📞

Tôn giáo góp phần tạo ra hòa bình, hòa hợp và đoàn kết

Khánh Linh 22:57 | 27/11/2023
Tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hòa bình, hòa hợp và thống nhất tại mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn thế giới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh điều đó trong phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế các nhà lãnh đạo tôn giáo (ISORA) thuộc Diễn đàn Tôn giáo R20, ngày 27/11 tại thủ đô Jakarta.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị quốc tế các nhà lãnh đạo tôn giáo (ISORA) thuộc Diễn đàn Tôn giáo R20 tại Indonesia ngày 27/11/2023. (Nguồn: Tempo)

Nhà lãnh đạo nước chủ nhà khẳng định, chiến tranh và diệt chủng xảy ra trong thời đại ngày nay là điều “hoàn toàn phi lý và vô nghĩa”.

Đề cập cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đã cướp đi sinh mạng của nhiều thường dân vô tội, trong đó có phụ nữ và trẻ em, Tổng thống Joko Widodo kiên quyết, “thảm kịch nhân đạo” này hoàn toàn "không thể dung thứ được".

“Lệnh ngừng bắn phải được thực hiện ngay lập tức, hỗ trợ nhân đạo phải được đẩy nhanh và các cuộc đàm phán hòa bình phải bắt đầu ngay lập tức", ông nhấn mạnh tại diễn đàn với sự tham gia của hơn 30 nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới.

Indonesia có 280 triệu dân thuộc 714 sắc tộc, tôn giáo khác nhau, với hơn 1.300 ngôn ngữ địa phương và sinh sống trên 17.000 hòn đảo. Tổng thống Joko Widodo thừa nhận việc đoàn kết người dân "không hề dễ dàng" song "chúng tôi đã làm được điều đó”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Indonesia dạy rằng tình yêu quê hương đất nước là một phần của đức tin. Sự khoan dung trước những khác biệt và duy trì sự đoàn kết cũng là một phần của đức tin. Indonesia tin tưởng vào vai trò của tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hòa bình, hòa hợp và thống nhất tại mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn thế giới.

Đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn này, vị nguyên thủ Indonesia kêu gọi: "Chúng ta hãy biến đối thoại liên tôn giáo và xuyên quốc gia thành một phương tiện để thu hẹp những khác biệt và chấm dứt mọi hình thức xung đột, cùng nhau tạo ra một thế giới hòa bình, hài hòa và thịnh vượng”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Yahya Cholil Staquf, Chủ tịch Nadhlatul Ulama - tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới bày tỏ hy vọng ISORA sẽ đạt được thỏa thuận với các hành động cụ thể nhằm giải quyết các cuộc xung đột hiện nay, trong đó có xung đột giữa Israel và Hamas.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ các quốc gia là thành viên của mạng lưới R20 đã nhất trí thúc đẩy một giải pháp thực sự để cuộc xung đột ở Gaza, Palestine được giải quyết càng sớm càng tốt.

(theo Tempo)