Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người đồng cấp Indonesia Joko Widodo cùng phu nhân tại Bogor, ngày 5/9. (Nguồn: Antara) |
Trước hết, cả Indonesia và Singapore đều là đối tác quan trọng với Philippines.
Tại Indonesia, Tổng thống Marcos Jr. và người đồng cấp nước chủ nhà Joko Widodo đã chứng kiến lễ ký kết các biên bản ghi nhớ (MoU) và ý định thư với tổng giá trị 8,48 tỷ USD. Trong đó, 7 tỷ USD sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, 622 triệu USD trong lĩnh vực than đá và phân bón, 822 triệu USD còn lại dành cho một số lĩnh vực khác như dệt may và năng lượng tái tạo.
Tại Singapore, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Lý Hiển Long cũng chứng kiến lễ ký kết ba biên bản ghi nhớ và gia hạn hai biên bản ghi nhớ, trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác số và trong phối hợp chống khủng bố.
Quan trọng hơn, thông qua chuyến thăm, chính quyền của Philippines muốn thể hiện rõ ưu tiên dành cho Đông Nam Á nói chung và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng. Lịch sử cho thấy, hầu hết các người tiền nhiệm của ông Marcos Jr. đều chọn Đông Nam Á làm điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Tuy nhiên, chuyến thăm trên của ông Marcos Jr. khác ở chỗ nó diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường.
Trong bối cảnh đó, ASEAN nổi lên như một nhân tố quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để các nước cùng hợp tác và phát triển. Cả Singapore và Indonesia đều là thành viên sáng lập ASEAN, với nhiều đóng góp tích cực và đáng kể.
Ưu tiên về ASEAN được ông Marcos Jr. nêu rõ trong cuộc thảo luận với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 5/9: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều về vai trò của ASEAN trong bối cảnh khu vực đối mặt khó khăn về kinh tế và địa chính trị tại Đông Nam Á cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Hai bên nhất trí rằng, ASEAN sẽ là nhân tố đi đầu trong các thay đổi để duy trì hòa bình cho khu vực”.
Tại Singapore, hai bên cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm và tinh thần đoàn kết của ASEAN, cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua chuyển đổi số, thượng tôn đa phương dựa trên luật lệ.
Biển Đông cũng là vấn đề được đề cập xuyên suốt các cuộc thảo luận.
Tại Jakarta, ông Marcos Jr. và ông Widodo đã khẳng định cam kết đẩy nhanh quá trình đàm phán về phân định thềm lục địa dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời thảo luận về thiết lập đường cơ sở cho vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông, tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại đây.
Có thể thấy, trước và sau khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Marcos Jr. tuyên bố theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Do đó, bên cạnh cân bằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, Manila sẽ tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các nước khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN. Chuyến thăm Indonesia và Singapore thể hiện rõ nét mong muốn ấy.