Tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris có Thượng nghị sĩ Pierre Laurent et Jérémy Bacchi, nghị sĩ Anne le Hénanff, các học giả, nhà nghiên cứu, cùng đông đảo bà con kiều bào và bạn bè Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hiệp định hòa bình Paris với tầm ảnh hưởng và phạm vi đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và mở rộng ra toàn thể cộng đồng quốc tế. Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh 50 năm đã trôi qua kể từ ngày hiệp định được ký kết, nhưng các giá trị biểu trưng của hòa bình vẫn luôn mang ý nghĩa thời đại, cần phải được gìn giữ và bồi đắp.
Nhắc đến sự giúp đỡ của bạn bè Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: "Chúng tôi luôn ghi nhớ việc nước Pháp đã chia sẻ với Việt Nam, không chỉ những thời khắc lịch sử chung, những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết, mà còn sẵn sàng dành cho chúng tôi sự chào đón tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi trên đất nước của mình.
Chúng tôi hiểu rằng tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn mà nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc giành lại độc lập và hòa bình, là cơ sở vững chắc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam".
Nhân dịp này, Đại sứ đã bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những người bạn lâu năm, trong các hiệp hội và tổ chức chính trị khác nhau của Pháp, những người đã từng đóng góp nhằm củng cố hòa bình và hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. Đại sứ kêu gọi hai nước sẽ tiếp tục truyền thống này trong thời gian tới để ghi dấu trong tâm trí các thế hệ mai sau tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Thượng nghị sĩ Pierre Laurent, Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp, phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: TTXVN) |
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Pierre Laurent, Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được thay mặt Thượng viện và Đảng cộng sản Pháp (PCF) tham dự buổi lễ kỷ niệm trọng thể do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Thượng nghị sĩ nhắc lại những kỷ niệm về tình đoàn kết và sự giúp đỡ vô tư, chí tình của những người bạn cộng sản Pháp trong suốt tiến trình đàm phán hòa bình từ năm 1968 đến 1973, một tiến trình được coi là dài nhất trong lịch sử ngoại giao trong thế kỷ XX, với gần 200 phiên họp công khai, hàng chục cuộc gặp bí mật và hàng trăm buổi họp báo và trao đổi.
Thượng nghị sĩ Pierre Laurent nhấn mạnh: "Trong suốt 5 năm đó, mối quan hệ giữa những người cộng sản Pháp và Việt Nam luôn bền chặt và được duy trì đến tận ngày nay".
Trước xu hướng gia tăng các cuộc khủng hoảng, ông cho rằng việc bảo vệ hòa bình phải là "kim chỉ nam chung" và khẳng định "Việt Nam, hơn bao giờ hết là một đối tác quan trọng của Pháp trong công cuộc đối phó với các thách thức toàn cầu để xây dựng hòa bình và an ninh nhân loại".
Quang cảnh buổi tọa đàm về Hiệp định Paris. (Nguồn: TTXVN) |
Trước đó, các cuộc tọa đàm bàn tròn về Hiệp định Paris, cũng như mối quan hệ Việt Nam - Pháp dưới góc nhìn của những người trong cuộc, đã được tổ chức với sự dẫn dắt của Pierre Journoud, Giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3. Nhiều học giả và nhân chứng đã chia sẻ những cảm xúc và đánh giá của họ về sự kiện lịch sử trọng đại cách đây 50 năm.
Nếu như Jean-Christophe Noel, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu An ninh (IFRI) trình bày ý nghĩa của Hiệp định Paris về khía cạnh quân sự, thì Giáo sư Pierre Journoud lại đề cập khía cạnh ngoại giao và vai trò của Pháp trong tái thiết Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris.
Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký của Hội hữu nghị Pháp Việt (AAFV), một trong những hiệp hội hữu nghị đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam và có lẽ là người thừa kế duy nhất của các phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Pháp đưa người nghe trở về với những hoạt động đoàn kết của hội AAFV.
Còn ông Jean-Philippe Eglinger lại dẫn dắt khán giả bằng những nghiên cứu của ông về sự phát triển của quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, trong đó hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng.
Nhân dịp này, tác giả Pierre Journoud đã giới thiệu cuốn sách "Biển Đông dưới góc độ sức mạnh mềm". Xuất bản cuối tháng 12/2022, cuốn sách dày 438 trang là tuyển tập các bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu, chính trị gia người Pháp và Việt Nam chia sẻ quan điểm về cách giải quyết các vấn đề của Biển Đông bằng những "sức mạnh mềm" thay vì dùng vũ lực.
Tác giả Pierre Journoud ký sách "Biển Đông dưới góc độ sức mạnh mềm" tặng bạn đọc. (Nguồn: TTXVN) |
Nói về nội dung cuốn sách, ông Pierre Journoud cho biết đây là một trong những cuốn tổng hợp đầu tiên bằng tiếng Pháp, đưa ra những cách tiếp cận mới để giải quyết các mối xung đột tồn tại lâu đời ở vùng biển này.
Cuốn sách tái hiện các giai đoạn lịch sử từ hồi đầu thế kỷ XX cho đến nay, giải thích các nguyên nhân chính tạo nên sự căng thẳng giữa các nước trong khu vực, như các lý do về quân sự, chiến lược, kinh tế, cả khía cạnh pháp lý và văn hóa, lĩnh vực tuy ít được nói đến nhưng lại rất phong phú về mặt văn học.
Cuốn sách cũng đề cập cả đến "quyền lực mềm" mà các nước liên quan sử dụng để bày tỏ lập trường của họ thông qua việc đưa ra các cơ sở pháp lý thuyết phục.
Theo ông, Việt Nam là một trong những điểm sáng về lĩnh vực này vì biết vận dụng ngoại giao văn hóa và kinh tế để giải quyết các vấn đề và thách thức về biển, vốn đang chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao toàn cầu của nước này.
Buổi lễ kỷ niệm đã để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp trong lòng bà con kiều bào và bạn bè Pháp tham dự. Thượng nghị sĩ Pierre Laurent cho rằng "việc Paris được chọn làm nơi để tiến hành đàm phán là một niềm tự hào to lớn đối với nước Pháp, những người Việt tại Pháp và các đảng viên Đảng cộng sản Pháp, do đó việc tổ chức lễ kỷ niệm Hiệp định Paris cũng có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả tại Pháp".
Tham tán công sứ Đại sứ quán Lào tại Pháp Asoka Rasphone cũng chia sẻ hiệp định không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam mà cả khu vực Đông Dương trong đó có Lào và Campuchia, khi góp phần đem lại hòa bình lâu dài cho nhân dân cả ba nước.
Đại biểu tham dự buổi lễ xem các tư liệu về Hiệp định Paris. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Tòng, Việt kiều tại Pháp cho rằng trong quá trình đàm phán hiệp định, hai phái đoàn Việt Nam đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bà con kiều bào vì tinh thần yêu nước của họ rất cao, nên họ xác định làm hết sức để tạo kiều kiện cho hai phái đoàn đàm phán thuận lợi.
Học giả Pháp Patrice Cosaert khẳng định 50 năm sau sự kiện này là dịp để ôn lại kỷ niệm, đồng thời bày tỏ niềm vui khi thấy Việt Nam sống trong hòa bình và mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp ngày càng tốt đẹp.
Bà Dominique de Miscault, nghệ sĩ Pháp, cho rằng sự kiện kỷ niệm này rất quan trọng và không khí buổi lễ rất tuyệt vời.