📞

Tôi đã đi qua một trong những giấc mơ đẹp nhất đời mình!

20:18 | 16/09/2016
Giấc mơ ấy kéo dài tới 50 tiếng triền miên! Sau giấc mơ, giữa đời thực, biết bao con người nở nụ cười rạng rỡ.

10h sáng ngày 16/9/2016, sau khoảng 50 giờ lênh đênh trên biển, theo kế hoạch tàu Kiểm ngư KN 490 đưa 228 ngư dân Việt Nam cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng trăm gia đình cùng hàng ngàn người thân của họ đã ngóng chờ từng giây, từng phút để gặp lại người thân sau hàng tháng trời bặt tin.

Chúng tôi ở đầu bên phía Indonesia cũng đã tự đặt mình vào hoàn cảnh tương tự của những gia đình có người thân như vậy để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp nhất, khẩn trương nhất và chu đáo nhất có thể.

Không phải là giấc mơ

Khi gặp các ngư dân tại đảo Natuna trong buổi lễ trao trả ngư dân Việt Nam trên biển do Bộ Biển và Nghề cá Indonesia tổ chức rất trọng thể hôm 14/9 với sự có mặt của ông Tổng thư ký Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia, Sjarief Widjaja, tôi có bắt tay và hỏi cảm xúc họ và hầu hết đều tỏ ra hân hoan, vui mừng tột độ.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn trò chuyện và hỏi thăm các ngư dân. (Nguồn: ĐSQ)

Và tôi đã hơi chững lại bởi câu trả lời: "Cháu chả cảm thấy gì. Cháu không nghĩ việc trao trả này là có thật. Khi nào thật sự gặp gia đình cháu mới tin đây là sự thật, chứ không phải giấc mơ". “À ra vậy. Chú cũng nghĩ đây là một trong những giấc mơ đẹp nhất đời mình!”, tôi đáp lại cậu.

Từ chiếc tàu chỉ huy dõi theo những ngư dân cuối cùng bước lên tàu, rồi tàu Kiểm ngư KN 490 rời tọa độ tiếp đón quay hướng về phía Việt Nam, không ai bảo ai, cả đoàn công tác đều đưa mắt tìm nhau với ẩn ý đã hoàn tất công việc từ bên phía đầu Indonesia. Sau đó, từng người một, lảo đảo, liêu xiêu lao vào góc riêng của mình trên tàu nước bạn để tiếp tục chống chọi với cơn say sóng trong 3 giờ tiếp theo khi tàu quay về cảng, hoàn tất việc giao nhận.

Đến khi tàu cập cảng lên bờ, chuẩn bị rảo bước ra xe, các cán bộ trong đoàn công tác của Đại sứ quán mới cùng ôm choàng, lắc tay nhau thật mạnh. Lúc này mọi người mới có thể nói lên những lời sẻ chia, những vất vả mà họ vừa cùng nhau vượt qua và cùng chúc mừng sứ mạng đã được hoàn thành.

Chuyến đi nhớ đời

Trước khi đến Natuna, mặc dù đã bàn bạc, chuẩn bị kỹ đồ dùng cá nhân, quần áo chống rét, xem xét địa hình, khí hậu... ở đây, nơi đoàn công tác sẽ đến nhưng không ai trong đoàn lại nghĩ chuyến đi gặp nhiều khó khăn đến vậy.

Gặp nhau tại sân bay Batam khi chuẩn bị nối chuyến đi Ranai, Natuna, sáng 13/9, Trưởng đoàn bạn, ông Sjarief Widjaja nói với tôi rằng: "Natuna là khu vực rất hoang vu, chưa phát triển cơ sở hạ tầng. Ngài Đại sứ đi chuyến này chắc sẽ ‘nhớ đời’.

Tôi sống ở vùng sông nước, lại đi công tác địa phương quen, nhưng chuyển đi Natuna bao giờ cũng vất vả, khó khăn nhất”. Tôi đáp lại quả quyết : “Ông đi được thì tôi cũng đi được”. Thực ra, khi ấy nói như vậy nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết hàm ý câu "nhớ đời" của ông Widjaja, không phải nói về sự kỳ thú, mà là nỗi gian truân.

Trong khoảng 27 giờ đồng hồ kể từ khi đặt chân đến sân bay Ranai, Natuna, các thành viên trong đoàn công tác chỉ có không quá 1h để chợp mắt. Khoảng thời gian còn lại, chúng tôi phải di chuyển 4 lần cả đi lẫn về quãng đường rừng núi gần 240km, rồi xuất phát từ 0h30 sáng để kịp lên tàu ra Tọa độ trao trả ngư dân bắt đầu từ lúc 5h sáng ngày 14/9 theo dự kiến ban đầu.

Ngồi trên buồng lái con tàu chỉ huy sáng sớm 14/9, Tổng Thư ký Widjaja, một người am hiểu về biển, chia sẻ với tôi rằng: “Biển Natuna trong xanh, tự nhiên rất đẹp. Nhưng cũng như cô gái đẹp thường hay đỏng đảnh, khó tính, biển Natuna cũng ‘tính khí’ thất thường. Dự báo thời tiết hôm nay rất đẹp, nhưng để ‘chắc ăn’ tôi chọn giao nhận ngư dân lúc 5h sáng ngày 14/9. Khi đó thường trời yên biển lặng”.

Nhưng ông Widjaja đã sai.

Không thể về rồi "làm lại"

Có thể do tính toán “sớm còn hơn trễ”, nên tàu KN 490 của Việt Nam đã đến Tọa độ giao nhận, cách đảo Natuna 100km, từ 2h trước đó, còn tàu số 01 chở chúng tôi đến điểm hẹn lúc 4h30 sáng.

Trái với dự báo thời tiết, lúc này biến động dữ dội. Những lính "trên cạn" như chúng tôi đều có biểu hiện chóng mặt, say sóng. Hai phương án dự kiến ban đầu là 3 tàu Indonesia lần lượt cập mạn tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 490 để ngư dân ta "nhảy sang" hoặc dùng cần cẩu để chuyển ngư dân đều không thực hiện được. Do đó, đoàn đành chuyển sang phương án 3 là các tàu bạn và tàu ta thả ca-nô cao su và đưa lần lượt theo nhóm 10 người một chuyển sang tàu KN 490.

Các ngư dân chuyển sang ca-nô để di chuyển sang tàu Kiểm ngư KN 490 của Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ)

Lúc đó, sóng đánh càng lúc một to. Tàu của chúng tôi 700 tấn nhìn gần bờ to là vậy, nhưng ra giữa biển khơi, sóng đánh dữ dội hai mạn thuyền, mới thấy tròng trành như ngồi trên bè chuối. Phải mất gần 1h, bắt đầu từ lúc 04h30' sáng, đi quanh tàu KN 490, tàu 01 của chúng tôi mới tìm được chỗ xuôi luồng để neo đậu. Tuy nhiên, khi vừa thả xong 2 ca-nô cứu hộ thì góc biển chỗ này lại động, nên tàu 01 buộc phải tiếp tục di chuyển.

Đồng chí phóng viên của đoàn thấy thời điểm có thể quay được nên bèn cầm máy xuống quay. Vừa xuống lưng chừng cầu thang thì sóng đánh tàu chao đảo làm mất thăng bằng. Tuy nhiên, anh ấy khéo léo tránh để mạng sườn đập vào lan can cầu thang, còn phía tay kia giữ máy quay rồi ngồi thụp xuống. "Tôi không rõ hôm nay có đưa được ngư dân về không?", ông Widjaja đầy kinh nghiệm lẩm bẩm. "Thế chả nhẽ về rồi làm lại à? Không thể..." tôi lẩm bẩm đáp lại.

Nói đến việc chuyển ngư dân trên biển thì dễ dàng, nhưng khi thực hiện lại không dễ chút nào. Hai ca-nô của ta từ tàu KN 490 lượn qua, lượn lại tàu bạn nhưng không thể tiếp cận để ngư dân từ tàu to nhảy sang. Trái lại ca-nô bạn là chủ lực, kiên trì bám theo "tàu mẹ", chờ khi "tàu mẹ" đứng yên đôi chút là sáp vô, đón rồi chuyển ngư dân ta sang tàu KN 490. Và cứ rập rình như vậy đến hơn 7h sáng, chúng tôi mới chuyển hết ngư dân từ tàu 01 của Indonesia sang tàu KN 490.

Trong lúc người và biển rình rập nhau như vậy thì 2 ngư dân của ta, và một thủy thủ Indonesia trượt chân rớt xuống biển. Cũng may có nhiều người trên boong tàu nhìn thấy và nhanh tay thả phao nên không xảy ra chuyện đáng tiếc.

Khi vừa chuyển xong hết ngư dân từ tàu 01 và bắt đầu chuyển từ tàu 02 thì mây đen ùn ùn kéo đến, mưa nặng hạt bắt đầu và công việc phải tạm dừng. Tuy nhiên, may mắn là mưa biển rất mau tạnh sau 20 phút mưa tầm tã. Như có phép màu, biển trở lại trong xanh, bớt động và bắt đầu hửng nắng. Chỉ trong hơn 45 phút đồng hồ, việc chuyển ngư dân từ hai tàu còn lại của Indonesia sang KN 490 hoàn tất.

Như vậy, sau khoảng 27 giờ, trong đó có trên 9 giờ trên tàu bị sóng dập tơi tả, 6 giờ di chuyển trên bộ, hơn 6 giờ làm các nghi lễ bàn giao... đoàn công tác mới xong việc và thở phào nhẹ nhõm. Tuy mệt nhưng các thành viên trong đoàn công tác đều thấy "hả hê" và phấn chấn vì công việc của mình đã thực sự có ích, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bao nhà. Chiều ngày 15/9 đoàn công tác đã hạ cánh an toàn tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta.