Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong khẳng định, thực hiện nghị quyết trung ương 2 khóa 8 và kết luận Hội nghị trung ương khóa 6, Bộ đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các tổ chức khoa học công nghệ; phát triển thị trường công nghệ và hoàn thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực này.
"Nhiều tổ chức khi được giao quyền tự chủ đã chuyển biến tích cực. Ví dụ Công ty Sơn tổng hợp Hải Phòng, trung bình mỗi công nhân một năm tạo ra doanh thu 1,5 tỷ đồng, cao hơn cả các doanh nghiệp phần mềm", ông Phong nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất tốt, nhưng nhiều tổ chức khoa học công nghệ còn phân vân, sự phối hợp giữa các bộ ngành ở trung ương tốt, nhưng ở dưới địa phương lại yếu. "Việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan nghiên cứu thường là nhà khoa học, làm nghiên cứu tốt, nhưng thiếu tư duy kinh tế thị trường nên ngại chuyển đổi", ông Quân giải thích.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự nhìn nhận, đội ngũ khoa học hiện nay có phần lạc hậu, hệ quả là năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Ông chỉ ngay nguyên nhân: "Tiền đầu tư cho khoa học công nghệ quá ít, từ năm 2001, Quốc hội mới dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong khi lĩnh vực này cùng với giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển".
Để khoa học thực sự cất cánh, giáo sư Cự đề nghị đến năm 2010 cần tăng mức đầu tư cho khoa học công nghệ lên 1% GDP (xấp xỉ 1 tỷ USD), bên cạnh đó vay thêm vốn ODA khoảng 0,5 tỷ USD. Khoản tiền này được dùng để đào tạo các nhà khoa học, xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia và đặc biệt là trả phụ cấp đặc biệt dựa trên những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, tránh hiện tượng cào bằng lương như hiện nay.
Chia sẻ với giáo sư Cự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Đăng Vang nói: "Trong báo cáo xóa đói giảm nghèo năm 2002, Ngân hàng thế giới đã đánh giá đầu tư một đồng cho khoa học thì thu lời gấp 10 lần so với đầu tư xã hội nói chung. Hiện nhà nước mới đầu tư 0,56% GDP, con số quá thấp so với 5,5% của Hàn Quốc và 2,8% của Mỹ".
Ông Vang đề nghị tăng mức đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt đầu tư ngay cho các trường ĐH, nơi tập trung đông nhất đội ngũ trí thức trẻ với nhiều hoài bão, để 15 năm sau họ sẽ là trụ cột của nền khoa học nước nhà. Muốn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì trong ban giám đốc của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ nên có thành phần là nhà quản lý kinh doanh. "Các nhà khoa học vốn chỉ biết làm khoa học, không rành về kinh doanh", ông Vang giải thích.
Lắng nghe tất cả ý kiến góp ý cho chiến lược phát triển khoa học công nghệ nước nhà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định mặc dù đầu tư cho công nghệ còn hạn chế (chỉ chiếm 0,56% GDP, 2% tổng chi ngân sách), nhưng 5 năm qua ngành khoa học đã đạt được những thành tựu ấn tượng.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (bên phải) trao đổi với Bộ trưởng Hoàng Văn Phong (đứng giữa). Ảnh: Hoàng Hà. |
"Chúng ta đã nghiên cứu sản xuất thành công văcxin phòng dịch cúm gia cầm; ứng dụng kỹ thuật ghép tạng, ghép gan, mổ nội soi cho người bệnh với trình độ tương đương các nước phát triển; tạo ra giống lúa năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Công trình thủy điện Sơn La đòi hỏi trình độ rất cao, nhưng khả năng có thể rút ngắn thời gian thi công 2 năm", Tổng bí thư nói.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có chính sách cụ thể để sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ. Hiệu quả của công tác nghiên cứu chưa được nâng cao rõ rệt; chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Nhấn mạnh tới việc trọng dụng các nhà khoa học, Tổng bí thư nói: "Chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm đã là một trong những nguyên nhân làm giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của các nhà khoa học. Đã đến lúc Bộ cần đề xuất một số giải pháp đột phá, cân đối nguồn kinh phí dành cho khoa học công nghệ để đầu tư tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất; có chế độ đảm bảo thu nhập thỏa đáng đối với người làm công tác khoa học kỹ thuật; tạo cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và phải tôn vinh xứng đáng những nhà khoa học".
Theo VNE