TIN LIÊN QUAN | |
Lớp học chuyên đề về quan hệ quốc tế tại Nhật Bản | |
Giáo dục Nhật Bản – 1 năm nhìn lại |
Đến Nhật Bản, bất kể ở đâu, từ trong lớp học, đến công sở, trong siêu thị hoặc trên đường phố, các bạn Nhật Bản luôn sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài. Trái với một số nước bán hàng cho người nước ngoài với thủ tục miễn thuế rất dài dòng, phức tạp tại sân bay thì tại Nhật Bản hiện nay, khách hàng nước ngoài được khấu trừ thuế ngay tại quầy hàng, ngay trong siêu thị.
Đoàn cán bộ đối ngoại Việt Nam trước trụ sở Quốc hội Nhật Bản. (Ảnh: DHQ) |
Chấp nhận thách thức, kiến tạo cơ hội
Nhật Bản hiện không chỉ là đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam, mà độ tin cậy chính trị giữa hai nước đã được đẩy lên tầm cao nhất từ trước tới nay. Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng đến thăm Việt Nam, thể hiện độ tin cậy chính trị đó. Về kinh tế, Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư thứ hai và đối tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam.
Một thách thức đối với Nhật Bản hiện nay là tình trạng già hóa dân số đến mức cảnh báo. Đứng trước mối nguy này, chính quyền của Thủ tướng Abe nhận định là “trong nguy có cơ”. Dù tác động thế nào đến kinh tế xã hội thì đây vẫn là một yếu tố mới. Yếu tố mới nhất định sẽ tạo cơ hội mới. Nhật Bản sớm phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số đương nhiên sẽ có kinh nghiệm xử lý vấn đề này, và một ngày, kinh nghiệm đó có thể được “xuất khẩu” sang nước khác bởi già hóa dân số cũng đang gõ cửa nhiều quốc gia. Nhìn thấy “trong nguy có cơ”, đó là tinh thần Nhật Bản, một di sản quý báu đã giúp cho đất nước nghèo tài nguyên, bất ổn vì động đất núi lửa nhưng vươn lên văn minh, thịnh vượng hàng đầu trên thế giới.
Để bảo đảm nguồn nhân lực lao động khi dân số giảm, Nhật Bản có chính sách mở rộng cơ hội cho người nước ngoài có tay nghề cao. Đến nay đã có tới 1 triệu ngưởi nước ngoài làm việc tại Nhật Bản (trong đó người Trung Quốc đông nhất 31,8%, tiếp sau là Việt Nam 15,9%, Philippines 11,8%, Brazil 9,8%, Nepal 4,9% và cuối cùng là Triều Tiên 4,4%). Đây chỉ là một phần trong chính sách kinh tế của nội các đương nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe. Cuộc cách mạng nguồn nhân lực mới là một trụ cột trong chính sách kinh tế Abenomics. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Abe, Nhật Bản sẽ đảm bảo cơ hội cho thế hệ trẻ được học cao hơn, cải cách hệ thống trường đại học theo hướng coi trọng đào tạo thực hành, điều chỉnh hệ thống tuyển dụng để khai thác tốt nguồn nhân lực đa dạng trong xã hội.
Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, trọng dụng nhân tài là quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo Nhật Bản nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả. Trong lịch sử đương đại Nhật Bản, rất ít chính trị gia dám đụng tới vấn đề được cho là nhạy cảm này (người Nhật gọi là cấm kỵ chính trị “political taboo”). Nhưng hai chính trị gia của Đảng Dân chủ Tự do LDP không nghĩ thế. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Hashimoto là người tiên phong. Khi ông thất cử, Thủ tướng Obuchi tiếp tục thực hiện cải cách quyết liệt. Nhờ đó, Nhật Bản đã giảm số bộ ngành từ 23 xuống còn 12, cắt giảm các cục vụ viện từ 128 xuống còn 96 và số công chức giảm tới 25%. Cũng là người của Đảng Dân chủ Tự do LDP, Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe chủ trương tập trung xây dựng văn phòng Phủ Thủ tướng tập quyền thay vì vai trò riêng rẽ của các bộ, ngành.
Để chọn được đội ngũ cán bộ phụng sự đất nước, Nhật Bản có các kỳ thi quốc gia để tuyển chọn người tài đức trong số sinh viên đã tốt nghiệp đại học trở lên. Các cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào “ngân hàng nhân sự” ấy để lựa chọn cán bộ phù hợp cho bộ máy của mình. Theo Chính phủ Nhật Bản, đất nước này muốn có nhiều nhân tài để tham gia làm việc tại cơ quan nhà nước thì bắt buộc phải có cuộc thi công bằng, công khai, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, ai cũng có thể tham gia vào kỳ thi.
Thách thức thường trực và lớn nhất với Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á hiện là mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Ngày thứ ba trong lịch trình học tập nghiên cứu của đoàn cán bộ đối ngoại Việt Nam tại Tokyo cũng là ngày Triều Tiên bắn thử tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản.
Ông Yushita, Giám đốc FEC, Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: DHQ) |
Nước Nhật hiện đang phải chịu thách thức giống như sức ép của sự kiện “ngoại giao chiến hạm” năm 1853. Khi ấy, hải quân của Nhật còn rất non yếu, các tàu chiến Mỹ đã tiến vào vịnh Tokyo uy hiếp, buộc Nhật Bản phải mở cửa để Mỹ và các nước phương Tây vào buôn bán tự do. Nhưng trong cái rủi có cái may, cũng từ sự kiện mất mặt này, người Nhật nhận ra kém cỏi lạc hậu của mình, từ đó, họ thực thi chính sách mở cửa, duy tân, học theo cái mới, làm theo phương Tây, mở ra thời kỳ thịnh trị huy hoàng của Nhật Bản.
Ngày nay, trước diễn biến phức tạp mới nảy sinh trong khu vực, Nhật Bản đang vận động sửa đổi Hiến pháp, thực thi “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” để cùng với các nước bảo vệ hòa bình cho chính mình, đồng thời đóng góp thực chất hơn nữa vào hòa bình khu vực và thế giới. Đây là thông tin chia sẻ của ông Hiroyuki Yushita, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hiện là Giám đốc điều hành cao cấp của Hiệp hội Ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC).
Giáo dục – chìa khoá cho mở cửa
Đối mặt với thách thức, quyết tâm mở cửa là bài học nữa cho Việt Nam khi trong nước ta dường như đâu đó đang xuất hiện khuynh hướng “tân bế quan tỏa cảng”. Trước mối lo không quản lý, ngăn chặn được thông tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện tại, đã có ý kiến đề xuất hạn chế Internet. Thực tế, trong kỷ nguyên IoT (Internet of things), không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới.
Nhật Bản bước vào TPP chậm nhất trong 12 nước cũng vì lúc đầu họ tính toán thận trọng do sức ép bảo hộ nông nghiệp trong nước. Nhưng khi đã truyền thông cho nông dân hiểu lợi ích của hội nhập, Nhật Bản đã hăng hái tham gia và quyết tâm dẫn dắt TPP kể cả khi không có Mỹ tham gia (TPP 11). Không thể đóng cửa bảo hộ trong nước, không thể đi một mình một đường, người dân Nhật Bản đã thấm thía điều này khi bị uy hiếp bởi cái gọi là “ngoại giao chiến hạm” 164 năm trước.
Đó là những năm tháng của thế kỷ XIX, trong cùng bối cảnh bị phương Tây lăm le xâm lược, các vua nhà Nguyễn của Việt Nam đã thực hiện “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa với bên ngoài, cuối cùng mất nước. Ngược lại, Nhật Bản tiến hành cải cách Minh Trị Duy Tân, mở cửa thông thương. Nhiều phái đoàn của Nhật được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật công nghệ. Nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường Đại học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật. Có thể nói, giáo dục đào tạo đã làm thay đổi nước Nhật phong kiến.
Trên tờ tiền mệnh giá lớn nhất 1 vạn Yen Nhật hiện nay có in hình ông Fukuzawa Yukichi. Đây là cách người Nhật tri ân nhà giáo dục vĩ đại nhất của đất nước Mặt trời mọc. Sang du học tại Âu Mỹ, tiếp thu những tinh hoa của phương Tây, ông Fukuzawa Yukichi đã mang kiến thức về truyền bá cho đất nước Nhật Bản, góp phần tạo ảnh hưởng to lớn cho công cuộc Minh Trị Duy Tân khiến cho đất nước trở nên cường thịnh.
Nhà báo Fumio Matsuo tặng tác giả cuốn sách “Democracy with a gun” . (Ảnh: DHQ) |
Nước Nhật hiện đại, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, từ năm 1990, bước vào giai đoạn suy thoái. Nhà báo nổi tiếng Fumio Matsuo được Bộ Ngoại giao Nhật mời đến trao đổi với đoàn cán bộ đối ngoại Việt Nam. Ông cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến “2 thập kỷ mất mát” của Nhật Bản là do du học sinh Nhật ở Mỹ và các nước phương Tây không còn đông đảo như trước.
Dẫn đầu trong số các nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ những năm qua là Trung Quốc. Học sinh Nhật Bản hiện chỉ xếp thứ 9. Trong khi đó, ông Funimo Matsuo cho biết du học sinh Trung Quốc vào học những trường ưu tú nhất của Mỹ, đặc biệt chú trọng các trường kinh doanh (business school) là nơi thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất thế giới về kinh tế, khoa học công nghệ. Lực lượng du học sinh đông đảo này là nguồn sức mạnh cho canh tân đổi mới của Trung Quốc hiện đại. Du học sinh Trung Quốc ngày càng đông đảo còn là cầu nối ngoại giao, lan tỏa giá trị Trung Hoa.
Ông Funimo Matsuo cũng thêm rằng hiện nay học nói tiếng Trung là mốt trong giới thượng lưu Mỹ. Người Nhật rất lo lắng về sự tụt hậu này và đang tìm cách phục hưng tinh thần Nhật Bản trong giới trẻ. Dù kinh tế suy giảm so với những năm 60 - 70, nhưng hiện nay, Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế. Du học sinh chỉ là một câu chuyện để thấy người Nhật luôn cầu thị. Họ nhận ra thách thức, đối mặt để vượt lên. Đây cũng là một bài học đáng suy ngẫm cho Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển.
"Sức khỏe" kinh tế Nhật Bản qua những thống kê mới nhất Ngày 29/9, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết giá tiêu dùng của nước này tăng trong tháng 8/2017 song vẫn chưa đạt mục tiêu ... |
Nhật Bản cam kết thực thi chính sách kinh tế “táo bạo” Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 20/9 cam kết sẽ thực thi những chính sách “mạnh bạo” về thuế, ngân sách, thay đổi các ... |
Giáo dục đạo đức Nhật Bản: Học làm người mọi nơi, mọi lúc Khác với nhiều nước giáo dục đạo đức chủ yếu thông qua một môn học, Nhật Bản “dạy người” qua tất cả các môn cũng ... |
Chuyện người Việt cho con vào học lớp 1 ở Nhật Bản Một trong những nỗi lo lắng của du học sinh người Việt có con đi theo cùng ra nước ngoài là việc học hành của ... |