📞

'Tình bạn trong nền chính trị lớn': Lý trí hay vị tình?

Minh Vũ 10:00 | 17/10/2020
TGVN. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định 'không nên có tình bạn trong nền chính trị lớn', song đáp án này có thực sự được các quốc gia lựa chọn?

Tính cách Nga

Nguyên văn câu trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên kênh truyền hình Rossiya-1 là: “Nói chung, không có tình bạn trong nền chính trị lớn. Không nên có”.

Câu hỏi “Có hay không tình bạn trong nền chính trị lớn?” muốn đề cập mối liên quan giữa quan hệ của Tổng thống Vladimir Putin với các nhà lãnh đạo ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Armenia, Azerbaijan..., và chính sách, hành động của Nga liên quan đến các nước đó, đồng thời, còn có ý thăm dò xem Tổng thống Nga muốn ai là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Câu trả lời của Tổng thống Vladimir Putin khá thẳng thắn, rõ ràng, như tính cách thường thấy ở ông. Điều cơ bản trong “nền chính trị lớn” mà Tổng thống Nga nói tới là “lợi ích quốc gia và nhân dân”. Hoạt động chính trị của Tổng thống trước hết là đại diện và bảo vệ quyền lợi của đất nước, nhân dân mình.

Nói “trong chính trị không có chỗ cho tình bạn” là ở góc độ đó, nhất là khi các quốc gia đối kháng về lợi ích cơ bản. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn thêm: quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo các nước luôn giúp ích trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp nhất và ngược lại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng không nên có tình bạn trong nền chính trị lớn. (Nguồn: TASS)

Suy rộng ra, câu trả lời của Tổng thống Vladimir Putin cũng là một quan điểm trong chính sách đối ngoại Nga. Nga sẵn sàng hòa giải, ủng hộ và có thể chi viện vũ khí, lực lượng khi xảy ra xung đột, can thiệp quân sự từ bên ngoài nhằm lật đổ chính quyền ở các nước đồng minh, đối tác có hiệp ước quân sự, an ninh với Nga hoặc có quan hệ gần gũi với Moscow.

Các hành động đó trước hết vì lợi ích, bảo vệ vị thế, các địa bàn chiến lược của Nga, ngăn chặn Mỹ và phương Tây can dự, hỗ trợ lực lượng đối lập, dựng lên chính quyền đối đầu với Nga, đồng thời tạo đối trọng với ý đồ cố duy trì xu thế đơn cực trong quan hệ quốc tế.

Nếu không có sự can dự của Nga, lực lượng đối lập được Mỹ, phương Tây hỗ trợ đã giành chính quyền từ lâu ở Syria. Phương Tây cũng phải thừa nhận vai trò quan trọng, không thể thiếu của Nga trong giải quyết xung đột ở Belarus và cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh…

Lãnh đạo, cựu lãnh đạo nhiều nước đánh giá mối quan hệ tốt với Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga mang lại lợi ích cho đất nước họ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, các liên hệ với Tổng thống Nga là đáng giá nhất đối với ông, không chỉ trong cuộc chiến ở Syria mà còn trong phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Italy Franco Frattini, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói Tổng thống Putin là một số ít trong các nhà lãnh đạo trên thế giới coi trọng và giữ gìn tình bạn. Và đó cũng là “đặc thù Nga”, “tính cách Nga”.

Về cơ bản, ý kiến của Tổng thống Vladimir Putin tương đồng với xu thế chung của thế giới đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhưng không ít người đứng đầu các nước coi Nga là “đối thủ nguy hiểm”, “sự hung hăng thái quá”, là tác giả các vụ đầu độc “nhà đối lập”, mà không hề đưa ra một bằng chứng xác đáng nào! Và dựa vào đó để trừng phạt Nga.

Mỹ và các nước khác, nói và làm

Từ thời Thế chiến II, Thủ tướng Anh lúc đó là Winston Churchill (1874-1965) đã nói: Thế giới này không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.

Trong những năm 1960, ông Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc mượn ý câu tục ngữ để đưa ra quan điểm: Mèo trắng, mèo đen đều tốt, miễn là bắt được chuột! Tư tưởng đó lúc đầu vận dụng trong cải cách kinh tế, sau trở thành phương châm chỉ đạo quan hệ quốc tế.

Hiện nay, xu hướng chung là đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Một số nước đẩy thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không tính đến lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Đối với họ, “trong chính trị không có chỗ cho tình bạn”. Có điều, họ thường che dấu bằng những mỹ từ.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump luôn giương cao ngọn cờ “Nước Mỹ trên hết”. Các chiến lược, chính sách, quan hệ hợp tác của Mỹ đều xuất phát từ tư tưởng đó. Mỹ sẵn sàng rút khỏi các tổ chức quốc tế, cơ chế thế giới, khu vực nếu nó không mang lại lợi ích cho họ.

Có thể kể đến: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức)... Mỹ cũng đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì thiên vị Trung Quốc; không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới giữa Mỹ và Nga (New START).

Mỹ luôn đòi hỏi đồng minh, đối tác ủng hộ các quyết sách của Mỹ; đóng góp tương xứng cho “cái ô” phòng thủ chung. Đức và Mỹ là hai nước đồng minh quan trọng, nhưng Thủ tướng Angela Merkel đã từ chối lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2020 của Tổng thống Donald Trump vì sự bất đồng giữa 2 nhà lãnh đạo, trong đó có vấn đề “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Trước đó, 2 nhà lãnh đạo đã không ít lần chỉ trích lẫn nhau.

Giữa Thủ tướng Đức và lãnh đạo một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng mâu thuẫn liên quan đến dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2” và vấn đề trừng phạt Nga, nhất là khi xảy ra vụ ông Alexei Navalny bị đầu độc. Thậm chí, năm 2019, Thủ tướng Angela Merkel từng phải cảnh báo: vấn đề người nhập cư có thể quyết định số phận tương lai của EU.

Góc nhìn Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, trong quan hệ quốc tế, nhiều nước phương Tây nói chung thiên về lý trí, chủ nghĩa thực dụng. Các dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam có phần vị tình. Văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam đề cao tính thủy chung với bạn bè, tính bao dung, tha thứ...

Cuối những năm 1970, Việt Nam đã cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp từ “cánh đồng chết”. Chúng ta kiên quyết bảo vệ, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo, nhưng vẫn duy trì quan hệ hợp tác, không quên sự giúp đỡ của các nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Việt Nam cũng rạch ròi giữa hành động của một bộ phận trong giới cầm quyền với nhân dân nước đó. Những cựu binh Mỹ từng gây tội ác ở Mỹ Sơn và nhiều nơi khác, nhưng khi họ trở lại Việt Nam để hối lỗi, họ vẫn được nhân dân đón tiếp thân thiện. Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng với Mỹ xây dựng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện.

Nhưng Việt Nam không hề mơ hồ chính trị trong quan hệ quốc tế. Mọi quan hệ, ứng xử đều dựa trên nguyên tắc, quan điểm: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác.

Bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019). Chúng ta rất biện chứng khi chỉ rõ: trong đối tượng cũng có mặt cần hợp tác và trong đối tác cũng có mặt cần đấu tranh.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc của mình, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia-dân tộc khác. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tinh thần đó thấm đẫm sâu sắc trong Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Lời nói luôn đi đôi với hành động.

Vì vậy, dù Việt Nam là nước đang phát triển, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn được đánh giá là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm, người bạn chân thành của cộng đồng quốc tế. Kết quả bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu kỷ lục, gần tuyệt đối (192/193) và Lời chúc mừng nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/1975) của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres là một trong những minh chứng sinh động, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế.