Giáo Hoàng đọc thông điệp kêu gọi hoà bình tại Vatican, đêm Giáng sinh 2023. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga tuyên bố bắn rơi 4 máy bay quân sự Ukraine: Ngày 25/12, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ 4 máy bay quân sự Ukraine trong 24 giờ qua, bao gồm 3 máy bay chiến đấu Su-27 và một máy bay ném bom chiến thuật Su-24 ở khu vực Zaporizhzhia và Dnipropetrovsk ở Đông Nam Ukraine.
Tuyên bố này của Moscow chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev đã bắn rơi 3 máy bay Su-34 của Nga.
Trước đó, ngày 22/12, Tổng thống Zelensky khẳng định các lực lượng nước này đã bắn hạ 3 máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 của Nga ở mặt trận phía Nam, đồng thời ca ngợi đây là một thành công trong cuộc xung đột kéo dài 22 tháng qua. (Sputnik)
Tin liên quan |
Tìm hiểu phong tục đón Giáng sinh độc lạ ở các nước |
*Ukraine phá hủy hàng loạt UAV của Nga ở miền Nam: Quân đội Ukraine ngày 25/12 cho biết Nga đã phóng 31 máy bay không người lái và 2 tên lửa vào Ukraine trong đêm, chủ yếu nhắm vào miền Nam, song lực lượng phòng không Ukraine đã tiêu diệt 28 máy bay không người lái và cả 2 tên lửa.
Trên trang mạng Telegram, Lực lượng Không quân Ukraine cho hay: "Kết quả của cuộc không chiến là lực lượng phòng không và không quân Ukraine đã phá hủy 28 máy bay không người lái tấn công Shahed ở các vùng Odesa, Kherson, Mykolaiv, Donetsk, Kirovohrad và Khmelnytskyi". (Reuters)
Châu Âu
*Thông điệp của Giáo hoàng đêm Giáng sinh: Trong thông điệp Giáng sinh tại Vatican, Giáo hoàng Francis nói: “Trái tim tôi đau buồn vì các nạn nhân của vụ tấn công ngày 7/10, và tôi nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp về việc giải phóng những người vẫn đang bị bắt làm con tin. Tôi nguyện cầu chấm dứt các hoạt động quân sự và kêu gọi một giải pháp cho tình hình nhân đạo tuyệt vọng bằng cách mở cửa cung cấp viện trợ nhân đạo”. Giáo hoàng cũng kêu gọi giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine “thông qua sự đối thoại chân thành và kiên trì giữa các bên, được duy trì bởi ý chí chính trị mạnh mẽ và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.
Người đứng đầu 1,3 tỷ người Công giáo trong bài phát biểu của mình cũng nhắc lại các cuộc xung đột ở Syria, Liban và Yemen và nói rằng ngài cầu nguyện “rằng sự ổn định chính trị và xã hội sẽ sớm đạt được”. Giáo hoàng cũng nguyện cầu “hòa bình cho Ukraine”, quốc gia lần đầu tiên tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25/12, chứ không phải ngày 7/1 truyền thống của Chính thống giáo được tổ chức ở Nga.
Giáo hoàng cũng kêu gọi hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, đề cập đến “các cuộc xung đột tại khu vực Sahel, vùng Sừng châu Phi và Sudan, cũng như Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan”, hy vọng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ được giải quyết "bằng cách thực hiện các tiến trình đối thoại và hòa giải có khả năng tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài". (AFP)
*Hỏa hoạn trên tàu phá băng hạt nhân của Nga: Sáng 25/12, truyền thông Nga dẫn lời lực lượng khẩn cấp địa phương cho biết đám cháy đã bùng phát trên tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga, có tên là Sevmorput, ở khu vực Murmansk.
Hãng tin RBC của Nga cho hay đám cháy đã được khống chế và không có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga cho biết tàu Sevmorput là tàu vận tải phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tố ngược Mỹ 'động tay' ở Biển Đỏ, Houthi đe dọa về 'chiến trường rực lửa' |
*Nga cáo buộc phương Tây tìm cách gây bất ổn Serbia: Ngày 25/12, Moscow đã cáo buộc các nước phương Tây kích động căng thẳng ở Serbia, quốc gia vùng Balkan hiện đang bị rúng động bởi các cuộc biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử sớm diễn ra hôm 17/12.
Phát biểu với hãng RIA Novosti, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đánh giá những nỗ lực của phương Tây hòng gây bất ổn tình hình ở Serbia thông qua việc sử dụng kỹ thuật đảo chính Maidan là rất rõ ràng. Hôm 24/12, những người ủng hộ liên minh đối lập "Serbia chống bạo lực" đã tập trung biểu tình gần tòa nhà Ủy ban bầu cử Serbia. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo 35 người biểu tình đã bị bắt giữ, trong khi 2 cảnh sát bị thương nặng.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố rằng các cuộc biểu tình của phe đối lập ở Belgrade và các bài phát biểu gây hấn là vô ích vì quyền lực ở nước này chỉ thay đổi khi bầu cử và sẽ không có sự thay đổi quyền lực bằng bạo lực. (AFP)
*Tổng thống Putin chủ trì Thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á-Âu: Ngày 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), gồm 5 quốc gia thuộc Liên Xô trước đây là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá kết quả nhiệm kỳ Chủ tịch liên minh của Nga và đánh giá các cơ hội hội nhập kinh tế hơn nữa giữa 5 quốc gia thành viên, nhất trí về các quyết định quan trọng và thông qua một loạt văn bản, trong đó có tuyên bố về sự phát triển của EAEU trong giai đoạn 2024-2030 cũng như trong hai thập kỷ tới. Lãnh đạo 5 nước cũng sẽ tham dự cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày giữa các nguyên thủ quốc gia của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). (TASS)
*Áo bắt giữ 3 đối tượng âm mưu tấn công ở châu Âu: Ngày 25/12, nhà chức trách Áo đã bắt giữ 3 đối tượng vì nghi ngờ liên quan đến một "mạng lưới Hồi giáo xuyên biên giới", trong bối cảnh cảnh sát ở thủ đô Vienna tăng cường kiểm soát để đảm bảo an ninh trong dịp Giáng sinh.
Đài truyền hình ORF của Áo đưa tin văn phòng công tố viên Vienna cho biết các nghi phạm "đã thảo luận về kế hoạch tấn công ở Vienna, Cologne và Madrid" nhưng "không có mối đe dọa ngay lập tức về một cuộc tấn công ở Vienna".
Cảnh sát Áo đã tăng cường kiểm tra và tuần tra, đặc biệt là xung quanh các nhà thờ, sự kiện tôn giáo và chợ Giáng sinh ở thủ đô Vienna, với lý do lo ngại an ninh ngày càng tăng trong bối cảnh có những lời kêu gọi tấn công khủng bố vào các sự kiện Kitô giáo trên khắp châu Âu. (Sputnik)
*Nga gia hạn lệnh cấm chuyển hàng bằng xe tải từ EU, Anh, Na Uy, Ukraine: Moscow đã gia hạn lệnh cấm các công ty từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Na Uy và Ukraine vận chuyển hàng hóa bằng xe tải vào lãnh thổ Nga.
Lệnh cấm này được đưa ra vào năm 2022 như một phản ứng đối của Nga đối với việc EU không cho phép xe tải mang biển số Nga và Belarus đi qua lãnh thổ.
Tuy nhiên, vẫn như trước đây, lệnh cấm sẽ không áp dụng cho những xe vận chuyển bưu phẩm, thư ngoại giao, viện trợ nhân đạo và "các phương tiện hỗ trợ kỹ thuật vận chuyển thiết bị và phương tiện thể thao đến các địa điểm thi đấu thể thao". (TASS)
*Ấn Độ-Nga tăng cường Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt: Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Ngoại trưởng S Jaishankar sẽ lên đường thăm Nga từ ngày 25-29/12.
Ngoại trưởng Jaishankar sẽ gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov để thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, ông sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Sergey Lavrov để thảo luận về các vấn đề song phương, đa phương và quốc tế.
Thông cáo báo chí nhấn mạnh: "Mối quan hệ đối tác Ấn Độ-Nga đã được thử thách theo thời gian vẫn ổn định và kiên cường, đồng thời tiếp tục được thể hiện bằng tinh thần của Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền". (Indian Times)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Trung Quốc lại tố Philippines "cấu kết" với nước ở Biển Đông: Ngày 25/12, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại cáo buộc Philippines liên tục xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông, phát tán thông tin sai lệch và cấu kết với các lực lượng nước ngoài. Tờ People Daily cho rằng Philippines đã dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để liên tục khiêu khích Trung Quốc, coi hành vi "cực kỳ nguy hiểm" như thế gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực.
Hiện Bộ Ngoại giao Philippines và lực lượng đặc nhiệm quốc gia xử lý vấn đề Biển Đông chưa phản hồi các yêu cầu bình luận về cáo buộc trên của Trung Quốc. (Reuters)
*Triều Tiên sắp triệu tập họp hội nghị toàn thể: Ngày 25/12, Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này sẽ triệu tập phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII vào cuối tháng 12 để xem xét các chính sách nhà nước năm nay và đặt ra các mục tiêu chính sách cho năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ đưa ra thông điệp chống Mỹ và Hàn Quốc và các biện pháp nhằm tăng cường năng lực quân sự trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường đoàn kết với các quốc gia chống lại Mỹ và đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc và hợp tác quân sự với Nga sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Putin vào tháng 9.
Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ Bình Nhưỡng đã cung cấp pháo và đạn dược cho Moscow để sử dụng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đổi lại, Triều Tiên có thể đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Nga để phóng vệ tinh do thám quân sự. (AFP)
*Trung Quốc phóng thành công 4 vệ tinh khí tượng: Ngày 25/12, Trung Quốc đã phóng thành công 4 vệ tinh khí tượng vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở miền Tây Bắc Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Kuaizhou-1A được phóng đi từ trung tâm trên vào lúc 9 giờ sáng 25/12 (theo giờ Bắc Kinh) và nhanh chóng đưa các vệ tinh khí tượng vào quỹ đạo định sẵn.
Theo kế hoạch, các vệ tinh này sẽ cung cấp các dịch vụ về dữ liệu khí tượng thương mại. (THX)
*Nhân viên tập đoàn Vivo của Trung Quốc bị bắt ở Ấn Độ: Ngày 25/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thông báo, nước này sẽ cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ lãnh sự cho hai nhân viên Trung Quốc của nhà sản xuất điện thoại thông minh Vivo bị chính quyền Ấn Độ bắt giữ, đồng thời kêu gọi Ấn Độ không phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.
Tuần trước, cơ quan chống tội phạm tài chính của Ấn Độ đã bắt giữ hai nhân viên cấp cao của chi nhánh Vivo tại Ấn Độ, động thái khiến công ty Trung Quốc tuyên bố sẽ khiếu kiện.
Một người liên quan trực tiếp đến vụ việc yêu cầu giấu tên nói với hãng Reuters rằng cả 2 nhân viên này đã được đưa đến tòa án Delhi hôm 23/12 và bị đưa đến nơi giam giữ của cơ quan thực thi. Theo nguồn tin này, 2 nhân viên của Vivo sẽ ra hầu tòa vào ngày 26/12. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
*Quân đội Israel tấn công sâu vào Dải Gaza: Trong tuyên bố ngày 25/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết các lực lượng nước này đang tiến sâu hơn vào Dải Gaza và sẽ chiến đấu cho đến khi “chiến thắng hoàn toàn” trước Hamas.
Đề cập đến việc 15 binh sĩ Israel được công bố thiệt mạng vào cuối tuần qua, ông Netanyahu thừa nhận cái giá của cuộc xung đột này là rất đắt.
Cùng ngày, một người phát ngôn quân đội Israel tuyên bố các lực lượng nước này đã tiêu diệt khoảng 8.000 tay súng Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza. Người phát ngôn lưu ý con số này được tổng hợp từ báo cáo về các cuộc tấn công có mục tiêu và thông kê trên chiến trường cũng như việc thẩm vấn những người bị bắt.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho biết ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào cuối ngày 24/12 nhằm vào một khu trại tị nạn. Trong khi đó, Quân đội Israel cho biết đã tìm thấy 5 thi thể con tin trong đường hầm ở Gaza. (Anadolu)
*Tên lửa Mỹ phát nổ ở Biển Đỏ: Người phát ngôn của lực lượng Houthi ở Yemen, Mohammed Abdul-Salam, ngày 25/12 cho biết một tên lửa phóng từ tàu chiến Mỹ nhắm vào lực lượng hải quân Yemen ở Biển Đỏ, đã phát nổ gần một tàu thuộc sở hữu của Gabon.
Theo ông Abdul-Salam, con tàu Gabon này khởi hành từ Nga, đồng thời lưu ý rằng Biển Đỏ sẽ trở thành một chiến trường rực lửa nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục chính sách chèn ép. Trước đó, hôm 20/12, thủ lĩnh Houthi, ông Abdel-Malek al-Houthi, cảnh báo rằng nhóm này sẽ không ngần ngại tấn công các tàu chiến Mỹ nếu bị Washington nhắm mục tiêu trước. Mỹ đã tuyên bố thành lập một lực lượng liên quân đa quốc gia nhằm chống lại các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột ở Dải Gaza: Israel thừa nhận 'cái giá rất đắt', tính đổi ý liên quan Hamas; Hé lộ đề xuất của Ai Cập |
*Ai Cập đề xuất thỏa thuận ngừng bắn 14 ngày ở Gaza: Ngày 25/12 Ai Cập đã đưa ra một đề xuất mới về thỏa thuận trao đổi con tin tại Dải Gaza, theo đó Hamas sẽ thả 40 người Israel bị giam giữ để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 14 ngày. Theo đề xuất của Cairo, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sẽ tạm dừng mọi hoạt động quân sự và tình báo ở Dải Gaza trong 2 tuần để đổi lại việc thả 40 con tin.
Sau khi đề xuất của Ai Cập được công bố, một nguồn tin của Israel xác nhận rằng một số đề xuất là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Tel-Aviv đánh giá "sáng kiến của Ai Cập có thể dẫn đến các cuộc đàm phán". (The Nation)
*Iran bác cáo buộc tấn công tàu có thuỷ thủ Việt Nam trên Ấn Độ Dương: Ngày 25/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran gọi tuyên bố của Mỹ rằng Tehran đã tấn công một tàu chở hóa chất gần Ấn Độ là "vô căn cứ".
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc cho hay: "Tàu Chem Pluto, một tàu chở hóa chất mang cờ Liberia, do Nhật Bản sở hữu và do Hà Lan vận hành, đã bị tấn công vào khoảng 10h (giờ địa phương) ngày 23/12 ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển Ấn Độ 200 hải lý, bởi một máy bay không người lái từ Iran".
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ (ICG) ngày 24/12 ra tuyên bố chính thức cho biết tàu MV Chem Pluto, chở 20 thủy thủ Ấn Độ và 1 thủy thủ Việt Nam đã bị một máy bay không người lái (UAV) tấn công và bốc cháy khi đang trên đường tới Ấn Độ. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt ngay sau đó. Hiện tàu và các thủy thủ đã được đảm bảo an toàn. (AFP)
*16 người thiệt mạng trong vụ đụng độ sắc tộc ở Nigeria: Quân đội Nigeria thông báo 16 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Bắc miền Trung Nigeria, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân.
Vụ tấn công xảy ra vào khoảng nửa đêm 23/12 tại làng Mushu ở bang Plateau, Nigeria. Khu vực này nằm trên ranh giới phân chia giữa miền Bắc, chủ yếu là người Hồi giáo mưu sinh bằng nghề chăn nuôi du mục, và miền Nam, nơi có lượng người theo đạo Thiên chúa là nông dân chiếm đa số. Căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã diễn ra trong nhiều năm ở khu vực này. Lực lượng an ninh đã được triển khai để ngăn chặn đụng độ tái diễn sau vụ việc trên.
Thống đốc bang Plateau Caleb Mutfwang lên án vụ tấn công mới nhất là "man rợ, tàn bạo và không đáng có" đồng thời cam kết đưa thủ phạm ra trước công lý. (Reuters)
*Israel xem xét trục xuất các thủ lĩnh Hamas: Giới lãnh đạo an ninh và chính trị Israel ngày 25/12 tuyên bố đang cân nhắc phương án “không giết” các thủ lĩnh Hamas ở Gaza là Yahya Sinwar và Muhammad Deif, mà trục xuất những người này sang Qatar hoặc một quốc gia khác.
Động thái này là một giải pháp tổng thể bao gồm việc thả các con tin bị giam giữ tại Gaza để chấm dứt cuộc chiến của Israel chống lại phong trào Hamas. Các quan chức Israel cho biết, đây là một lựa chọn mang tính lâu dài và không gây tổn hại đến mục tiêu do nước này đề ra là loại bỏ năng lực chỉ huy và quân sự của Hamas. Việc trục xuất thủ lĩnh Hamas ra nước ngoài không mâu thuẫn với các mục tiêu chiến tranh của Israel. (Times of Israel)
*Cháy lớn tại Nam Phi đêm Giáng sinh: Vụ cháy lớn vào đêm Giáng sinh tại một khu định cư ở thủ đô Cape Town của Nam Phi đã khiến khoảng 400 người mất nhà cửa. Người phát ngôn của Cơ quan Cứu hỏa và cứu hộ Thành phố Cape Town Jermain Carelse cho biết nhiều nguồn lực chữa cháy đã được triển khai, song do gió mạnh, ngọn lửa bùng cháy trong nhiều giờ khiến lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn.
Sáng 25/12, Cơ quan Quản lý Rủi ro Thiên tai (DRM) đã tiến hành đánh giá về vụ cháy, theo đó DRM cho biết 80 công trình đã bị phá hủy và khoảng 400 người bị ảnh hưởng. Lực lượng quan chức năng và các tổ chức nhân đạo cũng có mặt tại địa phương để hỗ trợ người dân sau thảm họa này. (CNN)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Cuba và Nga nối lại tuyến bay thẳng: Hãng hàng không Rossiya của Nga vừa nối lại đường bay thẳng giữa Moscow và La Habana, vốn bị gián đoạn từ tháng 3/2022. Các chuyến bay nối thủ đô của Nga và Cuba sẽ được khai thác với tần suất hai chuyến/tuần (Thứ Tư và Chủ Nhật). Hãng Rossiya cũng có kế hoạch bổ sung thêm lịch trình bay vào thứ Bảy hàng tuần trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Phía Cuba cho biết thị trường Nga trong nhiều năm trở lại đây đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch Cuba, và lượng du khách Nga tới đảo quốc Caribe năm nay dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 182 nghìn lượt. Cuba đang nỗ lực đàm phán với các đối tác để thiết lập thêm đường bay thẳng từ Saint Petersburg đến La Habana và các điểm du lịch phù hợp thị hiếu của du khách Nga như Varadero và Cayo Coco.
Đại sứ Nga tại Cuba Koronelli nêu bật nhu cầu của người dân quốc gia Á-Âu tới nghỉ dưỡng tại Cuba và bày tỏ tin tưởng dòng khách du lịch Nga tới Cuba sẽ ngày càng tăng mạnh cùng với nhiều tuyến đường hàng không thuận tiện. (TTXVN)
| Mỹ: Hàng nghìn 'ông già Noel' tham gia lướt sóng trên bãi biển và gây quỹ từ thiện Ngày 24/12, nhiều ông già Noel đã xuất hiện tại bãi biển Cocoa nổi tiếng ở bang Florida (Đông Nam nước Mỹ. Họ tới đây ... |
| Xung đột Israel-Hamas: Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết then chốt về tình hình Dải Gaza Cùng lúc đó, Israel đang mở rộng chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza, tăng cường lực lượng ở Khan Younis và đồng yêu cầu ... |
| Israel-Hamas phản ứng thế nào về nghị quyết của Liên hợp quốc Cùng lúc đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng chiến dịch của Israel đã gây trở ngại cho hoạt động nhân ... |
| Giáo hoàng Francis kêu gọi 'những người anh em' Nga quay lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen Giáo hoàng Francis bày tỏ: “Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các cơ quan chức năng ở Liên bang Nga, thiết lập ... |
| ‘Đòn’ mới giáng vào chuỗi cung ứng thế giới, khủng hoảng trên Biển Đỏ gia tăng rủi ro toàn cầu Theo các chuyên gia kinh tế, vụ việc các tàu container bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên khu vực Biển Đỏ có ... |