📞

Tin tưởng các thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Pháp sớm thành hiện thực

Thu Trang 13:00 | 11/11/2021
Chứng kiến những bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam-Pháp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp bày tỏ hết sức vui mừng và tin tưởng những thỏa thuận ký kết trong chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trở thành hiện thực.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp (nhiệm kỳ 2018-2021). (Nguồn: NVCC)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp (nhiệm kỳ 2018-2021) đã chia sẻ về những tiềm năng hợp tác Việt Nam-Pháp mở ra sau chuyến thăm.

Thưa Đại sứ, xin ông điểm lại một số kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?

Ấn tượng lớn nhất từ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đó là một chương trình hoạt động hết sức dày đặc, bận rộn và khẩn trương. Kết quả nổi bật của chuyến đi là hai bên đã ký một loạt thoả thuận trên tất cả các lĩnh vực hợp tác Việt Nam-Pháp.

Tôi đã từng chuẩn bị nhiều chuyến thăm cấp cao tại Pháp trong những năm trước đây, nhưng ít có chuyến thăm nào có chương trình gặp gỡ toàn diện và bận rộn như chuyến đi Pháp vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng ta đã gặp tất cả các đối tác quan trọng nhất của Pháp, từ chính giới cho đến giới doanh nghiệp, trí thức và kiều bào. Chuyến thăm đã thực sự tái khẳng định, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược mà hai nước đã bắt đầu từ năm 2013.

Trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao của Pháp, hai bên đã nhất trí về một loạt các vấn đề trong lĩnh vực chính trị, cả về song phương và đa phương, như Tuyên bố chung đã cho thấy.

Về kinh tế, số lượng và giá trị các thoả thuận đạt được cho thấy hai bên đã sẵn sàng mở rộng trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược mà Pháp có thế mạnh như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số, y học, hàng không...

Tôi rất chú ý đến khả năng có thể tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Pháp trong thời gian tới khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) bước sang năm thứ hai đi vào thực hiện, cũng như thỏa thuận về chuyển đổi số mà hai bên đã bắt đầu từ 2018 vì Pháp vốn là một trong những nước có dịch vụ công được số hóa phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và hơn nữa các trí thức, kiều bào, kĩ sư gốc Việt có một vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật số của Pháp.

Mảng hơp tác y tế được hai bên đặc biệt quan tâm, thể hiện qua tình đoàn kết trong đại dịch, các văn kiện hợp tác được ký trong lĩnh vực này cũng như việc Thủ tướng gặp gỡ các bác sĩ gốc Việt tại Pháp, thăm Viện Pasteur và công ty dược phẩm Sanofi.

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của hai nước trong bối cảnh dịch Covid-19, thách thức chung toàn cầu hiện nay, mà còn cho phép phát huy thuận lợi khi hợp tác hai bên đã có nền tảng vững chắc. Đó là ảnh hưởng của Pháp trong hệ thống đào tạo bác sĩ ở Việt Nam thế kỷ trước, mạng lưới đông đảo các chuyên gia, bác sĩ gốc Việt tại Pháp cũng như nhiều bác sĩ Việt Nam đã từng được tu nghiệp tại Pháp và trao đổi chặt chẽ giữa các Viện Pasteur…

Về văn hóa, việc hai bên đồng ý hỗ trợ nhau trong việc tăng cường trao đổi văn hóa, đặc biệt là hỗ trợ cho các trung tâm văn hóa ở hai nước phát triển. Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội cũng như Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris đã khẳng định tính chất đặc thù của quan hệ Việt Nam-Pháp. Ít có mối quan hệ song phương nào có sự giao thoa văn hóa như Việt Nam và Pháp, đặc biệt khi Paris là một trong hai thủ đô trên thế giới có Nhà Văn hoá Việt Nam.

Chuyến thăm cũng là biểu tượng cho ngoại giao toàn diện khi Thủ tướng ta đã gặp và trao đổi thân thiết với Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel, khẳng định mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng ta.

Nếu năm 2020 đánh dấu 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc) tham dự Đại hội Tour thành lập Đảng Cộng sản Pháp thì năm 2021 cũng kỷ niệm 110 năm Bác đến thành phố Marseille, điểm đến đầu tiên trong hành trình cứu nước của Người tại Pháp (1911) và 100 năm Bác tham dự Đại hội đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp ở Marseille (1921).

Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã nối tiếp tiền lệ gặp mặt đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và châu Âu, tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với người đứng đầu các tổ chức quốc tế ở Paris. Với vị trí đặc biệt, Paris là nơi đặt trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các cuộc gặp thể hiện sự quan tâm của ta về hợp tác đặc thù và chuyên sâu với các các tổ chức đa phương này, có thể tác động sâu sắc tới quá trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam về văn hoá và kinh tế...

Tóm lại, tôi vô cùng bất ngờ vì trong một thời gian ngắn ngủi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoàn thành một chương trình làm việc tại Pháp rất bận rộn, nội dung phong phú toàn diện và có nhiều ý nghĩa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Từ những kết quả tốt đẹp của chuyến thăm, hai nước Việt Nam và Pháp đang đứng trước những cơ hội gì, thưa Đại sứ?

Trong chuyến thăm, các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như các nhà lãnh đạo Pháp đều nhấn mạnh rằng tiềm năng của hai bên còn nhiều và hai nước đang đứng trước các thời điểm với nhiều cơ hội mới.

Quan hệ Việt Nam-Pháp đang có thuận lợi là năm đầu tiên thực hiện EVFTA. Đặc biệt khi Pháp là một trong những thị trường lớn đối với hàng nông sản Việt nam do cộng đồng châu Á lâu đời ở Pháp, có nhu cầu lớn và thói quen đối với các mặt hàng nông sản nhiệt đới, đặc biệt là trái cây, hải sản…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Ở chiều ngược lại, những năm gần đây, giới doanh nghiệp Pháp đặc biệt chú ý về sự khởi sắc của thị trường Việt Nam do quy mô dân số lớn, tốc độ phát triển nhanh và nhu cầu về cơ sở hạ tầng, năng lượng, quản lý đô thị, kỹ thuật số…ngày càng tăng.

Đáng chú ý, Pháp là một trong số các nước châu Âu có trình độ phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ cao, không chỉ về giao thông vận tải đường sắt, đường không, phát triển cảng biển, sân bay mà cả trong lĩnh vực vệ tinh.

Có thể nhận thấy thời gian tới, hợp tác Việt Nam-Pháp đang đứng trước những dấu mốc quan trọng. Đó là hai nước sắp chạm mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Đó cũng là thời gian Pháp làm Chủ tịch EU từ tháng 1/2022, bắt đầu thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, còn Việt Nam đang khẩn trương thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2026 và 2021-2030 đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Nói cách khác đây là một thời điểm và cơ hội thuận lợi để có thể làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp và đồng thời cũng là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của hợp tác song phương, đáp ứng mong muốn và lợi ích của cả hai dân tộc, hai nước và hai khu vực ASEAN và EU.

Nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Pháp vừa kết thúc nhiệm vụ cách đây không lâu, chứng kiến những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, ông hãy chia sẻ cảm xúc và mong muốn của mình?

Chứng kiến thành công tốt đẹp và kết quả toàn diện của chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi hết sức vui mừng và mong muốn các thỏa thuận này sẽ được hiện thực hóa trong 1-2 năm tới, vào đúng dịp đánh dấu các cột mốc quan trọng của hợp tác hai nước như trên đã nói.

Vì thế, tôi tin tưởng rằng những cam kết, thỏa thuận mới đạt được sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới, nhất là vào năm 2023. Điều đó sẽ đánh dấu một bước phát triển thực chất và sâu sắc sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp, Thủ tướng đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Việt; cùng lãnh đạo Pháp chứng kiến lễ ký kết, trao nhận gần 40 thỏa thuận hợp tác và thỏa thuận kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều thỏa thuận, dự án có ý nghĩa và giá trị lớn như: Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Pháp giai đoạn 2021-2026.

Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo; Biên bản ghi nhớ giữa Hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn Safran về thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở doanh số trị giá 10 tỷ USD; Biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá 2 tỷ Euro giữa Hãng hàng không Bamboo Airways và Tập đoàn Safran...