Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định như vậy khi chia sẻ với phóng viên TG&VN, ngay sau khi kết thúc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, sáng 29/6.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Nguồn: TTXVN) |
Mức tăng trưởng phù hợp
Kinh tế Việt Nam đã đi được 1/2 chặng đường của năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,72%. Bà đánh giá thế nào về kết quả này?
GDP 6 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,72%, không đạt như kỳ vọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Từ bên ngoài, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 |
Tin liên quan |
Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu. Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại.
Theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Ngoài ra, rủi ro hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp… gia tăng và kinh tế Trung Quốc - nước láng giềng của Việt Nam - đang phục hồi chậm và còn nhiều bất định.
Trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) yếu đi.
Giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay - cũng chưa có cải thiện đáng kể.
Song song với đó, một số thị trường then chốt như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra.
Theo đánh giá của tôi, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể đạt mục tiêu 6,5% không, thưa bà?
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%).
Tuy nhiên, kết quả biên soạn GDP cho thấy, kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72% (trong đó quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14%), không đạt mức tăng đề ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48 điểm phần trăm).
Kết quả này do các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 0,44%, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%.
Ngành khai khoáng cũng ghi nhận giảm 1,43%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Theo đánh giá của tôi, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi, trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều. (Nguồn: Vneconomy) |
6 động lực chính
Đâu là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?
Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp. Trong nửa cuối năm, những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đến từ 6 yếu tố.
Thứ nhất, đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải tăng trưởng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng...
Thứ hai, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
GS. TS. Andreas Stoffers: Xu hướng tăng trưởng nhanh của Việt Nam vẫn chưa kết thúc |
Tin liên quan |
Thứ ba, hoạt động nông nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản tăng trưởng tốt (6 tháng đầu năm đạt gần 14 tỷ USD, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế cả nước).
Thứ tư, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo, quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023. 72,6% doanh nghiệp đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định). Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
Thứ năm, tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7/2023 sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ sáu, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất-kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.
Theo bà, giải pháp nào để tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt khó khăn, tiếp đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm?
Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn. Dưới đây là 5 giải pháp mà Tổng cục Thống kê đề xuất.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế. Đồng thời, theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất
Thứ hai, phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.
Thứ ba, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thứ năm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất-tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
Xin cảm ơn bà!
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Ngoại giao xuất khẩu cần quyết liệt như ngoại giao vaccine Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng nghiêm trọng, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách thúc đẩy ... |
| Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn: Hợp tác kinh tế Việt Nam-UAE sẽ sớm 'đơm hoa kết trái' Lãnh đạo Việt Nam và UAE mong muốn và quyết tâm cao trong thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ kinh ... |
| TS. Rainer Zitelmann: Ý tưởng của Adam Smith trong những thay đổi thần kỳ của kinh tế Việt Nam Adam Smith là nhà kinh tế học, nhà triết học và là người người đặt nền tảng cho lý thuyết kinh tế thị trường tự ... |
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không nên dừng lại ở ‘hô khẩu hiệu’ Môi trường lãi suất cao, việc tiếp cận tín dụng khó khăn, biến động thị trường… là những yếu tố rủi ro lớn đối với ... |
| Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó ... |