quan hệ với Mỹ "vốn phụ thuộc trực tiếp vào an ninh và ổn định toàn cầu, đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc”, dựa trên những cách tiếp cận khác nhau về cơ bản đối với việc hình thành trật tự thế giới đương đại.
Tuy nhiên, Nga luôn ủng hộ các mối quan hệ với Mỹ dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
NATO: Cột mốc mang tên Phần Lan |
Châu Á
* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ phát biểu tại Quốc hội Mỹ khi ông thăm Washington vào cuối tháng này, có khả năng sẽ nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, theo đài KBS đưa tin ngày 5/4.
Đây sẽ lần đầu tiên trong 10 năm qua, một Tổng thống Hàn Quốc có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ.
Cũng theo KBS, cùng ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật, cũng như hợp tác song phương Hàn-Mỹ và Hàn-Nhật tại cuộc họp về điều hành quốc gia trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh.
Theo nhà lãnh đạo, vấn đề sinh tồn nằm trong việc đoàn kết với các quốc gia có cùng tư tưởng, không những về lĩnh vực an ninh quân sự, mà còn ở mạng lưới cung cấp, hợp tác công nghệ, với trọng tâm là kinh tế.
Trong một tin liên quan, ngày 6/4, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Kim Gunn và người đồng cấp Mỹ Sung Kim đã gặp nhau tại Seoul để thảo luận về các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc gặp, hai bên đồng ý đáp trả nghiêm khắc bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng theo tư thế phòng thủ kết hợp mạnh mẽ giữa Seoul và Washington trong khi vẫn theo dõi sát sao khả năng Triều Tiên có thêm các hành động khiêu khích. (Yonhap)
* Campuchia-Trung Quốc kết thúc tập trận chung “Rồng Vàng 2023” lần thứ 5 tại Trung tâm huấn luyện Bộ Tư lệnh Hiến binh Hoàng gia tại tỉnh Kampong Chhnang của Campuchia.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết, cuộc tập trận đã tăng cường năng lực của quân đội hai nước, nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai quốc gia, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Theo ông Tea Banh, cuộc tập trận phản ánh rõ ràng cam kết của hai nước trong việc xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Campuchia chất lượng, trình độ và tiêu chuẩn cao trong kỷ nguyên mới.
Về phần mình, Phó Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Ngụy Văn Huy cho biết: “Cuộc tập trận này là cơ hội để thúc đẩy khái niệm 'phát triển hòa bình' giữa hai nước, cho thấy thiện chí và cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc thúc đẩy và bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực". (THX)
* Israel đột kích đền Al-Aqsa vào các ngày 4-5/4, ngay trước thềm lễ Quá hải của người Do Thái, và bắt giữ khoảng hơn 350 người, đồng thời khiến nhiều người bị thương.
Đáp trả lại động thái này, tên lửa từ Dải Gaza đã bắn về phía lãnh thổ Israel trong ngày 5/4 và rạng sáng 6/4.
Phía Palestine cảnh báo phía Israel không nên vượt qua “giới hạn đỏ” ở khu vực đền Al-Aqsa để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều yêu cầu Israel kiềm chế tình hình, tránh leo thang căng thẳng ở ngôi đền Al Aqsa.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab trong ngày 6/4 sẽ triệu tập các phiên họp riêng rẽ nhằm thảo luận về tình hình bạo lực tại ngôi đền Al Aqsa. (AFP, Reuters, Times of Israel)
TIN LIÊN QUAN | |
Rocket bắn vào Israel ngay giữa Lễ Vượt qua - 'Lời đáp' từ Dải Gaza sau vụ đột kích đền Al-Aqsa? |
Châu Phi
* Sudan trì hoãn ký kết thỏa thuận chính trị: Ngày 5/4, Liên minh Lực lượng Tự do và Thay đổi của Sudan tuyên bố, việc ký kết thỏa thuận thành lập một chính phủ dân sự của nước này và việc khởi động quá trình chuyển đổi mới hướng tới các cuộc bầu cử đã bị trì hoãn.
Tuyên bố nói rằng các cuộc thảo luận về việc tái cơ cấu quân đội đã đạt được tiến triển nhưng chưa kết thúc, dẫn đến việc ký kết bị trì hoãn, vốn được lên kế hoạch ban đầu vào ngày 1/4, trước khi được dời lại vào ngày 6/4. Tuyên bố không nói khi nào ngày ký kết mới sẽ được ấn định. (DW)
* Tổng thống Rwanda Paul Kagame tuyên bố ý định từ chức và chuyển giao quyền lực cho một nhà lãnh đạo mới sau 23 năm cầm quyền.
Gọi việc nghỉ hưu là "không thể tránh khỏi", ông đồng thời thông báo rằng, một kế hoạch kế nhiệm đang được đảng cầm quyền Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF) thảo luận.
Tổng thống Paul Kagame cho biết ông không quá quan tâm chọn người kế nhiệm, mà quan tâm đến việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới. (News beezer)
* Ai Cập-Cyprus nhất trí khởi động diễn đàn hợp tác chung nhằm củng cố và tăng cường quan hệ song phương, theo kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Cyprus Niko Christodoulides đang ở thăm Cairo.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tăng cường trao đổi thương mại song phương và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế.
Hai nhà lãnh đạo đồng thuận tăng cường phối hợp chặt chẽ ở cấp độ chính trị trong tất cả các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là việc đạt được an ninh và ổn định ở Đông Địa Trung Hải.
Ông El-Sisi cũng nhấn mạnh cam kết của tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc về các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác cũng như tôn trọng quyền chủ quyền và vùng biển của tất cả các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, hai tổng thống cũng thảo luận về các vấn đề khu vực như bầu cử và ổn định tình hình Libya cũng như những nỗ lực nhằm hướng tới một giải pháp cuối cùng vì mục tiêu đạt được hòa bình và thành lập nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế.
| Tổng thống Pháp công du Trung Quốc: Tiếng nói '2 trong 1' có đủ để 'xoay vần' cục diện? Chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần này còn có sự đồng hành của Chủ tịch EC. Liệu rằng sứ ... |
| Tin thế giới 5/4: Ông Trump lên tiếng sau phiên tòa lịch sử, Tổng thống Ukraine bất ngờ ‘xuất ngoại’? Nga phản đối tuyên bố của Đại sứ quán Pháp, cựu Tổng thống Mỹ hối hận một điều về Ukraine… là một số tin quốc ... |
| Điểm tin thế giới sáng 6/4: Iran có tân Đại sứ tại UAE, Ngoại trưởng Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ gặp lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 6/4. |
| Tình hình Ukraine: Nga nỗ lực chặn đạn uranium nghèo tới thực địa, ông Zelensky ‘hứa’ điều gì với Ba Lan? Trong chuyến thăm Warsaw, Tổng thống Ukraine cam kết giải quyết các bức xúc của nông dân Ba Lan về ngũ cốc miễn thuế nhập ... |
| Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: Khẳng định không được tự tách mình khỏi Bắc Kinh Ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Trung Quốc "đóng một vai trò lớn" trong việc tìm ra con đường dẫn tới hòa ... |