Tin tức ASEAN buổi sáng 23/12: Covid-19 “gõ cửa”, các nước hối hả chống dịch. |
Dịch Covid-19
Thái Lan ghi nhận thêm 427 ca mắc Covid-19
Ngày 22/12, Thái Lan đã ghi nhận thêm 427 ca mắc Covid-19, trong đó có 397 lao động nhập cư, 14 người trong khu cách ly và 16 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số các ca Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 5.716 người.
Liên quan đến sự bùng phát của ổ dịch Covid-19 tại một khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon giáp với Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã giao cho Bộ Y tế chuẩn bị một đợt phong tỏa mới trong trường hợp dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ngày 22/12, Thủ tướng Prayut cho biết ông muốn dành 7 ngày đánh giá tình hình Covid-19 để quyết định xem các sự kiện đếm ngược chào đón Năm Mới cũng như Ngày Thiếu nhi có được tổ chức hay không. Ông Prayut đề nghị công chúng không hoảng loạn và hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, nhấn mạnh Bộ Y tế đã đảm bảo tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) cho biết Bộ Y tế sẽ trình đề xuất tại cuộc họp tiếp theo với Thủ tướng.
Trong khi đó, Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin nói rằng thông tin tổng hợp trong những ngày qua về đợt bùng phát ở Samut Sakhon vẫn không đủ để dự đoán tình hình trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ước tính, khoảng 1.000 người buôn bán hải sản từ 22 tỉnh thường xuyên đến khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon.
(Bangkok Post)
Campuchia báo động cao ở biên giới với Thái Lan, thiết lập nhiều trại cách ly
Ngày 22/12, Chính phủ Campuchia đã ban bố cảnh báo cao ở các cửa khẩu biên giới với Thái Lan, thiết lập nhiều trại cách ly tại đây nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 từ láng giềng.
Hôm 21/12, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng chỉ đạo các tỉnh giáp biên với Thái Lan phải thực thi nghiêm ngặt biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, sau khi xuất hiện đợt bùng phát dịch mới tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan với hơn 800 ca mắc.
Theo đó, Chính quyền các tỉnh vùng biên của Campuchia gồm Preah Vihear, Oddar Meanchey, Banteay Meanchey, Battambang, Pailin, Pursat và Koh Kong đã áp dụng những biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những lao động di cư Campuchia từ Thái Lan trở về nước.
Ngày 22/12, đại diện của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Campuchia đã có mặt tại các đồn biên phòng của 7 tỉnh nói trên sau khi đợt bùng phát dịch tại Thái Lan làm ảnh hưởng đến kế hoạch hồi hương hàng trăm lao động Campuchia. Giám đốc IOM Campuchia Kristin Parco cho biết các nhân viên IOM đang phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm và vật tư/thiết bị vệ sinh phòng dịch cho các lao động Campuchia trong thời gian cách ly bắt buộc.
Ngoài ra, khoảng 543 lao động người Campuchia đã được đưa đi cách ly 14 ngày tại 3 cửa khẩu biên giới chính với Thái Lan gồm O’Smach, Doung và Poipet. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Banteay Meanchey, ông Le Chansangvath cho biết đã có 310 lao động Campuchia về nước qua cửa khẩu quốc tế Poipet và đều được đưa đi cách ly, trong đó có 46 người được xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trong thông cáo ngày 21/12, Bộ trưởng Lao động Campuchia Ith Samheng cho biết do tình hình dịch Covid-19, tất cả các doanh nghiệp tuyển mộ lao động phải ngừng vô thời hạn việc đưa người đi Thái Lan cho tới khi bộ chủ quản có thông báo mới.
(Phnom Penh Post/Khmer Times)
Singapore sẽ từ chối hành khách New South Wales (Australia) và Anh nhập cảnh
Thông báo của Bộ Y tế Singapore cho biết từ 23h59 ngày 23/12, những du khách ngắn hạn đã được cấp thẻ du lịch hàng không có lịch sử du lịch đến New South Wales (Autralia) trong vòng 14 ngày cuối cùng trước khi khởi hành đến Singapore sẽ không được phép nhập cảnh nước này.
Ngoài ra, tất cả những người có thẻ dài hạn và du lịch ngắn hạn có lịch sử đến Vương quốc Anh trong vòng 14 ngày qua cũng sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh qua Singapore.
Theo Bộ Y tế Singapore, quy định này cũng sẽ áp dụng với tất cả những người đã được chấp thuận trước khi nhập cảnh nước này. Các công dân Singapore từ Anh trở về sẽ phải tiến hành xét nghiệm PCR Covid-19 ngay khi đến sân bay Singapore và cách ly 14 ngày tại nhà.
Đối với người Singapore, người có thẻ dài hạn nhập cảnh vào Singapore có lịch sử đến New South Wales trong 14 ngày cuối cùng trước khi khởi hành đến Singapore đều phải cách ly 7 ngày tại nơi cư trú. Những người này cũng được yêu cầu xét nghiệm PCR Covid-19 trước khi kết thúc cách ly.
Bộ Y tế Singapore cho hay lực lượng đặc nhiệm liên bộ đối phó dịch Covid-19 của nước này đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình toàn cầu, trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới đã được thắt chặt do tình hình xấu đi ở Anh và số lượng gia tăng các ca mắc Covid-19 ở New South Wales.
(The Strait Times)
Singapore sẽ từ chối nhập cảnh đối với công dân New South Wales (Australia) và Anh sau ngày 23/12. (Nguồn: Bloomberg) |
Vaccine Covid-19
Thủ tướng Malaysia sẵn sàng là người đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19
Ngày 22/12, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết sẵn sàng trở thành người đầu tiên tại Malaysia tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Thủ tướng Muhyiddin tiết lộ chính phủ Malaysia vừa ký hợp đồng mua 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca. Dự kiến, số vaccine này sẽ đến Malaysia tháng 2/2021. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, người già, người có bệnh nền… sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Cũng theo ông Muhyiddin, quốc gia Đông Nam Á với gần 32 triệu dân này cũng đang thương thảo với các hãng bào chế vaccine khác để có đủ vaccine cho khoảng 80% người dân.
(Reuters)
Philippines mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 Novavax của Ấn Độ
Ngày 21/12, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết nước này đã được đảm bảo 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Novavax do Ấn Độ sản xuất.
Động thái này sẽ thúc đẩy nỗ lực của chính phủ bảo đảm cung cấp vaccine cho hơn 100 triệu người dân quốc gia này.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh vaccine Novavax dự kiến có thể sẵn sàng vào tháng 7/2021. Ấn Độ đảm bảo cung cấp 30 triệu liều vaccine Covid-19 Novavax cho Philippines mà có thể không cần ứng trước tiền mặt. Thỏa thuận về vaccine có thể được ký trước cuối năm, dựa trên thông cáo báo chí của Viện Nghiên cứu Serum của Ấn Độ (SII).
Ngoài vaccine của Ấn Độ, Philippines cũng có kế hoạch mua 25 triệu liều vaccine Covid-19 từ Công ty dược Sinovac của Trung Quốc với hạn giao hàng vào tháng 3/2021.
(Bộ Ngoại giao Philippines)
Nội trị Campuchia
Campuchia thông qua Dự luật công trái nhà nước và chi tiêu ngân sách năm 2021
Tại kỳ họp thứ 6 ngày 21/12, Thượng viện Campuchia đã thông qua Dự luật Công trái nhà nước nhằm, cho phép chính phủ nước này chuẩn bị phát hành trái phiếu ra thị trường vốn, huy động vốn từ công chúng phục vụ cho các dự án phát triển quốc gia.
Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Campuchia sẽ ban hành Luật Công trái nhà nước vào năm 2021. Tổng Giám đốc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Campuchia Sou Socheat cho biết ông hy vọng Công trái nhà nước sẽ sớm được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Campuchia (CSX). Theo ông, Công trái nhà nước Campuchia có thể là công cụ giao dịch bổ sung cho thị trường, như ở nhiều nước láng giềng có hoạt động giao dịch trái phiếu chính phủ khá mạnh.
Cũng trong ngày 21/12, Thượng viện Campuchia đã phê chuẩn dự luật ngân sách quốc gia 2021 trị giá 7,62 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với năm 2020 trong thời điểm nền kinh tế Campuchia đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.
Dự luật ngân sách quốc gia 2021 gồm 6 chương, 15 điều, được Quốc hội Campuchia thông qua ngày 25/11 và được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng ngày 23/10. Dự thảo ngân sách 2021 giảm khoảng 7% so với ngân sách năm 2020 (hơn 8,2 tỷ USD), bao gồm hơn 4,36 tỷ USD cho chi tiêu thông thường và 3,26 tỷ USD chi phí tài sản cố định.
Trong Dự thảo ngân sách trên, 493,04 triệu USD được phân bổ cho chi phí quản lý hành chính; ngân sách quốc phòng là 641,46 triệu USD; Bộ Nội vụ và lĩnh vực an ninh công cộng nhận hơn 425,46 triệu USD. Phần còn lại được chi cho phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế, cứu trợ khẩn cấp, chi phí phát sinh và trả nợ nước ngoài.
Dự luật ngân sách quốc gia 2021 sẽ được gửi tới Hội đồng Hiến pháp Campuchia xem xét lần chót trước khi trình lên Quốc vương Norodom Sihamoni ký ban hành luật.
Thượng nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền Sok Eysan đánh giá nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm, cũng như chương trình xóa đói giảm nghèo của Campuchia không đạt kết quả như mong đợi trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai. Do đó, ông rất ủng hộ những sáng kiến nhằm khôi phục nền kinh tế đất nước.
Đầu tháng 12 này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo trung hạn về kinh tế Campuchia, nhận định kinh tế nước này sẽ giảm 4% trong năm nay. Trước đó, ADB nhận định kinh tế Campuchia giảm 5,4% do tác động của dịch Covid-19.
(Khmer Times)
Nội các Indonesia
Indonesia thay đổi nội các
Ngày 22/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo sẽ thay thế 6 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Du lịch.
Tổng thống Widodo cho biết ông Budi Gunadi Sadikin sẽ thay thế ông Terawan Agus Putranto làm Bộ trưởng Y tế Indonesia. Ông Sadikin từng làm trong lĩnh vực ngân hàng và là người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm phục hồi kinh tế của Indonesia. Các vị trí sẽ thay đổi khác thuộc Bộ Nghề cá, Bộ Các vấn đề xã hội và Bộ Các vấn đề xã hội tôn giáo.
Dự kiến 6 bộ trưởng mới sẽ nhậm chức vào ngày 23/12.
(Reuters)
Bầu cử địa phương Thái Lan
Thái Lan: Phong trào Cấp tiến thất bại trong bầu cử địa phương
Lãnh đạo Phong trào Cấp tiến Thanathorn Juangroongruangkit đã xin lỗi cử tri sau khi ứng viên nhóm này thất bại trong các cuộc bầu cử người đứng đầu Cơ quan Hành chính cấp tỉnh (PAO) của Thái Lan hôm 20/12.
Trên Facebook Live ngày 21/12, ông Thanathorn thừa nhận nhóm đã bị đánh bại vì không nỗ lực đầy đủ để thu hút đủ số phiếu bầu nhằm giành chiến thắng. Ông nhấn mạnh thêm rằng dù không giành được ghế Chủ tịch PAO nào, song khoảng 2,67 triệu người đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên của nhóm, giúp Phong trào Cấp tiến (trước đây được gọi là đảng Tương lai Mới-FFP) giành được 55 ghế hội đồng PAO ở 18 tỉnh.
Theo ông Thanathorn, số người ủng hộ Phong trào Cấp tiến trong các cuộc bầu cử PAO không giảm khi so sánh với số phiếu mà FFP nhận trong tổng tuyển cử năm ngoái. FFP đã giành được 3.183.163 phiếu bầu, tương đương 16,2% số cử tri đủ điều kiện trong tổng tuyển cử năm 2019 và 2.670.798 phiếu bầu, tương đương 17% số cử tri đủ điều kiện trong các cuộc bầu cử PAO hôm 20/12.
Các cuộc bầu cử PAO diễn ra tại 76 tỉnh trên toàn quốc, ngoại trừ hai khu vực hành chính đặc biệt là Bangkok và thành phố Pattaya và là hoạt động bầu cử địa phương đầu tiên ở Thái Lan trong hơn 6 năm qua, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết có 8.521 ứng cử viên đã đăng ký tranh cử cho 76 vị trí chủ tịch PAO và khoảng 1.900 ghế thành viên PAO.
(Bangkok Post)