📞

Toạ đàm về tác phẩm đoạt giải Goncourt của nhà văn Pháp

Ngọc Diệp 18:37 | 07/09/2022
Ngày 6/9, Viện Pháp tại Hà Nội đã phối hợp với Nhã Nam tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách 'Không ai sống giống ai trong cuộc đời này' - tác phẩm đoạt giải Goncourt 2019 của nhà văn Jean-Paul Dubois.

Goncourt là giải thưởng văn học danh giá với "tuổi đời" 120 năm, được sáng lập để trao tặng những tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất hàng năm.

Là giải thưởng lâu đời nhất nước Pháp, Goncourt là niềm mơ ước của các nhà văn, tiểu thuyết gia, khi những tác phẩm đoạt giải luôn nhận được đông đảo sự quan tâm của độc giả.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Buổi tọa đàm ra mắt bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Không ai sống giống ai trong cuộc đời này của nhà văn Jean-Paul Dubois có sự tham gia của các vị khách mời: Nhà văn Gérald Berche-Ngô, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và MC Vũ Kim Anh.

Không ai sống giống ai trong cuộc đời này kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của Paul Hasen với hai mạch kể đan xen giữa quá khứ và hiện thực. Một cuộc đời kỳ lạ, nhiều thăng trầm cùng những trớ trêu cuốn anh vào cảnh ngục tù tăm tối đã hiện ra trước mắt độc giả.

Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn nói: “Khi nhìn về quá khứ của một con người, thường sẽ có hai giọng điệu. Một là không ngừng suy tư, đau đáu, thậm chí có những sự chất vấn khôn nguôi về quá khứ của mình. Và hai là dám giã biệt quá khứ và một tiếng cười.

Cuốn tiểu thuyết này dường như là một sự pha trộn rất tài tình giữa giọng điệu u hoài, tiệc nhớ về cái chết của những người thân yêu và tiếng cười chất phác, giàu chất mua vui”.

Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cho rằng: “Người Việt chưa thể sống cho riêng mình bởi rất nhiều lý do khác nhau. Phần lớn chúng ta phải sống theo quy chuẩn của số đông, của tập thể. Để một người sống cho chính mình là một điều rất khó khăn”.

Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết mang đến một cách nhìn mới để cuộc đời một con người được chấp nhận, được thấu hiểu, đòi hỏi sự cởi mở và bao dung rất lớn, cũng như đề cao cách sống của mỗi cá nhân và kịch bản cuộc đời của riêng họ.

Nhà văn Gérald Berche-Ngô chia sẻ, ông rất yêu thích cuốn tiểu thuyết vì đây không phải sách của phải người giàu viết cho người giàu. Trong thế giới văn học, rất hiếm khi có một nhân vật chính là người công nhân - một lực lượng chiếm 23% lao động ở Pháp.

Ông cảm thấy vô cùng ấn tượng với cuốn sách vì chủ đề là sự kết hợp hoàn hảo của tình yêu và cái chết - hai phạm trù mà nhà văn cho rằng, rất khó để đưa vào văn học và lột tả được hết những sắc thái cảm xúc trong đó.

Toạ đàm thu hút sự tham dự của đông đảo công chúng. (Nguồn: Viện Pháp tại Hà Nội)

Diễn giả Gérald Berche-Ngô cũng cho biết, tác giả đã xây dựng một lối kể chuyện rất lôi cuốn, khiến người đọc hồi hộp, vì phải đến những trang nào mới biết lý do nhân vật chính phải đi tù.

Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật cũng khiến ông đặc biệt ấn tượng, từ nhân vật chính Paul Hasen đến các tuyến nhân vật phụ như, người bạn tù Patrick Horton - người đã ngồi cùng xà lim với nhân vật chính ở nhà tù Montréal.

Nhà văn Gérald Berche-Ngô nhận định, đoạn kết của cuốn tiểu thuyết cũng là một cái kết hoàn hảo khi nhân vật chính trả thù cho cha mình - người bị phá sản và phải tự hủy hoại bản thân.