📞

Tọa đàm trực tuyến Quốc hội Việt Nam với Năm Chủ tịch AIPA 2020

20:11 | 28/08/2020
TGVN. Sáng 28/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quốc hội Việt Nam với Năm Chủ tịch AIPA 2020”, là hoạt động mở đầu cho đợt cao điểm thông tin tuyên truyền về Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41.
Tọa đàm trực tuyến "Quốc hội Việt Nam với Năm chủ tịch AIPA 2020". (Ảnh: PH)

Khách mời tham gia Tọa đàm có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) 41 Nguyễn Văn Giàu; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41, Trưởng Tiểu ban Nội dung AIPA 41 Vũ Hải Hà; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Anh Dũng và nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Văn phòng Quốc hội Phạm Quốc Bảo.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa mong muốn, các vị khách mời sẽ trao đổi nhiều thông tin để độc giả hiểu sâu thêm về quá trình hình thành, phát triển của AIPO/AIPA và những đóng góp, những dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong AIPO/AIPA, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và đất nước ta nói chung trong khu vực và trên trường quốc tế.

Một sự trùng hợp thú vị khi năm 2020 cũng là năm đánh dấu tròn 25 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO)/AIPA. Trong suốt 1/4 thế kỷ, bằng việc thực thi chính sách đối ngoại tích cực, chủ động và có trách nhiệm, Quốc hội Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của AIPA, được các nghị viện thành viên và nhiều nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao. Có thể nói, vào những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.

Tại Tọa đàm, các khách mời đã cùng nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của AIPO/AIPA, đặc biệt là những sáng kiến, đóng góp và dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam tại AIPO/AIPA và trọng trách của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 41 nói riêng và trong AIPA nói chung.

Tổ chức AIPO được thành lập ngày 2/9/1977, tại Manila, Philippines do Chủ tịch Quốc hội 5 nước gồm Indonesia Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan đồng sáng lập. Năm 2006, tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 được tổ chức tại Philippines, AIPO quyết định đổi tên thành Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và phát triển cho đến nay. Lý giải về quyết định thay đổi tên gọi từ AIPO thành AIPA, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Anh Dũng cho biết, đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi mà AIPA biểu hiện một cơ chế liên minh nghị viện khu vực, có tính chất ràng buộc thể chế, điều hành bằng cơ chế tập thể, có tính chất pháp lý cao hơn so với tổ chức AIPO.

Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên của AIPO/AIPA, các đại biểu cho biết, tại các Đại hội đồng, Quốc hội Việt Nam đều có những sáng kiến, đóng góp thực chất. Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng với 2 sáng kiến của Quốc hội Việt Nam tại các kỳ Đại hội đồng trước đây.

Một là, năm 2007, để kết nối giữa người đứng đầu Chính phủ và người đứng đầu Quốc hội các nước ASEAN - AIPA, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất cần có phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà lãnh đạo AIPA. Năm 2009, Thái Lan tổ chức buổi đối thoại đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo AIPA và ASEAN nhưng đây là phiên họp không chính thức. Đến năm 2010, khi Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ hai tại Việt Nam thì được sự đồng thuận của các nước, chúng ta đã chính thức tổ chức phiên đối thoại cấp cao này.

Từ đó đến nay, phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo AIPA và các nhà lãnh đạo ASEAN đã được tổ chức trong khuôn khổ Năm ASEAN, Năm AIPA. “Tôi cho rằng, đây là một sáng kiến rất có giá trị. Việt Nam đã đi bước đầu tiên và cũng là nơi tổ chức phiên đối thoại chính thức đầu tiên”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Hai là, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Việt Nam đề xuất việc Ủy ban Kinh tế của AIPA phải ra được Nghị quyết về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. “Lúc đó tôi làm ở Ủy ban Kinh tế, nói là ủng hộ ra Nghị quyết của AIPA nhưng khi thực thi không đơn giản vì mỗi nước có hệ thống pháp luật và hệ thống chính sách riêng, đặc biệt là chính sách đầu tư công cho lĩnh vực này”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Đại hội đồng AIPA 41 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 3 ngày, từ 8-10/9 tới. Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu cho biết, với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, chuẩn bị cho Đại hội đồng AIPA 41, Việt Nam dự kiến đề xuất hai sáng kiến cốt lõi. Một là, đề xuất thành lập cơ chế Hội nghị nghị sĩ trẻ nhằm đề cao vai trò của thanh niên. Hai là, Việt Nam muốn kết nối, gắn kết hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về sự phát triển bền vững.

Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất, trao đổi với nghị viện các nước thành viên và đến nay đã cơ bản thống nhất mỗi Ủy ban của AIPA sẽ ban hành một Nghị quyết, đề xuất của các nước gửi đến sẽ được tổng hợp, lồng ghép trong dự thảo Nghị quyết chung trình Đại hội đồng.

Việc tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 và các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 2020 theo phương thức trực tuyến để thích ứng với tình hình Covid-19 cũng làm phát sinh một số khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và tích cực, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41, Trưởng Tiểu ban Nội dung AIPA 41 Vũ Hải Hà khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung khắc phục, bảo đảm tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41.