Tổng thống Mỹ Biden có cách chấm dứt 'thời đại mạ vàng' của ngành công nghệ toàn cầu. (Nguồn: iStockphoto) |
Trong chiến dịch tranh chức Tổng thống Mỹ thứ 46, ông Joe Biden hiếm khi thể hiện sự quan tâm tới việc tranh luận về cách thức điều chỉnh các công ty công nghệ lớn, cũng như không cho thấy sự am hiểu sâu rộng trong rất nhiều vấn đề liên quan tới ngành này.
Tuy nhiên chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, vị tân Tổng thống của nước Mỹ đã nhanh chóng trở thành nhân vật có khả năng làm biến đổi Thung lũng Silicon - với một loạt các đề xuất mà nếu được thực thi đầy đủ, có thể gây ra cơn địa chấn cho ngành công nghệ toàn cầu.
Người làm biến đổi Thung lũng Silicon?
Trong bài báo đăng tải trên The Age, nhà báo Robin Pagnamenta viết, tuần trước, trong một động thái kinh tế có lẽ là táo bạo nhất của Washington từ trước tới nay, ông Biden đã công bố một kế hoạch đánh thuế toàn cầu mới, buộc các công ty đa quốc gia như Amazon, Apple và Google phải trả các khoản thuế quốc gia dựa trên doanh số bán hàng trên toàn cầu.
Kế hoạch này, dự kiến sẽ thiết lập mức thuế tối thiểu là 21% cho các công ty toàn cầu, có thể làm tăng thêm hơn 300 tỷ USD tiền nộp thuế hàng năm trên toàn thế giới và giáng một đòn mạnh vào các biện pháp tránh thuế, chia sẻ lợi nhuận phức tạp, mà các công ty có lợi nhuận cao nhất, quy mô lớn nhất thế giới đang áp dụng.
Rất khó để đánh giá một cách chính xác nhất tầm quan trọng của những đề xuất này. Chỉ qua một đêm, bộ máy Chính quyền của Tổng thống Biden có khả năng sẽ gần như xóa sạch những lợi thế được cung cấp bởi các “thiên đường thuế”, vốn được các công ty công nghệ lớn sử dụng rộng rãi như Ireland, nơi Apple đã giữ được phần lớn doanh thu quốc tế nhờ chế độ thuế quan ưu đãi, hay Luxembourg - một “chốt chặn” trong các thỏa thuận thương mại toàn cầu phức tạp của Amazon.
Các cải cách mới được đề xuất cũng thể hiện một nỗ lực lớn đối với những mục tiêu vốn đang bị đình trệ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong việc thống nhất một khuôn khổ toàn cầu để đánh thuế các công ty công nghệ lớn.
Tuy nhiên, con số 21% là cao hơn nhiều so với mức thuế doanh nghiệp hiện đang áp dụng ở các nước, như tại Ireland là 12,5%, Hungary là 9% và Bulgaria là 10%, chưa kể đến các khu vực pháp lý nhỏ hơn, bao gồm Isle of Man, Jersey, Bermuda hay Bahrain, những nơi thậm chí không đánh thuế doanh nghiệp.
Các cuộc tranh luận của OECD đã kéo dài trong nhiều năm, giữa bối cảnh có nhiều bất đồng gay gắt về cách mà hệ thống mới có thể hoạt động và khiến các quốc gia vốn có những chương trình nghị sự khác nhau khó tìm được tiếng nói chung, nếu không muốn nói là chống đối lẫn nhau.
Trong khi một số nền kinh tế lớn như Anh và Pháp thể hiện sự ủng hộ đối với cải cách, một số nền kinh tế khác vốn có lịch sử sử dụng ưu thế về thuế quan để thu hút các công ty công nghệ toàn cầu lớn đầu tư, đã tìm mọi cách phản đối ý định của OECD.
Ngoài ra, một điều đáng tiếc khác là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quy trình của OECD đã bị “hủy diệt” hoàn toàn. Ông Trump luôn kiên định với quan điểm riêng, kiên quyết từ chối xác nhận bất kỳ hành động nào mà ông cho rằng sẽ đe dọa hoạt động của những công ty công nghệ lớn và thành công của nước Mỹ tại nước ngoài - một lập trường dẫn đến cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” với Pháp.
Điều này xảy ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định đơn phương cam kết triển khai Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số của riêng nước này, áp dụng cho doanh thu của các công ty công nghệ toàn cầu lớn, giống như nước Anh. Đáp lại, ông Trump đã đe dọa tăng thuế đối với các mặt hàng rượu sâm banh của Pháp, pho mai Roquefort, son môi và túi xách.
“Thời đại mạ vàng” và "những tên cướp" thế kỷ 19-20
Dĩ nhiên, các đề xuất mới của Tổng thống Biden có thể sẽ không thành công. Giống như bất kỳ đề xuất cải cách nào thuộc loại này, đều sẽ có kẻ thắng và người thua. Rất nhiều quốc gia có thể đơn giản là từ chối tham gia cuộc chơi vì họ có thể mất nguồn thu quý giá từ hệ thống thuế mới.
Tuy nhiên, đừng quên sự hỗ trợ của Washington và động lực quan trọng mà nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tạo ra trong mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế cụ thể.
Các đề xuất có thể sẽ được khơi lại vào tháng 6/2021, khi nước Anh tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 ở Cornwall. Đề xuất thuế quan của ông Biden chỉ là một trong những kế hoạch dự kiến áp dụng cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Các đề cử mà đương kim Tổng thống Mỹ dành cho Ủy ban Thương mại Liên bang và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán có thể sở hữu tầm quan trọng như nhau trong việc tạo ra một bầu không khí nhiều thù địch hơn cho những "gã khổng lồ" toàn cầu trong nền công nghiệp Mỹ.
Các công ty công nghệ khổng lồ đã có sự phát triển bùng nổ trong hơn 30 năm qua, một phần là nhờ vào việc hưởng lợi từ các lỗ hổng pháp lý, nhưng điều đó có thể sắp thay đổi. Hai nhà học giả chuyên về lĩnh vực pháp chế của Mỹ, Lina Khan và Tim Wu, những người đã lên tiếng chỉ trích các công ty công nghệ lớn về vấn đề chống độc quyền và ủng hộ nhu cầu “cưỡng ép công khai” khi cần thiết, đã được đề cử cho các vai trò giám sát quan trọng tại Ủy ban Thương mại Liên bang và Nhà Trắng.
Sức ảnh hưởng của họ ở Washington DC trong việc điều chỉnh lại các quy định của Mỹ áp dụng cho ngành công nghiệp công nghệ có thể sẽ rất lớn. Nếu được bổ nhiệm, hai vị chuyên gia này sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều với những "gã khổng lồ" của Thung lũng Silicon và mối đe dọa mà các công ty này gây ra cho sự cạnh tranh.
"Nghịch lý chống độc quyền của Amazon" là bài báo của chuyên gia Lina Khan đăng trên Tạp chí Luật Yale, lập luận rằng, các luật chống độc quyền hiện hành, dựa trên việc giữ giá tiêu dùng ở mức thấp, đã lỗi thời và cần được sửa đổi khẩn cấp để theo kịp nền kinh tế hiện đại, với sự vận động mạnh mẽ của các công ty nền tảng công nghệ trên mạng Internet.
Bà Khan khẳng định: “Chúng ta không thể nhận ra những tác hại tiềm ẩn đối với cạnh tranh do sự thống trị mà Amazon gây ra, nếu chúng ta vẫn đo lường cạnh tranh chủ yếu thông qua giá cả và sản lượng.”
Trong khi đó, ông Wu, người sẽ giữ vai trò cố vấn Tổng thống về chính sách cạnh tranh, cũng là một nhà phê bình lớn đối với các công ty công nghệ lớn. Ông đã từng lên tiếng về sự giàu có và quyền lực khổng lồ của Facebook, Google, cho rằng các công ty này đang sống trong một “thời đại mạ vàng” và là "những tên cướp" thế kỷ 19 và 20, tạo ra sự thống trị đối với toàn bộ ngành công nghiệp đường sắt và dầu mỏ Mỹ.
Ông Wu cũng đưa ra một cụm từ thường được trích dẫn về sự đánh đổi mà người dùng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm thực hiện với dữ liệu cá nhân của họ. Ông nói: “Khi một dịch vụ trực tuyến là miễn phí, điều đó có nghĩa bạn không phải là khách hàng. Bởi, bạn chính là là sản phẩm".
Tổng hợp tất cả những yếu tố trên, rõ ràng là chỉ trong vài tuần, ông Biden đã báo hiệu những thay đổi lớn sắp diễn ra đối với Thung lũng Silicon. Ngành công nghiệp công nghệ cao thế giới có thể sẽ sớm không còn “yên ả” như trước kia.