Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Madrid (Tây Ban Nha). (Nguồn: Nikkei) |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 29-30/6.
Đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức và cũng là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, một thể chế an ninh tập thể có trụ cột là Mỹ và châu Âu.
Khởi đầu cho định hướng an ninh
Theo báo Donga Ilbo (Hàn Quốc) ngày 11/6, việc Tổng thống Hàn Quốc chọn tham dự một hội nghị đa phương cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình là khá bất thường. Điều này cho thấy một thông điệp của Seoul nhằm bắt kịp các quốc gia thành viên NATO.
Một quan chức từ văn phòng Tổng thống cho biết: “Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO là một bước quan trọng trong việc tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của NATO nhằm duy trì một trật tự quốc tế dựa trên các giá trị và chuẩn mực cũng như mở rộng vai trò của Hàn Quốc như một trục xoay toàn cầu”.
Đây là lần đầu tiên NATO mời các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ukraine là đối tác tham dự hội nghị.
Giới phân tích cũng đánh giá rằng việc Tổng thống Yoon Suk Yeol chọn hội nghị thượng đỉnh NATO là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức là rất có ý nghĩa. Đây là quyết định thể hiện Hàn Quốc tăng cường củng cố quan hệ với Mỹ trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn.
Một quan chức chủ chốt thuộc Văn phòng Tổng thống cho biết: "Việc tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO lần này cùng với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn vừa tiến hành hồi cuối tháng 5 mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện cho điểm khởi đầu trong chính sách an ninh và ngoại giao mới của chính quyền Yoon Suk Yeol trong tương lai".
Cơ hội hàn gắn quan hệ với Nhật Bản?
Theo The Korea Herald, một trong những ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến đi tới Madrid còn là khả năng diễn ra cuộc gặp song phương bên lề đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, bởi nhiều khả năng nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Lãnh đạo hai nước Hàn Quốc-Nhật Bản chưa có cuộc nói chuyện trực tiếp nào trong 2 năm rưỡi qua, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 12/2019. Quan hệ song phương trở nên căng thẳng do hai bên ngày càng xung đột sâu sắc về các vấn đề liên quan đến lịch sử và các biện pháp trả đũa kinh tế mà Nhật Bản áp dụng từ tháng 7/2019.
Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Kishida đang cân nhắc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã liên tục bày tỏ ý định cải thiện quan hệ Hàn-Nhật kể từ khi còn là ứng cử viên tổng thống, mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ nghi ngờ rằng những thách thức trong quan hệ hai nước khó có thể được giải quyết nhanh chóng thông qua hội nghị thượng đỉnh.
Giáo sư Yuji Hosaka, Đại học Sejong (Hàn Quốc), cho rằng cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO chỉ dừng lại ở nỗ lực ngoại giao giúp thúc đẩy hợp tác an ninh nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, Giáo sư Hosaka cho rằng: “Dường như rất khó để tìm ra giải pháp cho các vấn đề hợp tác khác. Cả hai nước đều không có ý định từ bỏ các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương”.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng một cuộc gặp trực tiếp sớm giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản là cần thiết để tăng cường hợp tác ba bên.
Áp lực ngoại giao với Trung Quốc và Nga?
Ngày càng có nhiều quan ngại cho rằng việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO có thể tạo ra “gánh nặng ngoại giao” trong quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Ngày 1/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các nước thành viên NATO phải đối mặt những thách thức chủ yếu, bao gồm “tốc độ quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, tình hữu nghị không giới hạn của Trung Quốc với Nga và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn là nền tảng cho hòa bình và an ninh của thế giới”.
Mỹ dự kiến sẽ thể hiện lập trường rõ ràng hơn tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Washington có ý định xây dựng một mặt trận thống nhất, bằng cách tập hợp các đồng minh để cùng lúc ứng phó với các mối đe dọa kép từ Trung Quốc và Nga.
Trong bối cảnh đó, Lee Soo-hyung, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, nhận định: “Mỹ, NATO, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ hiểu rằng việc Hàn Quốc tham gia hội nghị lần này là đứng về liên minh của Mỹ bất kể ý định của Hàn Quốc là gì. Cách hiểu này (của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên) có thể hạn chế vị thế chiến lược của Hàn Quốc và tạo ra một gánh nặng ngoại giao đối với quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga trong tương lai”.
Nhà nghiên cứu Lee Soo-hyung, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, đưa ra khuyến nghị rằng Hàn Quốc nên “thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh mạng” dựa trên nguyên tắc là thúc đẩy hợp tác an ninh với NATO để đề phóng tình huống Triều Tiên sử dụng hạt nhân, thay vì góp phần làm gia tăng căng thẳng trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung”.