Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: ĐSQ Ấn Độ tại Việt Nam) |
‘Vasudhaiva Kutumbakam’ – hai từ này hàm chứa một triết lý sâu sắc. Cụm này có nghĩa "thế giới là một gia đình". Đây là một quan điểm bao trùm khuyến khích chúng ta cùng tiến bộ như một đại gia đình, vượt qua biên giới, ngôn ngữ và hệ tư tưởng.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, điều này đã chuyển thành lời kêu gọi cho sự tiến bộ lấy con người làm trung tâm. Là Một Trái đất, chúng ta đang cùng nhau nuôi dưỡng hành tinh của mình. Là Một Gia đình, chúng ta hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Và chúng ta cùng nhau hướng tới một tương lai chung - Một Tương lai - đó là một sự thật không thể phủ nhận trong thời đại kết nối này.
Trật tự thế giới hậu đại dịch rất khác so với thế giới trước đó. Trong vô vàn thay đổi, có ba thay đổi quan trọng.
Đầu tiên, người ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết phải chuyển từ việc lấy GDP làm trung tâm thế giới sang lấy con người làm trung tâm.
Thứ hai, thế giới đang nhận ra tầm quan trọng của khả năng phục hồi và độ tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, mọi người đều kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua cải cách các thể chế toàn cầu.
Vai trò Chủ tịch G20 của chúng tôi là chất xúc tác góp phần vào những thay đổi này.
Vào tháng 12/2022, khi chúng tôi tiếp nhận vai trò này từ Indonesia, tôi đã viết rằng G20 phải thúc đẩy sự thay đổi về tư duy. Điều này đặc biệt cần thiết trong việc lồng ghép nguyện vọng vốn bị gạt ra ngoài lề của các nước đang phát triển ở khu vực phía Nam và châu Phi.
Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam, được tổ chức vào tháng 1/2023, với sự tham dự của 125 quốc gia, là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong năm Chủ tịch của chúng tôi. Đó là một hoạt động quan trọng nhằm thu thập thông tin đầu vào và các ý kiến của các nước phương Nam. Hơn nữa, nhiệm kỳ Chủ tịch của chúng tôi không chỉ chứng kiến sự tham gia của các nước châu Phi với số lượng lớn nhất từ trước tới nay mà còn thúc đẩy việc đưa Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20.
Nhiệm kỳ Chủ tịch của chúng tôi không chỉ chứng kiến sự tham gia của các nước châu Phi với số lượng lớn nhất từ trước tới nay mà còn thúc đẩy việc đưa Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20. |
Một thế giới được kết nối với nhau có nghĩa là những thách thức của chúng ta trên các lĩnh vực đều được liên kết với nhau. Đây là năm giữa của Chương trình nghị sự 2030 và nhiều bên đang hết sức lo ngại rằng tiến trình thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đang đi chệch hướng. Kế hoạch hành động G20 2023 về SDG sẽ dẫn đầu định hướng tương lai của G20 hướng tới việc thực hiện SDG.
Ở Ấn Độ, sống hòa hợp với thiên nhiên đã trở thành chuẩn mực từ thời xa xưa và chúng tôi đã và đang đóng góp vào hành động chống biến đổi khí hậu ngay cả trong thời hiện đại.
Nhiều quốc gia phương Nam đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và hành động chống biến đổi khí hậu phải là mục tiêu bổ trợ trong quá trình đó. Tham vọng của hành động chống biến đổi khí hậu phải phù hợp với các hành động về tài chính khí hậu và chuyển giao công nghệ.
Chúng tôi tin cần phải chuyển từ thái độ thuần túy hạn chế những gì không nên làm sang thái độ mang tính xây dựng tập trung vào những gì có thể làm để chống lại biến đổi khí hậu.
Các Nguyên tắc cấp cao của Chennai vì nền kinh tế xanh bền vững và có khả năng phục hồi tập trung vào việc giữ cho đại dương của chúng ta trong lành.
Một hệ sinh thái toàn cầu về hydro sạch và xanh sẽ xuất hiện sau nhiệm kỳ Chủ tịch của chúng tôi, cùng với Trung tâm đổi mới hydro xanh.
Năm 2015, chúng tôi đã thành lập Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế. Giờ đây, thông qua Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ thế giới thực hiện chuyển đổi năng lượng phù hợp với lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn.
Dân chủ hóa hành động chống biến đổi khí hậu là cách tốt nhất để tạo động lực cho phong trào này. Giống như việc các cá nhân đưa ra quyết định hàng ngày vì sức khỏe lâu dài của mình, họ có thể đưa ra quyết định về lối sống dựa trên các tác động đến sức khỏe lâu dài của hành tinh. Giống như việc Yoga trở thành một phong trào vì sức khỏe của quần chúng toàn cầu, chúng tôi cũng thúc đẩy thế giới thông qua chương trình Lối sống vì môi trường bền vững (LiFE).
Do tác động của biến đổi khí hậu, việc đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng sẽ rất quan trọng. Các loại hạt họ kê, hay Shree Anna, có thể giúp giải quyết vấn đề này đồng thời thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh hợp với khí hậu. Trong Năm quốc tế về Hạt kê, chúng tôi đã đưa hạt kê vào thực đơn trên khắp thế giới. Theo hướng này, các Nguyên tắc cấp cao của Deccan về An ninh lương thực và dinh dưỡng cũng rất hữu ích.
Công nghệ có tính biến đổi nhưng nó cũng cần phải mang tính bao trùm. Trước đây, tiến bộ công nghệ không mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các thành phần trong xã hội. Trong vài năm qua, Ấn Độ đã cho thấy cách tận dụng công nghệ để thu hẹp sự bất bình đẳng thay vì mở rộng chúng.
Ví dụ, có hàng tỷ người trên khắp thế giới vẫn chưa được sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc thiếu định danh kỹ thuật số nhưng vẫn có thể nhận hỗ trợ tài chính thông qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công (DPI). Các giải pháp mà chúng tôi xây dựng bằng cách sử dụng DPI hiện đã được công nhận trên toàn cầu. Giờ đây, thông qua G20, chúng tôi sẽ giúp các nước đang phát triển thích ứng, xây dựng và mở rộng quy mô DPI để khai thác sức mạnh của tăng trưởng bao trùm.
Việc Ấn Độ là nền kinh tế lớn có tăng trưởng nhanh nhất không phải ngẫu nhiên. Các giải pháp đơn giản có thể mở rộng và mang tính bền vững của chúng tôi đã trao quyền cho những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi để dẫn dắt câu chuyện phát triển của chúng tôi. Từ lĩnh vực không gian đến thể thao, từ kinh tế đến tinh thần kinh doanh, phụ nữ Ấn Độ đã dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đã chuyển từ sự phát triển của phụ nữ sang sự phát triển do phụ nữ dẫn dắt.
Với vai trò Chủ tịch G20, chúng tôi đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách chênh lệch khi tham gia lực lượng lao động và tạo điều kiện cho phụ nữ có vai trò lớn hơn trong lãnh đạo và ra quyết định.
Đối với Ấn Độ, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 không đơn thuần là một nỗ lực ngoại giao cấp cao. Với tư cách là cái nôi của dân chủ và là hình mẫu của sự đa dạng, chúng tôi đã mở cánh cửa trải nghiệm này cho thế giới.
Ngày nay, Ấn Độ được gắn liền với việc hoàn thành mọi việc trên quy mô lớn. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 cũng không ngoại lệ. Nó đã trở thành một phong trào do người dân định hướng. Tính tới thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, hơn 200 cuộc họp sẽ được tổ chức tại 60 thành phố của Ấn Độ trên khắp đất nước của chúng tôi, thu hút gần 100.000 đại biểu từ 125 quốc gia. Chưa có nhiệm kỳ Chủ tịch nào có thể bao trùm một phạm vi địa lý rộng lớn và đa dạng như vậy.
Nghe về nhân khẩu học, dân chủ, đa dạng và phát triển của Ấn Độ từ người khác là một chuyện nhưng trải nghiệm chúng trực tiếp lại hoàn toàn khác. Tôi chắc chắn rằng các đại biểu G20 của chúng ta sẽ xác nhận điều này.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của chúng tôi cố gắng thu hẹp những chia rẽ, dỡ bỏ rào cản và gieo hạt giống hợp tác nhằm nuôi dưỡng một thế giới nơi sự đoàn kết chiếm ưu thế trước bất hòa, nơi vận mệnh chung làm lu mờ sự cô lập.
Với tư cách là Chủ tịch G20, chúng tôi đã cam kết mở rộng bàn đàm phán toàn cầu, đảm bảo rằng mọi tiếng nói đều được lắng nghe và mọi quốc gia đều có cơ hội đóng góp. Tôi tự tin khẳng định rằng chúng tôi đã thực hiện cam kết của mình bằng hành động và kết quả.
Tính tới thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, hơn 200 cuộc họp sẽ được tổ chức tại 60 thành phố của Ấn Độ trên khắp đất nước của chúng tôi, thu hút gần 100.000 đại biểu từ 125 quốc gia. Chưa có nhiệm kỳ Chủ tịch nào có thể bao trùm một phạm vi địa lý rộng lớn và đa dạng như vậy. |