Người dân Singapore đeo khẩu trang phòng dịch ở nơi công cộng. (Nguồn: Strait Times) |
Cập nhật tình hình Covid-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 16/7, số người mắc Covid-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt mốc 200.000, trong đó 5.732 người tử vong. Trong ngày 16/7, ASEAN ghi nhận 4.328 ca mắc tại sáu quốc gia và 105 ca tử vong ở hai quốc gia.
Với 2.498 ca mắc trong ngày 16/7, Philippines chứng kiến số ca mắc tăng vọt so với các ngày trước đó. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn một tuần qua.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã kéo dài một phần các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila thêm hai tuần nữa, đồng thời cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp phòng dịch siết chặt hơn nếu số ca nhiễm và tử vong mới không giảm.
Trong tuần này, Philippines đã ghi nhận có số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh sau khi số ca nhiễm tăng gấp 3 lần kể từ khi nước này lới lỏng lệnh phong tỏa vào ngày 1/6 nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại và hoạt động thương mại.
Bộ Y tế Indonesia ngày 16/7 ghi nhận 1.574 ca Covid-19 (cao thứ hai ASEAN chỉ sau Philippines), nâng tổng số ca nhiễm lên 81.668 ca. Ngoài ra còn có 76 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 3.873 ca. Trong ngày này cũng đã có thêm 1.295 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số người bình phục lên 40.345 người.
Số ca mắc ở Singapore vẫn duy trì ở mức ba con số (238 ca). Các nước còn lại có số ca mắc trong ngày 16/7 là Thái Lan (4 ca), Malaysia (3 ca) và Campuchia (1 ca).
Tại Việt Nam, theo Bản tin sáng ngày 17/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay đã 92 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ có cán bộ y tế, trang thiết bị y tế cần thiết trên chuyến bay đưa 219 người Việt là quản lý và công nhân tại Guinea Xích Đạo về nước tới đây.
(TGVN/TTXVN)
RCEP có thể là sự thúc đẩy mới cho phát triển khu vực
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một khi được hiện thực hóa sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và đóng vai trò là động lực mới cho sự phát triển khu vực.
Theo ông Seang Thay, Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia, một khi RCEP được ký kết, niềm tin vào khuôn khổ khu vực sẽ được củng cố hơn nữa ở mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế và chính trị.
"RCEP sẽ là FTA lớn nhất thế giới về mặt dân số. Nó sẽ là một động lực để tăng tốc khối lượng thương mại giữa các quốc gia thành viên và sẽ giúp xây dựng lại các nền kinh tế trong khu vực trong thời kỳ hậu Covid-19.” – ông Seang Thay cho biết.
RCEP chiếm 45% dân số thế giới, 40% thương mại toàn cầu và khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
(Tân Hoa xã)
Cảnh sát Myanmar thu giữ lượng ma tuý và tiền chất lớn nhất lịch sử Đông Nam Á hồi tháng 4 năm nay, với 17,5 tấn ma tuý đá và 35,5 tấn tiền chất để sản xuất ma tuý tại bang Shan. (Nguồn: Reuters) |
Đông Nam Á: điểm nóng ma túy toàn cầu
Từ cách đây rất lâu, khu vực bao phía bắc Thái Lan, tây Lào và đông Myanmar đã là vùng đất trồng và thu hoạch nhiều thuốc phiện nhất thế giới. Khu vực này được gọi là Tam giác Vàng.
Bất chấp đại dịch Covid-19, việc sản xuất và buôn bán ma tuý vẫn diễn ra trên quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Á. Tam giác Vàng giờ đây là trung tâm bào chế ma tuý của thế giới. Và giờ đây khi ma tuý tổng hợp lên ngôi, Tam giác Vàng cũng đáp ứng nhu cầu thị trường và chuyển sang sản xuất loại hàng cấm này với quy mô lớn hơn bao giờ hết.
Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá Tam giác Vàng hiện là đầu mối sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Ước tính hầu hết lượng ma tuý đá trên thị trường trị giá 40 tỷ USD mỗi năm tại khu vực các nước vùng hạ lưu sông Mekong được sản xuất và phân phối từ khu vực Tam giác Vàng. UNODC ước tính, khu vực Tam giác Vàng cung cấp phần lớn thuốc lắc cho các nước Đông Nam Á, có giá trị từ 30-60 tỷ USD mỗi năm.
"Trong khi thế giới đang tập trung vào đại dịch Covid-19, tất cả dấu hiệu cho thấy việc sản xuất và buôn bán ma tuý tổng hợp cùng hoá chất vẫn diễn ra ở mức kỷ lục tại khu vực", ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC ở Đông Nam Á, nhận định.
(Channel News Asia)
Hoạt động đầu tư bất động sản ở châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng đáng kể
Theo báo cáo của JLL, tác động của đại dịch Covid-19 lên thị trường bất động sản trong quý II năm 2020 nặng nề hơn so với quý I, khiến hầu hết khối lượng đầu tư và giá cho thuê các loại tài sản thương mại lớn bị giảm.
Theo đó, khối lượng đầu tư bất động sản nửa đầu năm ở CATBD giảm 32% so với năm trước, hoạt động quý II giảm 39% so với năm ngoái, còn quý I giảm 26%.
Theo ông Stuart Crow thuộc văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của JLL, sự suy giảm mạnh trong hoạt động giao dịch bất động sản trong quý II phản ánh rõ sự thiếu sẵn sàng của người bán và sự không chắc chắn chung xung quanh niềm tin về sự phục hồi của thị trường. Thanh khoản vẫn ở mức rất cao và ông Crow hy vọng hoạt động giao dịch sẽ sẵn sàng tăng trở lại trong nửa sau của năm 2020, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
(Property Funds World)
| Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình tại khu vực ASEAN tăng cường hợp tác ứng phó với dịch Covid-19 TGVN. Ngày 16/7, Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hoà bình ASEAN (APCN) tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề "Tăng cường ... |
| Phát biểu mới nhất của hai Ngoại trưởng ASEAN thể hiện quan điểm gì về tranh chấp tại Biển Đông? TGVN. Ngày 16/7, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định nước này nhất quán lập trường rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm ... |
| Hội nghị SOM ASEAN-Ấn Độ lần 22 theo hình thức trực tuyến TGVN. Ngày 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã tham dự Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN-Ấn ... |